Tranh luận “nóng” về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

(PLVN) - Sáng 17/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với nhiều ý kiến rất khác nhau.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) quan niệm, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không phải lực lượng không chuyên trách như đại biểu khác đã nêu mà theo Điều 1 của dự thảo Luật thì đây là lực lượng quần chúng tự nguyện. Đồng thời nếu muốn bảo đảm tính chính danh cho lực lượng này như một đại biểu đề nghị thì lúc này chính danh sẽ là chính quy. 

Hơn nữa, đã là quần chúng tự nguyện thì liên quan đến thủ tục hành chính thành lập hội, phụ thuộc vào quyền của người thành lập, chứ không thể xây dựng đạo luật để ấn định họ phải làm. Đặc biệt, hội tự nguyện thì không cần Nhà nước hỗ trợ về tiền bạc, còn ở đây lại yêu cầu hỗ trợ trụ sở, trang phục, công cụ hỗ trợ.

Với những phân tích trên, Đại biểu Nhưỡng đề nghị xin ý kiến Quốc hội về việc có hay không ban hành Luật này.

Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải.
Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải. 

Trong khi đó, điểm qua một số kết quả tích cực trong thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã, Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải (Hà Nội) chia sẻ, công an xã chính quy hiện nay đều từ nơi khác đến nên bước đầu chưa nắm chắc địa bàn, đặc điểm văn hóa, đời sống của dân cư trên địa bàn. Còn các công an bán chính quy đang được trả phụ cấp rất thấp (0,7%) nên có khoảng 20% lực lượng bán chính quy xin nghỉ. 

Vì vậy, theo Đại biểu Hải, cần thiết ban hành Luật này để động viên lực lượng bán chính quy tiếp tục tham gia cùng Công an chính quy tham gia giữ gìn trật tự ở cơ sở. Về trụ sở, ông Hải lý giải, sẽ sử dụng cùng Công an chính quy nên không có chuyện xây dựng trụ sở mới hay quần áo, sao hàm, quân trang, công cụ hỗ trợ… đang có sẵn từ trước.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cảm giác như an ninh quốc gia chỉ do Công an chịu trách nhiệm, trong khi cơ quan có thẩm quyền về an ninh quốc gia là Quốc hội, Chính phủ (phân công lực lượng Công an chuyên nghiệp); rồi cả Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và toàn bộ chính quyền địa phương có trách nhiệm về an ninh quốc gia cùng sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội.

Muốn xã hội, đất nước 100 triệu dân có an ninh thì từng gia đình phải có an ninh. Ở cơ sở, sự hòa thuận, đồng thuận trong nhân dân rất quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến những vấn đề thiết yếu như điện, đường, trường, trạm để người dân có cuộc sống ổn định, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, cảnh giác với các thế lực thù địch. Khi đó, chúng ta có an ninh. Còn nếu không đi theo chiến lược thì theo Đại biểu Nghĩa, không có an ninh quốc gia và bao nhiêu người cũng không đủ để giữ gìn trật tự, an toàn ở cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò.
Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò. 

Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò (Hà Giang) thẳng thắn, mọi việc trong xã hội, người dân đều biết, chúng ta không biết là do không làm tốt công tác dân vận, không làm tốt công tác nắm tình hình. Đại biểu Cò cho rằng lực lượng Công an hiện nay quá đông, mỗi tỉnh ít nhất cũng 3 nghìn người mà bây giờ lại bổ sung thêm lực lượng này thì phải chăng lực lượng Công an không đủ khả năng nắm tình hình, trấn giữ tình hình?

“Cái tài của người chiến sỹ Công an là cái tài xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật, giúp anh nắm tình hình, không để phát sinh các mâu thuẫn”, Đại biểu Cò nêu rõ và đề nghị cân nhắc khi ban hành Luật này.

Đọc thêm