Vụ ông Vũ Huy Hoàng: Không nên quan niệm 'hạ cánh là an toàn'

(PLO) -  Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, không nên quan niệm "hạ cánh" là an toàn và cũng không nên để "hạ cánh an toàn". Nếu thực sự có những vấn đề liên quan thì còn phải tiếp tục xử lý vì hậu quả để lại, nhân dân không đồng tình như vậy.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) về việc ông Vũ Huy Hoàng - nguyên bộ trưởng Bộ Công thương?

Ông Vũ Mão: Kết luận hôm qua là quan trọng và đúng nguyên tắc, chức năng của cơ quan kiểm tra của Đảng. Tôi trao đổi với nhiều người thì người ta nói như thế là tạm được nhưng họ chưa thỏa mãn ở chỗ đằng sau những vụ việc đó, đằng sau sự không kiểm soát được quyền lực đó thì động cơ và hậu quả là gì.

Những cán bộ hư hỏng, vi phạm pháp luật, không thể giao cho trọng trách thì lại giao trọng trách thì đằng sau đó có vấn đề gì liên quan đến tiền nong, vật chất không?

Tôi cũng cảm thấy còn phải làm việc tiếp. Đây  mới là cơ quan Đảng và cơ quan Đảng chỉ có quyền kỷ luật cán bộ. Trong Đảng, hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ và trong vụ việc này thì cảnh cáo nhưng một số người nêu ý kiến cảnh cáo như vậy đã thỏa đáng chưa?

Phải tiếp tục làm nữa, ngay trong đảng cũng cần phải tiếp tục làm nữa vì chúng ta phải đi đến cùng của sự việc rất nghiêm trọng.

Vấn đề lớn hơn là những vấn đề tài chính, vật chất, những vấn đề liên quan đến tham nhũng. Kiểm soát quyền lực không tốt dẫn đến công tác cán bộ không tốt, dẫn đến tham nhũng. Vậy có nên để nửa vời như vậy không?

Nên đi đến cùng. Cơ quan Đảng có trách nhiệm đến đó còn các cơ quan của Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan khác cũng phải xem xét để kết luận cho rõ vì những vấn đề này là những vấn đề bức xúc của nhân dân, những vấn đề nhân dân rất quan tâm.

PV: Ông Vũ Huy Hoàng đã về hưu nên không xử lý được về mặt chính quyền nhưng còn đó nhiều cán bộ khác đang công tác ở Bộ Công thương, thậm chí đang chờ để xem xét. Theo ông, đối với những cán bộ được nêu ra trong kết luận của UBKTTW thì nên xử lý ra sao để đảm bảo tính răn đe?

Ông Vũ Mão: Lâu nay chúng ta nói rằng những cán bộ đã về hưu rồi là “hạ cánh an toàn” nhưng theo tôi không nên quan niệm hạ cánh là an toàn và cũng không nên để hạ cánh an toàn nếu thực sự có những vấn đề liên quan thì còn phải tiếp tục xử lý vì hậu quả để lại.

Bởi nếu không thì cứ “làm” khi mình đương chức, làm theo cách của mình, làm tới số “quyền lực” của mình, không ai kiểm soát cả. Như vậy thì không được, nhân dân không đồng tình như vậy.

Theo tôi những người khi về hưu mà có trách nhiệm đương chức thì cũng phải xem xét để xử lý một cách thỏa đáng vì như thế mới là công bằng xã hội. Còn đối với người đương chức, theo tôi cũng phải xem xét, xử lý theo đúng pháp luật còn trong Đảng cũng cần phải theo đúng những nguyên tắc, điều lệ, kỷ cương của Đảng.

Như vậy mới góp phần xây dựng xã hội ổn định.

PV: Có ý kiến cho rằng không có sự việc xe biển xanh thì bây giờ ông Trịnh Xuân Thanh có thể đang là Thứ trưởng Bộ Công thương. Từ câu chuyện đó, cũng phát hiện nhiều vấn đề lùm xùm liên quan đến công tác cán bộ ở Bộ Công thương. Theo ông, có cần phải tổng rà soát lại công tác nhân sự ở Bộ Công thương hay không khi có quá nhiều vấn đề về công tác quy hoạch như vậy?

Ông Vũ Mão: Đã có vấn đề thì phải xem xét, tìm nguyên nhân, tất nhiên phải bình tĩnh, không vội vàng, để tránh cực đoan. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền tức là phải tôn trọng pháp luật, vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật, căn cứ vào điều nào để xử lý.

Trong Đảng thì có điều lệ Đảng thì phải căn cứ vào đó. Theo tôi, vấn đề đã qua đi thì không để trôi đi một cách dễ dàng quá trong khi hậu quả của nó nghiêm trọng quá, uy tín của Đảng, Nhà nước và lòng dân.

Lòng dân yên thì mới yên được nên theo tôi những vấn đề cụ thể, cục bộ như vậy phải đi sâu xem xét dù mất công và công phu. Những người mới có thể ngại vì phiền, mất công trong khi họ còn nhiều việc mà lại xem lại việc cũ, xem lại những người tiền nhiệm của mình.

Việc này không đơn giản vì ở Việt Nam ta cái tình, cái nghĩa cao lắm, tình nghĩa phải giữ nhưng nguyên tắc của pháp luật là phải tôn trọng. Vấn đề đã xảy ra phải tiếp tục xem xét. Đây là bài học không chỉ cho một bộ, mà là bài học chung cho thể chế chính trị.

Rõ ràng có sự lợi dụng quyền lực, lợi dụng quyền để tham nhũng như vậy mà không kiểm tra, không kiểm soát thì không được. Đây là bài học và là cơ hội để chúng ta lấy lại hình ảnh.

PV: Có ý kiến đề nghị khởi tố, điều tra tiếp sau khi có kết luận của UBKTTW về vụ ông Vũ Huy Hoàng? Ông có cho rằng nên khởi tố?

Ông Vũ Mão: Như tôi đã nói, mới là xử lý về mặt Đảng, do UBKTTW xem xét. Còn dư luận và tôi cũng nói rằng vấn đề này không chỉ dừng ở kỷ luật Đảng mà chúng ta là Nhà nước pháp quyền, nghĩa là những vi phạm phải được xem xét theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước như Thanh tra hay các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm xem xét về khía cạnh pháp luật xem vi phạm pháp luật đến đâu, vi phạm về quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản lý hành chính đến đâu thì phải tiếp tục xem xét để xử lý một cách đúng đắn nhất, hợp pháp, có nguyên tắc để nhân dân đồng tình, chấp nhận được. Đây là vấn đề rất quan trọng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm