Xây dựng Quân đội tinh nhuệ, từng bước hiện đại

(PLVN) - Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là kết hợp phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) với bảo đảm quốc phòng an ninh (QPAN), xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 
Đại hội biểu quyết thông qua kết luận thảo luận Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội biểu quyết thông qua kết luận thảo luận Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phấn đấu xây dựng Quân đội hiện đại từ năm 2030

Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã nhận được 60 tham luận của các đoàn đại biểu dự Đại hội đóng góp vào Dự thảo các văn kiện Trung ương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có 11 đại biểu trình bày tại Đại hội. 

Các ý kiến đều nhất trí cao với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội, nhiệm kỳ 2020-2025. Về phương hướng mục tiêu xây dựng Quân đội, các ý kiến nhất trí cao với phương hướng chung và 7 mục tiêu chủ yếu trong báo cáo chính trị của Quân ủy Trung ương và đồng tình với mục tiêu: Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, phấn đấu từ năm 2030, xây dựng Quân đội hiện đại; đồng thời đề nghị Đảng, Nhà nước cân đối ưu tiên bảo đảm nguồn lực cả về con người, cơ sở, vật chất và chính sách để thực hiện các mục tiêu đã xác định.

Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, các ý kiến nhất trí với 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đã nêu trong báo cáo chính trị và 15 chương trình công tác lớn được đề cập trong dự thảo Chương trình hành động. 

Về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các ý kiến tập trung đi sâu phân tích tình hình thế giới, khu vực trong nước những năm qua đã tác động, ảnh hưởng đến việc tăng cường quốc phòng, an ninh (QPAN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhất trí cao về những kết quả nổi bật đã đạt được, đó là: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với xây dựng Quân đội, nâng cao sức mạnh và tiềm lực QPAN của đất nước và của khu vực phòng thủ các cấp; hoàn thiện các luật, pháp lệnh, chiến lược về QPAN; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, các ý kiến cơ bản nhất trí với đánh giá của Trung ương, trong đó nhấn mạnh những kết quả về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH đạt được giai đoạn cuối nhiệm kỳ 2016-2020 trong điều kiện nước ta phải đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống (thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường...), nhất là chịu sự tác động lớn của đại dịch Covid-19.

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, các ý kiến đề xuất giải pháp cần coi trọng tính chủ động trong nắm, dự báo tình hình, kịp thời chia sẻ thông tin, đưa ra cảnh báo sớm, khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thách thức an ninh phi truyền thống. 

Đối với mục tiêu phấn đấu, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với mục tiêu đến năm 2025 “là nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”, đây là mục tiêu tổng quát, mang tính bao trùm đầy đủ nhất, cô đọng nhất, định hướng phát triển toàn diện, có tính khả thi cao; bảo đảm sự kế thừa quan điểm từ các kỳ đại hội trước; thể hiện sâu sắc tư tưởng chỉ đạo về chiến lược phát triển nhanh phải đi đôi với phát triển bền vững; phù hợp với tiêu chí chung, chuẩn mực cơ bản của quốc tế.

Kết hợp phát triển KT-XH với bảo đảm QPAN 

Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9, cần huy động hiệu quả các nguồn lực để xây dựng tiềm lực quốc phòng. Nhất là, thế trận quân sự được quy hoạch, xây dựng thống nhất trong thế trận phòng thủ quân khu 9, bảo đảm liên hoàn, vững chắc, đi vào chiều sâu, phát huy tính hiệu quả trên cả 3 tuyến: Biển đảo, biên giới và nội địa. Việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QPAN, đối ngoại ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực…

Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng góp ý, “...Tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước”- quan điểm của Đảng ta về kết hợp phát triển KT-XH với bảo đảm QPAN là hết sức sáng suốt và đúng đắn. 

Trước yêu cầu mới, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó là: Kết hợp trong xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển KT-XH gắn với xây dựng thế trận QPAN, nhất là thế trận bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới; tăng cường xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh; phát triển các loại hình dịch vụ trên biển, đảo, tạo điều kiện cho người dân bám biển sinh sống, làm ăn.

Cùng với đó, cần chú trọng đầu tư phát triển chương trình bám biển, đánh bắt xa bờ, củng cố lực lượng dân quân biển, tự vệ trong các hải đoàn, doanh nghiệp hoạt động trên biển, các lực lượng thực thi pháp luật... 

Đại tá Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nêu ý kiến, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, rất quan trọng, hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung của khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo của đất nước và trên thế giới.

KHCN và đổi mới sáng tạo đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lực lượng sản xuất; động lực quan trọng để chuyển hóa nền kinh tế Việt Nam.

Vì vậy, để phấn đấu trở thành một trong các trung tâm quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tiên phong trong CMCN 4.0 và kiến tạo xã hội số tại Việt Nam, Viettel luôn chú trọng: Thực hiện tốt nghiên cứu phát triển và làm chủ một số công nghệ lõi của CMCN 4.0; tiên phong trong phát triển và ứng dụng các công nghệ mới nhất để xây dựng mạng viễn thông hiện đại, tạo ra hạ tầng số vững chắc cho chuyển đổi số quốc gia... 

Đọc thêm