Tình báo Mỹ từng “qua mặt” Tổng thống Obama như thế nào?

(PLO) -  Ít ai biết rằng, một số tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Mỹ đã bí mật “chống lệnh” Tổng thống Barack Obama bằng việc sử dụng thông tin tình báo để bảo vệ ông Assad, đồng thời mở đường cho Nga tham chiến tại Syria. 
Lực lượng đối lập “ôn hòa” được sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ.
Lực lượng đối lập “ôn hòa” được sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ.
Đây chỉ là một trong số nhiều chi tiết “gây sốc” trong bài viết điều tra của nhà báo Seymour Hersh vừa đăng tải trên London Riview of Books. Hersh có được thông tin này từ các cố vấn cấp cao trợ giúp cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân của Bộ Quốc phòng Mỹ - cơ quan quản lý toàn bộ hoạt động của các lực lượng quân đội Mỹ trong và ngoài nước. 
Đi “đường vòng”

Theo chính sách của Tổng thống Obama, Mỹ sẽ trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria để lực lượng này lật đổ Tổng thống Bashar al Assad. Thế nhưng tướng Martin Dempsey cho rằng chính sách này được xây dựng dựa trên những lập luận thiếu chặt chẽ, bởi các thông tin tình báo cho thấy ở Syria không có phe nào là “ôn hòa”. 

Những lực lượng nhận vũ khí của Mỹ đều theo xu hướng cực đoan, bởi vậy việc loại bỏ ông Assad có thể dẫn đến tình trạng giống như ở Lybia và Iraq – nơi cuộc chiến giữa các phe phái đã kéo dài nhiều năm sau sự ra đi của các nhà lãnh đạo cũ. 

CIA cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng vũ khí mà Mỹ trang bị cho lực lượng đối lập đã được bán lại cho các tổ chức cực đoan như Jabhat al-Nusra, thậm chí là IS. Thế nhưng, Tổng tư lệnh Michael Flynn, Giám đốc Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ từ năm 2012-2014 từng nói: “Nhà Trắng không muốn nghe sự thật”. 

Vì vậy, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - dưới sự lãnh đạo của Martin Dempsey đã tìm cách “đi vòng”, bởi họ hiểu rằng trực tiếp thách thức chính sách của Tổng thống sẽ có rất ít cơ hội thành công. Các bước đi bắt đầu được tiến hành từ mùa thu năm 2013 khi thông tin của tình báo Mỹ được bí mật chuyển cho quân đội Syria để cùng chống lại kẻ thù chung là Jabhat al-Nusra và IS.

Ngoài ra, danh sách các nước được nhận thông tin tình báo còn có Đức, Israel và Nga – những nước đều có lý do riêng để giữ ông Assad tại vị: “Đức sợ rằng sẽ có chuyện xảy ra với đất nước họ - nơi có 6 triệu người Hồi giáo sinh sống nếu IS bành trướng; Israel lo lắng về vấn đề an ninh biên giới; Nga là nước có quan hệ đồng minh thân thiết từ lâu với Syria và luôn lo lắng cho sự an toàn của căn cứ hải quân Tartus ở Địa Trung Hải”. 

Chống lệnh Tổng thống do … bị tổn thương

Việc chia sẻ thông tin tình báo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân dựa trên 4 điều kiện dành cho ông Assad: Thứ nhất, không được để lực lượng Hezbollah tấn công Israel; thứ hai, phải nối lại các cuộc đàm phán với Israel về vấn đề Cao nguyên Golan; thứ ba, phải lắng nghe các cố vấn quân sự của Nga và một số nước khác và thứ tư, phải cam kết tổ chức bầu cử tự do sau nội chiến với sự tham gia của các phe phái. 

Ông Assad đã đồng ý với những điều kiện này, từ đó đánh dấu một bước chuyển trong cuộc chiến ở Syria mà công chúng đều biết: lực lượng đối lập được cho là “ôn hòa” bắt đầu nhận được các loại vũ khí kém chất lượng – điều mà họ luôn luôn phàn nàn. Nhờ vậy, quân chính phủ Syria đã chặn đứng được đà thắng lợi mà lực lược đối lập đã tạo được hồi mùa xuân năm 2013. 

Nga – Mỹ có lợi ích chung tại Syria.
 Nga – Mỹ có lợi ích chung tại Syria. 

Tiếp đó, Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria – không chỉ xuất phát từ mối quan hệ lâu dài với Syria mà còn do thông tin của tình báo Mỹ cho thấy các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria đã bắt đầu liên hệ với các phiến quân ở Chechnya. 

Một cố vấn cao cấp được đề nghị giấu tên của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân nói rằng cơ quan này không có ý định làm sai lệch chính sách của Tổng thống Obama. Theo các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, ông Assad thiếu những thông tin tình báo chiến thuật và những tư vấn về hoạt động chống khủng bố. 

