Việt Nam sẽ là một “tiêu điểm” trong chính sách đối ngoại của Mỹ?

(PLO) - Nhận định trên được PGS.TS. Đinh Công Tuấn – Viện nghiên cứu châu Âu – đưa ra tại Hội thảo “An ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Đặc điểm và những động thái mới” do Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức sáng qua (30/11).
Các đại biểu dự Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong chuyến công du châu Á vừa qua. Ông Phạm Tiến – Viện kinh tế và chính trị thế giới – lưu ý, tại Diễn đàn CEO trong khuôn khổ APEC 2017 tại Đà Nẵng, cụm từ trên được Tổng thống Mỹ nhắc lại đến 11 lần. 

Theo ông Phạm Tiến, cách lựa chọn ngôn từ của ông Trump phản ánh sự thay đổi của Mỹ trong cách nhìn nhận về khu vực, chuyển trọng tâm từ Trung Quốc, tâm điểm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương sang Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Tầm nhìn mới này mở ra khả năng Mỹ cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia hình thành một “tứ giác” an ninh mới bao trùm cả 2 đại dương. Điều này cũng thể hiện Mỹ muốn Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong kết cấu an ninh khu vực, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên như một trung tâm quyền lực số 1 thế giới nhờ sự gia tăng về cả tiềm lực kinh tế lẫn quốc phòng. Ấn Độ cũng được kỳ vọng như là một vùng đệm cho các nước nhỏ hơn, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, neo vào để chống chịu lại sức ép từ Trung Quốc. “Việc ông sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” còn có hàm ý rằng, sự phát triển của khu vực đã vượt ra khỏi sân nhà của Trung Quốc, cũng như của các nền kinh tế Đông Á”, ông Tiến nêu quan điểm. 

Theo ông Phạm Tiến, với 2 lá chắn là Mỹ và Ấn Độ ở 2 đầu đại dương, Mỹ muốn tạo ra một tuyến an ninh hàng hải thông suốt với các điểm nhấn Nhật Bản và Australia, cùng với các quốc gia độc lập, dân chủ khác trong khu vực, nhằm tạo ra đối trọng với sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc đồng thời giúp cho việc kết nối và tự do thông thương hàng hải được thông suốt từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương đến châu Âu và châu Phi. Mặc dù vậy nhưng ông Phạm Tiến cho rằng “Ấn Độ - Thái Bình Dương” đã là khái niệm chín chắn hay chưa vẫn là một câu hỏi khác nữa cần có thêm thời gian quan sát để chứng minh trên thực tế. 

Cũng nhấn mạnh đến khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, PGS.TS. Đinh Công Tuấn – Viện nghiên cứu châu Âu - cho rằng khả năng hợp tác giữa chính quyền mới của Tổng thống Trump với Việt Nam theo tinh thần hợp tác bình đẳng cùng có lợi sẽ là rất lớn. Theo đó, ông Tuấn cho rằng, khả năng hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng sẽ tiếp tục phát triển, thậm chí Việt Nam sẽ là một “tiêu điểm” trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực, đặc biệt là trong các chính sách của Mỹ ở Biển Đông. 

Tuy vậy, PGS. TS Tuấn lưu ý, trong quan hệ thương mại Việt – Mỹ, Việt Nam trong những năm qua đã xuất khẩu nhiều qua Mỹ (xuất siêu lớn), vì vậy Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho khả năng Mỹ sẽ áp đặt các chính sách bảo hộ, đặt ra các rào cản thương mại đối với Việt Nam để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng Mỹ. Theo PGS.TS Tuấn, trong quan hệ Việt – Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chính sách nhất quán hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, nhất là về kinh tế, tôn trọng và ổn định về chính trị và hợp tác về an ninh, đôi bên cùng có lợi. Việc tăng cường và thúc đẩy quan hệ với Mỹ lên tầm cao mới sẽ tạo ra nội lực kinh tế phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đọc thêm