Tuyển sinh lớp 6 ở Hà Nội: Có tránh được bùng phát luyện thi?

(PLO) - Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bỏ “lệnh” cấm thi tuyển lớp 6, nhiều trường điểm có số lượng học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu mong muốn được tổ chức bài thi khảo sát kiểm tra năng lực để tuyển sinh vào lớp 6…
Tuyển sinh lớp 6 ở Hà Nội: Có tránh được bùng phát luyện thi?

Nóng lòng tuyển sinh sớm

Năm học 2018, Bộ GD-ĐT cho phép kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh vào lớp 6 đối với một số trường đặc thù, thay vì quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như những năm trước. Cụ thể, thay vì chỉ quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển” như trước đây thì Thông tư mới bổ sung: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Do vậy, với số lượng học sinh đăng ký đầu vào nhiều hơn so với chỉ tiêu thì những trường kể trên đều mong muốn sẽ được tổ chức bài thi khảo sát kiểm tra năng lực để tuyển được học sinh thực sự có năng lực, đảm bảo chất lượng đào tạo.  Và để đáp ứng yêu cầu đó, nhiều phụ huynh đã nghĩ tới việc cho con học thêm để có thêm giải thưởng ở các cuộc thi trí tuệ nhằm củng cố học bạ “đẹp”.

Trước đó, trong chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học năm 2014, Bộ GD-ĐT quy định các trường không tổ chức khảo sát HS đầu năm học, không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức. Vì thế, từ năm học 2015 - 2016 đến nay, các trường vốn tổ chức thi tuyển vào lớp 6 đều chỉ xét tuyển vào lớp 6. Căn cứ xét tuyển là học bạ 5 năm tiểu học và giải thưởng các cuộc thi. 

Thực tế, ngay năm học 2017-2018, tại khu vực Hà Nội các trường THCS có số lượng học sinh nộp hồ sơ nhiều như: Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chỉ tiêu là 200 em nhưng số hồ sơ nộp vào lên tới hơn 2000, Trường THCS Lương Thế Vinh có chỉ tiêu 600 em, số hồ sơ nộp vào tận 4000 em; Trường THCS Cầu Giấy có chỉ tiêu là 280 trong khi số hố sơ nộp vào là 600.  Các trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Marie Curie, Nguyễn Siêu… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Dự kiến trong năm học 2018 - 2019 số lượng hồ sơ dự tuyển vào những trường này sẽ tiếp tục tăng bởi năm đẹp Đinh Hợi. Có lẽ bởi thế, dù vẫn chưa được sự cho phép của Sở GD-ĐT TP Hà Nội về quy chế tuyển sinh nhưng nhiều trường ngoài công lập đã thông báo tuyển sinh sớm. Đơn cử trường THCS MyQuest (Cầu Giấy, Hà Nội) thông báo nộp hồ sơ từ ngày 1/3/2018 đến 26/5/2018, Trường Phổ thông liên cấp THCS Olympia (Trung Văn, Từ Liêm) nhận hồ sơ từ ngày 1/3/2018, Trường THCS Đào Duy Từ cũng nhận hồ sơ từ ngày 1/3/2018,… và một số trường THCS ngoài công lập khác tại Hà Nội cũng nhận hồ sơ, thông báo tuyển sinh sớm và đánh giá kiểm tra năng lực dưới nhiều hình thức…

Có tránh được bùng phát luyện thi?

Với sự thay đổi này, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu cứ “tân quan, tân chính sách” muốn tìm ra cái mới nhưng luẩn quẩn, loanh quanh lại quay về chính sách cũ sẽ gây sự bất ổn cho xã hội. Một câu hỏi được đặt ra là, khi Bộ bỏ “lệnh cấm” thì Bộ có còn tính đến lý do trước đây đưa ra

 quy định “cấm” hay không? Theo các căn cứ trước đây, “cấm” là để tránh dạy thêm, học thêm tràn lan với học sinh tiểu học để thi tuyển đầu vào bậc THCS, giờ Bộ giải quyết ra sao nếu nó lại bùng lên khi cho phép thi lại? “Giờ Bộ cần làm rõ là có nên cho thi tuyển, kiểm tra đầu vào với học sinh lớp 6 hay không? Và căn cứ vào đâu để quyết định thi và không thi?”.

Theo GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, mấy năm nay Bộ vẫn rất lúng túng về vấn trong việc tìm ra quy chế tuyển sinh phù hợp với thực tế giáo dục hiện nay. Bộ phải có nghiên cứu khoa học, thực nghiệm thí điểm để có thực tiễn trước khi ban hành chính sách. Giờ Bộ cho phép thi tuyển thì cũng phải lường được trước các tình huống và có phương án xử lý tránh việc bùng thành phong trào luyện rất nguy hiểm.

Lý giải về vấn đề này, GS Thi cho rằng bởi vì sự thay đổi không dựa trên cơ sở khoa học nào cả là càng rối và bất ổn. Bởi khi đưa ra một chính sách mới Bộ GD-ĐT cần phải nghiên cứu một cách khoa học, khảo sát thực tiễn, thí điểm rồi mới ban hành, chứ không chỉ vì bế tắc, bị sức ép của xã hội lại làm theo ngược lại điều trước đây mình đã khẳng định là mất uy tín, làm để đối phó chứ không vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Bởi mỗi thay đổi của giáo dục sẽ kéo theo bất ổn khôn lường đến chất lượng giáo dục.

Và trên thực tế, một số phụ huynh cũng cho biết, họ mong muốn con em mình không phải luôn rơi vào tình trạng “thí nghiệm” tương tự nữa… Nhưng để chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi, các phụ huynh nhắm cho con vào các trường “đặc thù” không thể không ôn luyện phục vụ cho kì thi đánh giá năng lực. Họ cho con trải nghiệm thực tế bằng việc tham gia những kỳ kiểm tra đánh giá năng lực với hi vọng các con không bị “sốc” trước khi bước vào kỳ thi chính thức.

Trước băn khoăn của dư luận về vấn đề cho phép một số trường được tổ chức thi đánh giá năng lực vào lớp 6 sẽ dẫn đến tình trạng luyện thi, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, hiện các trung tâm dạy và học ở Hà Nội vẫn diễn ra bình thường, kể cả có tổ chức thi đánh giá năng lực hay không bởi nhu cầu học là có thật. Đó cũng là nguyện vọng của phụ huynh học sinh nên không phải vì như thế mà các trung tâm luyện thi nhiều hơn. Cũng có thể có trường hợp các trung tâm luyện thi sẽ nhiều hơn bởi khi có phương án thi, người ta sẽ hay học theo để thi.

Đọc thêm