Thừa phát lại được trực tiếp lập biên bản xác minh điều kiện thi hành án

(PLO) -Đây là một điểm mạnh trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án (THA) của Thừa phát lại (TPL) so với hoạt động xác minh của chấp hành viên (CHV) được Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình (Hà Nội) Nguyễn Văn Lạng chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam. Nhờ ưu thế này mà quyết định phong tỏa tài khoản ngân hàng được ban hành, ngăn chặn người phải THA tẩu tán tài sản, bảo đảm quyền lợi của người được THA.
 
Thừa phát lại được trực tiếp lập biên bản xác minh điều kiện thi hành án

Ông Lạng cho biết, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định hoạt động xác minh điều kiện THA là trách nhiệm của CHV, việc xác minh là miễn phí. Do vậy, hoạt động xác minh điều kiện của TPL hiện được thực hiện ít bởi nếu đương sự có yêu cầu TPL đi xác minh thì phải ký hợp đồng dịch vụ, có thu phí, khiến người dân không đến “nhờ” TPL xác minh. Tuy vậy, có nhiều trường hợp CHV xác minh không hiệu quả hoặc đương sự thấy việc xác minh của CHV có “vấn đề” thì đã đến tham vấn TPL, yêu cầu TPL xác minh. 

Khác việc xác minh của CHV, hoạt động xác minh của TPL được làm uyển chuyển hơn. Ông Lạng dẫn chứng, mặc dù phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật có liên quan nhưng theo Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN thì việc TPL xác minh ở ngân hàng, tổ chức tín dụng có “mở” hơn. Cụ thể là TPL được xác minh trực tiếp tại tổ chức tín dụng và lập biên bản trực tiếp về việc xác minh, tránh mất thời gian chuyển văn bản mà trong thời hạn 3 ngày làm việc thì đối tượng có thể “tẩu tán” tài sản, hậu quả sẽ không khắc phục được. Thông thường trong những trường hợp này, TPL vận dụng Thông tư liên tịch 03 để yêu cầu trực tiếp lập biên bản xác minh. Khi xác minh tài khoản có tiền thì ban hành ngay quyết định phong tỏa, từ đó giữ lại được tài sản. Về phía cơ quan THA, quá trình xác minh đã xác định là có tiền, nhưng đến lúc có kết quả trả lời thì phần lớn không còn tiền. “Với quy định trên, hoạt động xác minh của TPL trở nên thuận lợi hơn, hiệu quả cho người dân hơn và đó cũng là thế mạnh để người dân tìm đến TPL” – ông Lạng nhấn mạnh.

Theo ông Lạng, pháp luật quy định Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan đăng ký tài sản khác và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của TPL về xác minh điều kiện THA và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp. Tuy nhiên, ông Lạng cho rằng, TPL không nên cứng nhắc dựa vào văn bản hay cứng nhắc trong cách làm việc khiến các cơ quan trên từ chối, lần lữa, trả lời chậm. Bằng kinh nghiệm của người làm lâu năm, ông Lạng hiểu rõ vị thế của TPL hay kết quả xác minh được sử dụng như thế nào trong bảo vệ quyền lợi cho người được THA để có những cách làm mềm dẻo ngay từ đầu, bảo đảm hiệu quả của việc xác minh. 

Tại lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề TPL do Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức hôm qua – 6/12, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 (Tổng cục Thi hành án dân sự) Phan Huy Hiếu cũng đề cập khá chi tiết về những kỹ năng cần thiết trong xác minh điều kiện THA của TPL. Ngoài việc xác định thời hạn tiến hành xác minh một cách khoa học và chủ động, sao cho không vi phạm về thời hạn thì theo ông Hiếu, việc THA có thành công hay không và thành công ở mức độ nào phụ thuộc một phần vào khả năng tìm kiếm thông tin của TPL. Việc tìm kiếm thông tin đòi hỏi TPL không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm sống phong phú. Đồng thời, TPL phải không ngừng rèn luyện khả năng phán đoán, phân tích, tổng hợp, khả năng giao tiếp khéo léo đối với mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh.

Liên quan đến việc xác minh tài khoản, ông Hiếu bổ sung, TPL có thể yêu cầu ngân hàng sao kê toàn bộ hoạt động trên tài khoản xác minh trước đó 15 hoặc 30 ngày để kiểm chứng người phải THA có thường xuyên giao dịch trên tài khoản xác minh không để làm căn cứ định hướng các bước tiếp theo. Ông Hiếu cũng lưu ý, khi xác minh số dư trong tài khoản, nếu trường hợp đang trong thời gian tự nguyện thì nên phong tỏa ngay số tiền trong tài khoản, còn nếu đã hết thời gian tự nguyện, TPL có thể áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế khấu trừ số tiền trong tài khoản.

Ông Hiếu còn “điểm mặt” một số vi phạm, thiếu sót thường gặp trong xác minh điều kiện THA với mong muốn các TPL hạn chế tối đa trong quá trình làm việc. Cụ thể, TPL chỉ nghe đương sự trình bày không có tài sản gì là ghi vào biên bản luôn; TPL xác minh và thấy rằng người phải THA có tài sản là nhà và đất nhưng không xác định rõ nhà và đất đó thuộc sở hữu của cá nhân người phải THA hay tài sản chung với vợ/chồng mà đã ra quyết định xử lý tài sản của người phải THA. Không những thế, có những trường hợp cần phải xác minh tại nhiều nơi song TPL mới xác minh ở một nơi đã kết luận về việc đương sự chưa có điều kiện THA; không tiến hành xác minh lại khi kết quả xác minh của TPL và của cơ quan THA, người được THA khác nhau…

Đọc thêm