Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ASEAN+3 cần thúc đẩy hợp tác đa phương

(PLVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp, các nước ASEAN+3 cũng đứng trước nhiều thách thức do vậy càng cần hợp tác duy trì và thúc đẩy hợp tác đa phương, tự do hóa thương mại, kết nối và nâng cao năng lực tự cường trước các tác động từ bên ngoài.
Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị ASEAN+3.  Ảnh: VGP
Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị ASEAN+3. Ảnh: VGP

Hợp tác ASEAN+3 đạt nhiều kết quả tốt

Tiếp tục chương trình làm việc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Cấp cao liên quan, sáng 4/11, tại Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tại Hội nghị, các Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng, sự năng động và tính trụ cột của hợp tác ASEAN+3 với hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực dựa trên các nguyên tắc tin cậy, tôn trọng và chia sẻ lợi ích chung. Khu vực ASEAN+3 có 2,2 tỷ người, chiếm 1/4 GDP thế giới, 22 lĩnh vực và 65 cơ chế hợp tác.

Các Lãnh đạo bày tỏ hài lòng về việc hợp tác ASEAN+3 đạt nhiều kết quả tốt, nhất là việc thực hiện Kế hoạch hành động 2018-2022 (hiện đã đạt được 58%); cụ thể, kim ngạch thương mại ASEAN với các nước +3 năm 2018 đạt 869,1 tỉ USD, chiếm 31% kim ngạch thương mại của ASEAN năm 2018, tăng 6,8% so với năm 2017.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, cọ xát kinh tế giữa các cường quốc, chủ nghĩa bảo hộ và các thách thức ngày càng gia tăng, ASEAN+3 cần tiếp tục phát huy và tăng cường hơn nữa hợp tác, đóng góp vào phát triển kinh tế khu vực và làm động lực cho phát triển kinh tế thế giới. 

Hội nghị cũng đã nhất trí ủng hộ hệ thống đa phương mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ, các nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đưa ra tín hiệu tích cực về hợp tác kinh tế; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, an sinh xã hội, biến đổi khí hậu, quản lý, thiên tai, bệnh truyền nhiễm, hợp tác kinh tế và kết nối, ổn định tài chính vĩ mô... đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực mới như kinh tế số, thương mại điện tử, thành phố thông minh, chống rác thải nhựa, kết nối...

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế-tài chính

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tầm quan trọng của ASEAN+3, khuôn khổ hợp tác năng động nhất giữa ASEAN với các đối tác, động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp, các nước ASEAN+3 cũng đứng trước nhiều thách thức, do vậy càng cần hợp tác duy trì và thúc đẩy hợp tác đa phương, tự do hóa thương mại, kết nối và nâng cao năng lực tự cường trước các tác động từ bên ngoài. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất đẩy mạnh hợp tác kinh tế-tài chính, tăng cường tính hiệu quả và sẵn sàng của Thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM) đối với các tình huống giả định khủng hoảng và ngăn ngừa khủng hoảng; nâng cao năng lực cho Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô (AMRO) để đưa ra các khuyến nghị chính sách cần thiết. 

Thủ tướng đánh giá kết nối là rất quan trọng trong tăng trưởng bền vững, do vậy cần tập trung nguồn lực, nhất là kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối số, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, xây dựng thành phố thông minh. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của gắn kết người dân, trong đó Việt Nam có nhiều đóng góp, góp phần thúc đẩy quan hệ gắn bó, hiểu biết lẫn nhau giữa các tầng lớp nhân dân trong khu vực.  

Tối 4/11, tại Bangkok, trong lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan và công bố Chủ đề, một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020. Lễ chuyển giao diễn ra ngay sau lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố Chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Thủ tướng cho biết, năm 2020 đánh dấu 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN.

Trên nền móng vững chắc của hơn 5 thập kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử, văn hóa, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung.

Trong bối cảnh các nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng đang được đẩy mạnh, trước những biến động mau lẹ, phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN.

Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc Cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân, Thủ tướng nói.

Cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, biến động của môi trường chiến lược, kinh tế toàn cầu và khu vực cùng với những thách thức xuyên quốc gia… đang hằng ngày tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia và cuộc sống của người dân.

“Với ý nghĩa ấy, chúng tôi lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là Chủ đề của năm ASEAN 2020”, Thủ tướng nêu rõ đồng thời bày tỏ, Việt Nam trông đợi sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên ASEAN và các Đối tác để hiện thực hóa tinh thần Chủ đề của Năm ASEAN 2020.

Đọc thêm