Việt Nam ở đâu trên bản đồ văn hóa thế giới?

(PLVN) - Trên thế giới, các nước phát triển như Mỹ, Hàn, Nhật, Trung … có hẳn một chiến lược dài hạn đầu tư cho xuất khẩu sản phẩm văn hoá nhằm xây dựng và quảng bá thương hiệu đất nước trên bản đồ thế giới, trong đó có mục tiêu phát triển du lịch. Còn tại Việt Nam, dù khái niệm “xuất khẩu văn hóa” đã được biết đến từ lâu, nhưng dường như vẫn còn là mảnh đất chưa thực sự được quan tâm khai phá… 
Việt Nam ở đâu trên bản đồ văn hóa thế giới?

Xuất khẩu văn hoá phẩm vướng… cơ chế

Năm 2017, dư luận từng quan tâm nhiều đến bộ lịch Truyện Kiều do Công ty TNHH An Hảo (TP. Hồ Chí Minh) phát hành có khả năng được xuất khẩu ra nước ngoài hay không. Bởi không những tác phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới; mà bộ lịch này cũng được hoạ sĩ Nguyễn Hữu Hiếu kỳ công thiết kế trong khoảng 20 tháng để hoàn thành 365 bức tranh minh hoạ.

Dù được đánh giá là một sản phẩm mang đậm nét văn hoá – lịch sử, có thể biểu tượng cho đất nước và con người Việt Nam, nhưng để xuất khẩu bộ lịch này ra nước ngoài lại vướng phải nhiều … rào cản pháp lý.

Xuất khẩu lịch hay các loại xuất bản phẩm khác ra nước ngoài là mong muốn không chỉ của Công ty An Hảo mà còn của nhiều công ty kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản phẩm. Không chỉ mang ý nghĩa về văn hoá -xã hội, hoạt động xuất khẩu xuất bản phẩm mang lại giá trị kinh tế cho các doanh nghiệp, kích cầu tiêu thụ và sản xuất.

Cần có chiến lược bài bản, đồng bộ xuất khẩu văn hoá hiệu quả.
 Cần có chiến lược bài bản, đồng bộ xuất khẩu văn hoá hiệu quả.

Song, dù là tìm kiếm trên Internet hay trên thực tế, có thể thấy câu chuyện xuất khẩu văn hoá Việt Nam bằng hình thức xuất bản phẩm chưa thực sự được quan tâm, cải thiện. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, xuất khẩu ấn phẩm xuất bản có thể truyền bá văn hoá Việt Nam hiệu quả tới bạn bè quốc tế, nhiều lợi hơn hại, nhưng để thực hiện được điều này không hề đơn giản.

Dù đã có cơ chế, nhưng nhiều doanh nghiệp khi có dự định xuất khẩu xuất bản phẩm sang nước ngoài, dù chỉ là một số nước ở châu Á, sau nhiều thủ tục rườm rà phức tạp, cuối cùng lại không thành công. Chính vì còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đành “ngậm ngùi” bỏ qua nhiều thị trường đầy tiềm năng, có thể kể đến Mỹ, Pháp, Úc, …

Không chỉ cộng đồng người Việt đông đảo, nhiều công dân các nước này cũng biết tới và yêu thích các giá trị văn hoá Việt Nam. Trong khi đó, ngành du lịch Việt Nam cũng đang hướng tới thu hút du khách ở những thị trường Úc - Âu – Mỹ như trên.

Được biết, ấn phẩm xuất bản văn hoá rất đa dạng, liên quan đến nhiều ngành, nghề nên việc xuất khẩu không hề đơn giản. Về hành lang pháp lý, Nhà nước đã có Nghị định số 32/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, nhằm bỏ bớt các loại giấy phép, phân thêm quyền quản lý cho địa phương, tạo hành lang thông thoáng cho xuất nhập khẩu văn hoá phẩm.

Song, nhiều cơ quan chức năng tại địa phương vẫn kêu “khó … áp dụng”. Nằm ở quy định tại Điều 7 Nghị định này về xuất khẩu văn hoá phẩm thì: “Cá nhân, tổ chức có văn hóa phẩm xuất khẩu đã được sản xuất, công bố, phổ biến và lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam khi xuất khẩu không cần giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch, chỉ làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Theo đó, nếu cần giám định nội dung văn hoá phẩm, cơ quan Hải quan có thể tiến hành trưng cầu giám định của cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, cơ chế quản lý ở các cấp, ngành lại không đồng bộ.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, họ thường đến thẳng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại địa phương để xin phép cho chắc chắn, thậm chí đối với cả những xuất bản phẩm thuộc loại không cần giấy phép.

Tình trạng kể trên xuất phát từ các quy định chưa rõ ràng trong quy định pháp luật, khiến các cơ quan chức năng “loay hoay” xử lý. Cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là phía doanh nghiệp. Có thể nói, điều kiện cần cho mục tiêu xuất khẩu văn hóa Việt thông qua xuất bản phẩm là sự dấn thân, nỗ lực, bứt phá của doanh nghiệp; nhưng điều kiện đủ là cần có những sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý nhà nước. 

