Tối mai (24/11), khả năng bão số 9 Usagi sẽ vào bờ

(PLO) - Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, dự kiến tối ngày 24 đến sáng 25/11, bão số 9 Usagi sẽ vào bờ ở khu vực giữa tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, với cường độ gió mạnh cấp 8. Tại khu vực từ Phú Yên đến Trà Vinh, gió mạnh cấp 6.
Vị trí cơn bão vào trưa nay 23/11
Vị trí cơn bão vào trưa nay 23/11

Ông Cường nhận định, khu vực đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) là nơi chịu ảnh hưởng gió mạnh nhât của cơn bão này. "Bão sẽ đạt cấp 9, cấp 10 và giật cấp 12, 13 khi đi qua khu vực huyện đảo này. Đây là rủi ro lớn nhất khi gió mạnh ở trên biển"- ông Hoàng Đức Cường cảnh báo.

Phó phòng cứu hộ cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Nguyễn Đình Hưng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 23.11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.137 phương tiện/330.712 người (hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão 3.855 tàu/23.509 người.

Hiện các phương tiện đã nắm được thông tin của bão và đang di chuyển tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm; hoạt động trên các vùng biển khác 13.640 tàu/80.631 người; neo đậu tại bến 46.642 tàu/226.572 người). Riêng tại tỉnh Bình Thuận cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải ra biển hoạt động từ 16 giờ ngày 22.11/2018.

Tổng cục phòng chống thiên tai, Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn 3.855 tàu/23.509 lao động đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm 24 giờ tới tìm nơi tránh trú hoặc vào bờ đảm bảo an toàn. Uỷ ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng các phương tiện cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu...".

Các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở; xử lý kịp thời sự cố đối với tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân. Tổng cục Phòng chống thiên tai cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác chỉ đạo,ứng phó đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn hệ thống đê.

Công điện khẩn của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh gửi các sở ngành yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển vào bờ, hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.

Các chủ phương tiện gần bờ và xa bờ tại Cần Giờ khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão. Tại đất liền, cơ quan chức năng tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, sở - đáy, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển.

Đọc thêm