Tiền lương của cán bộ sẽ được công khai?

(PLO) - Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trong đó có số liệu về tiền lương.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Sáng 21/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị chuyên đề xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ.

Đề xuất sửa nhiều quy định

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, để bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và quy định của các luật và văn pháp quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng thì cần thiết kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định trên bảo đảm thống nhất, thông suốt trong quá trình thực hiện.

Theo đó, về lĩnh vực tổ chức, bộ máy, dự kiến sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và 50 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Về lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức, dự kiến sửa đổi, bổ sung 30 điều của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và 15 điều của Luật Viên chức năm 2010.

Bên cạnh đó, sẽ tiến hành rà soát các quy định của pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và quy định của pháp luật về công tác cán bộ trong hệ thống chính trị…

Ngoài những đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết, Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác như: xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm; đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trong đó có số liệu về tiền lương…

Phải đảm bảo mọi đối tượng “hạ cánh không an toàn”

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, thể chế hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về công tác cán bộ còn một số vấn đề như thu hút nhân tài đã có quy định nhưng trọng dụng, sử dụng ra sao cần phải nghiên cứu sâu hơn, sát thực tiễn hơn. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Liên quan đến Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, qua rà soát cho thấy, các văn bản quy định về vấn đề phân cấp còn rất hạn chế, phân cấp vấn đề gì, phân cấp đến đâu cần được quy định rõ trong các Luật sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện thống nhất, thuận lợi. 

Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương giữa các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa rõ ràng, chưa có sự chú trọng nên quá trình thực hiện chưa đạt hiệu quả cao…

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng ủng hộ tinh thần phân cấp mạnh mẽ, gắn liền với đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức về hưu vẫn còn trống nên cần thiết phải quy định trong luật để đảm bảo mọi đối tượng “hạ cánh không an toàn”, thậm chí xóa bỏ mọi chế độ của công chức, viên chức được hưởng khi nghỉ hưu nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. 

Vấn đề đã rõ thì cần làm ngay

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị, với những vấn đề đã rõ nhất quyết phải làm ngay còn những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cần được nghiên cứu, có lộ trình thực hiện. 

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng cho rằng cần có sự liên thông công tác tổ chức, cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, giữa các bộ ngành Trung ương cần tương đồng để khi điều chuyển cán bộ dễ dàng, không có sự khác biệt về cơ chế, chính sách giữa đội ngũ công chức. Ông cũng ủng hộ đề xuất phân cấp tối đa nhưng phải ràng buộc trách nhiệm, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh. 

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính

Theo ông Chính, đối với những vấn đề chưa được sửa đổi trong các luật mà yêu cầu thực tiễn cần phải thực hiện thì tổ chức thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới thực hiện trên diện rộng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án, chuẩn bị chu đáo các dự luật cần sửa đổi về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, bổ sung trình cấp có thẩm quyền theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.

Đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng đã phân cấp thì phải phân quyền, xác định rõ chế độ trách nhiệm theo các nghị quyết của Đảng, để bảo đảm xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm sự liên thông công tác cán bộ của bộ máy Nhà nước trong hệ thống chính trị.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận Hội nghị
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận Hội nghị

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, đẩy mạnh phân cấp đi kèm với đó là chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ; cần nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ nhiên cứu, luật hóa cụ thể bảo đảm tương ứng với quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức về hưu…

Đọc thêm