Cần chiến lược bài bản, đồng bộ

Ngoài xuất bản phẩm, một số lĩnh vực văn hoá nghệ thuật khác như Hát Xoan, Quan họ, chèo tuồng, cải lương, nhạc trẻ, phim điện ảnh… của Việt Nam cũng được rất nhiều bạn bè quốc tế đón nhận. Tuy nhiên, nếu nói về mức độ “phủ sóng”, thỉnh thoảng mới có một vài bộ phim điện ảnh, ca sĩ người Việt được tham gia hoặc vinh danh tại các giải thưởng, liên hoan phim, sự kiện âm nhạc, … trên quốc tế.

Thế nhưng, nhìn lại bảng xếp hạng âm nhạc tại Việt Nam, các xuất chiếu phim tại các rạp, khung giờ vàng trên truyền hình… dường như văn hoá phẩm của nước ngoài đang áp đảo sản phẩm văn hoá nội địa. Tất nhiên, không thể chỉ nói đến vấn đề xuất khẩu văn hoá của ta mà không nhìn lại thị trường tiêu thụ trong nước đã thực sự khai thác được hết tiềm năng, nội lực vốn có hay chưa?

Hát xoan được nhiều bạn bè thế giới biết đến nhưng độ phủ sóng... chưa cao.
 Hát xoan được nhiều bạn bè thế giới biết đến nhưng độ phủ sóng... chưa cao.

Thiết nghĩ, sẽ là tổn thất to lớn cho nước nhà cho dù thành công xuất khẩu văn hoá phẩm của ta ra thế giới nhưng trong nước lại tràn ngập những ấn phẩm ngoại nhập, thậm chí còn là những ấn phẩm kém chất lượng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt.

Gốc rễ của vấn đề này một phần là các sản phẩm văn hoá của chúng ta chưa đa dạng, nội dung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và thị hiếu của các thị trường quốc tế. Một phần khác nằm ở trình độ thẩm mỹ của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ giữa các tầng lớp trong xã hội.

Bên cạnh đó, trước đây, chúng ta thường coi các sản phẩm văn hoá đơn giản chỉ là phim, ảnh, băng, đĩa ca nhạc, sách báo trong khi đó, sản phẩm văn hoá rất đa dạng, bao gồm cả game, tranh, tượng, phù điêu, hàng quà tặng, đồ thủ công mỹ nghệ…

Cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn quan niệm, xuất khẩu là thương mại, xuất những mặt hàng công, nông nghiệp và thương mại mũi nhọn trong đó có một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ chứ chưa quan tâm nhiều đến xuất khẩu văn hoá. 

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, đồng bộ các quy định và các  đơn vị, ngành thực hiện quy định, gắn xúc tiến sản phẩm văn hóa cùng với các chương trình xúc tiến du lịch thì một vấn đề then chốt là làm sao để quản lý chặt chẽ, hiệu quả nhưng thông thoáng cho người dân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm văn hóa.

So sánh với các nước bạn, Hàn Quốc đưa ra chiến lược bài bản, dài hạn phát triển sản xuất, kinh doanh xuất khẩu phim trong lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc Kpop, làn sóng Hallyu, nhằm phát triển du lịch. Từ tâm lý “tò mò” do cơn “cuồng” K-pop và phim Hàn, người hâm mộ sẽ chuyển sang tìm hiểu về diễn viên, ca sĩ, văn hóa, ẩm thực… và cuối cùng là khát khao được một lần đến xứ sở kim chi.

Ngôi sao Kpop nằm trong chiến lược xuất khẩu văn hoá để phát triển du lịch của Hàn Quốc.
 Ngôi sao Kpop nằm trong chiến lược xuất khẩu văn hoá để phát triển du lịch của Hàn Quốc.

Do đó, không lạ khi Hàn Quốc đã sử dụng rất nhiều những hình ảnh ca sĩ, diễn viên trong những video quảng bá du lịch của mình. Kể đến như chiến dịch “Have you ever” của EXO, “Your Story 70s” của Lee Min Ho hay đại sứ du lịch Song Joong Ki với chiến dịch “Creative Korea”.

Không chỉ YouTube, ngành du lịch Hàn Quốc còn phủ sóng trên các mạng xã hội khác như Twitter, Facebook hay Instagram. Không dừng ở đó, các nguồn nhân lực dồi dào đầy tiềm năng khác như du học sinh Hàn Quốc ở nước ngoài, Blogger hay Instagram-er, cũng được Nhà nước Hàn Quốc “săn tìm” và trả công để họ quảng bá Hàn Quốc qua tài khoản mạng xã hội của mình. 

Hay nói tới Thái Lan cũng mong muốn trở thành nước xuất khẩu văn hóa như Hàn Quốc thông qua điện ảnh từ những năm 2000. Cách đây khoảng hai chục năm, người Việt chỉ biết đến đất nước nụ cười qua một số bộ phim kinh dị, nhưng đến nay nền phim ảnh Thái Lan phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, Lào, Campuchia và các nước trong khu vực Đông Nam Á,  trên nhiều thể loại từ hài, lãng mạn, đến hành động, dã sử…

Thậm chí, tại một số nước có nền kinh tế kém hơn Việt Nam như Bangladet, Nepal, Myanma… cũng đã quan tâm đến xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài và đạt được những thành quả nhất định.

Vậy Việt Nam chúng ta đang ở đâu trong hành trình sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu văn hoá mang tính xu thế quốc tế như vậy? Theo các chuyên gia, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu văn hoá không chỉ mang lại giá trị giao lưu hợp tác khu vực và quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá, mà còn giúp một đất nước tăng cường quyền lực mềm, gia tăng sức ảnh hưởng, vị thế chiến lược quốc gia. 

Đọc thêm