Nếu những yêu cầu này của ông Assad được đáp ứng, cuộc chiến tổng thể chống lại IS sẽ có hiệu quả cao hơn. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân cho rằng, đây đơn thuần là việc làm giữa các chuyên gia quân sự với nhau chứ không phải là một kế hoạch nhằm “đánh lừa” Tổng thống Obama: 

“Nếu Assad duy trì được sức mạnh, đấy không phải là do chúng tôi đã làm thế. Đó là do ông ấy đủ thông minh để sử dụng những thông tin tình báo và tư vấn chiến thuật mà chúng tôi gửi cho ông ta”. 

Ngoài ra, việc ông Obama khăng khăng Tổng thống Syria al Assad phải từ chức còn bị xem là “làm tổn thương những người đang nỗ lực chống lại IS”. Ông Obama đã không biết về việc chia sẻ thông tin tình báo của quân đội Mỹ, cũng giống như việc ông không biết nhiều việc làm khác của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân trong từng hoàn cảnh cụ thể, và “đó là thực tế đối với bất cứ Tổng thống nào”.

Nhờ những thông tin tình báo của Mỹ, Nga, Israel và Đức còn nhìn thấy cách hành xử “hai mang” của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Erdogan đã nói với ông Obama rằng sẽ hợp tác trong cuộc chiến chống IS, trong khi thực tế lại hỗ trợ vũ khí cho IS và cho phép các tay súng IS từ các quốc gia khác, trong đó có Tây Tạng, Trung Quốc tràn vào Syria qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. 
Kết thúc “trò chơi quyền lực” bí mật

Về mặt công khai, chính quyền của ông Obama luôn lên án mạnh mẽ việc Nga ủng hộ Tổng thống Assad cũng như việc Nga tham chiến tại Syria. Nhưng các cố vấn của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhận thấy rằng Mỹ và Nga có nhiều lợi ích chung hơn là sự khác biệt. Rất nhiều chiến binh cấp cao trong hàng ngũ IS đã từng chiến đấu chống lại Nga trong hai cuộc chiến tranh ở Chechnya, bắt đầu từ năm 1994.

“Nga hiểu rất rõ thành phần lãnh đạo của IS và hiểu rõ chiến thuật của IS, phía Nga cũng có nhiều thông tin tình báo để chia sẻ với Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại dày dạn kinh nghiệm trong việc huấn luyện các chiến binh  nước ngoài – những kinh nghiệm mà Nga không có.” 

Tướng Martin Dempsey - thành viên chủ chốt trong kế hoạch chia sẻ thông tin tình báo.
 Tướng Martin Dempsey -  thành viên chủ chốt trong kế hoạch chia sẻ thông tin tình báo.

Dù không trực tiếp thách thức chính sách của Tổng thống Obama, nhưng những sắp xếp của cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã mở đường cho việc ông Assad duy trì quyền lực, đồng thời mở đường cho Nga tham chiến tại Syria. Thế nhưng, “trò chơi quyền lực” sau lưng ông Obama đã kết thúc khi ông Martin Dempsey nghỉ hưu.

Với sự kế nhiệm của Tư lệnh Joseph Dunford, ông Obama đã có một Lầu Năm Góc mềm mỏng hơn, sẵn sàng theo đuổi chính sách loại bỏ ông Assad và ủng hộ ông Erdogan. Tư lệnh Joseph Dunford đã tuyên bố trước Ủy ban Quân chủng Thượng viện rằng Nga đang tạo ra “mối đe dọa thường trực” với Mỹ, vì vậy Mỹ phải “làm việc chặt chẽ với Thổ Nhĩ kỳ để đảm bảo biên giới phía Bắc của Syria, phải làm tất cả những gì có thể để đưa lực lượng đối lập lên nắm quyền” – những lực lượng mà Martin Dempsey cho rằng không bao giờ tồn tại. 

Quan điểm của Martin Dempsey gần đây đã được thể hiện trong các buổi tranh luận của các ứng viên Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử 2016. Một trong những vấn đề được người dân Mỹ quan tâm nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ là cách tiếp cận trong cuộc nội chiến Syria. 

Trước câu hỏi Tổng Tổng thống Syria Bashar al Assad có cần phải ra đi để đảm bảo sự thành công cho cuộc chiến chống IS hay không. Ông Bernie Sanders đã trả lời rằng: “không” – giống những gì mà Martin Dempsey đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại. Trong khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng chỉ ra Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể giúp gì trong chiến lược của Mỹ ở Syria. Những gì được các quan chức cấp cao Mỹ thể hiện công khai đã lý giải hành động của ông Martin Dempsey 3 năm trước, khi ông phải tự mình hành động do Tổng thống Obama không lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia quân sự./.

Đọc thêm