Đường vào xóm nổi chỉ có một con đường mòn duy nhất nhưng ngập đầy những rác rưởi và bơm kim tiêm. Ấy vậy mà lũ trẻ con trong xóm cứ chân trần bì bõm giữa đám rác ẩn chứa đầy nguy cơ bệnh tật ấy. Và, ý tưởng xây dựng tủ thuốc gia đình cho bà con xóm nổi trỗi dậy trong Hiền...
Tấm lòng thơm thảo của cô bé vé số
Cô bé ấy có cái tên thật giản dị: Phạm Thị Thu Hiền. Mẹ chịu cảnh thê thiếp nên tuổi thơ mấy chị em Hiền phải chia sẻ tình cảm của người cha với những anh, chị khác. Thương mẹ ngày ngày một buổi đi học trên lớp, một buổi Hiền lọ mọ lấy vé số lóc cóc đi bộ lên phố huyện bán lấy tiền ăn học và phụ giúp mẹ nuôi em.
|
Cô bé vé số Phạm Thị Thu Hiền. |
Có những hôm bán vé số bị ế, một mình lê bước trên con đường đê vắng vẻ về làng, bụng đói, mắt hoa, cô bé cũng thấy cực thân lắm, nhưng cứ nghĩ đến sự vất vả và nhẫn nhục chịu đựng của mẹ, Hiền lại dặn lòng: “Phải cố lên!”.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng Hiền vẫn học rất giỏi tất cả các môn học. Có lần cô bé đã đạt giải nhì tỉnh về môn Địa lý và lọt vào đội tuyển thi Olimpic Địa lý toàn quốc. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, Hiền đã phải bỏ cuộc.
Đôi khi, sự vất vả và khó nhọc sẽ khiến con người ta nhụt chí. Nhưng với Hiền thì lại khác. Cuộc sống đầy gian nan và thử thách ấy đã đem đến cho cô bé một nghị lực sống phi thường, tình thương yêu đồng loại vô biên, đặc biệt là với những em bé thiếu thốn tình cảm và có hoàn cảnh đáng thương như mình, cùng một hoài bão luôn cháy bùng trong huyết quản: ước mong được giúp đỡ những người yếm thế trong xã hội.
Chính tấm lòng mông mênh ấy đã thôi thúc Hiền hăng say học tập và đỗ đạt vào ngành công tác xã hội của Trường Đại học Lao động Xã hội, trong khi đó là một khái niệm còn rất mơ hồ và cũng là một môn học rất ít người để mắt tới. Từ yêu thích, Hiền say mê với từng môn học trong trường cũng như những buổi đi điền dã tìm hiểu về cộng đồng. Và không hiểu trời xui đất khiến thế nào, đôi bàn chân Hiền cứ lao về xóm bụi với đầy rẫy phức tạp, hiểm nguy và vô số mảnh đời lầm than, cơ cực ấy.
... Sau trận mưa rào suốt đêm, đường xuống đê rất trơn và lầy lội, nhưng quyết tâm đến với những người dân xóm bãi đã khiến Hiền quên đi mọi nỗi sợ và sự khó nhọc. Vào đến xóm bãi rồi, Hiền mới biết được sự cơ cực và lam lũ của những người dân nơi này.
Những chiếc nhà nổi to thì được kết bằng những chiếc phùng phi cũ hỏng, mái lá. Nhà nhỏ hơn thì chỉ là những mảnh phao, gỗ cũ, hỏng ghép lại và được che đậy sơ sài bằng những manh chiếu, vải bạt rách rưới, bẩn thỉu.
Tổng cộng, Hiền đếm được 17 căn nhà to nhỏ như thế. Cư dân của xóm nổi là người tứ xứ, từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Nam Định, Hưng Yên, thậm chí cả những người dân nghèo, không nơi nương tựa ở địa phương cũng chọn đây là nơi cư ngụ. Tất tật mọi sinh hoạt (từ ăn uống, vệ sinh...) cũng đều diễn ra trong đoạn sông cạn này. “Mình đã khổ rồi mà không ngờ có nhiều người còn vất vả hơn. Ăn uống, sinh hoạt hỗn độn và thiếu thốn như vậy mà họ vẫn phải sống” - Hiền băn khoăn tự hỏi.
Ở với bà con xóm bãi gần một ngày trời hôm đó, Hiền càng hiểu hơn về cuộc sống và con người họ. Để rồi, lòng thương và sự trắc ẩn đã dẫn bàn chân cô trở lại nơi này rất nhiều lần sau đó...
Gây dựng tủ thuốc tình thương bằng tiền túi
Ý tưởng xây dựng tủ thuốc gia đình cho bà con trong xóm trỗi dậy khi Hiền tận mắt chứng kiến cảnh một người phụ nữ đi vớt bèo bị mảnh sành cứa vào chân. Vết thương khá sâu khá sâu và chảy nhiều máu nhưng người phụ nữ ấy chỉ nhai mấy thứ lá dại rồi đắp vào vết thương và lấy miếng vải cũ buộc lại. Rồi mấy ngày sau vết thương bị nhiễm trùng, mưng mủ sưng tấy rất to, vậy nhưng người phụ nữ vẫn không chịu đi bệnh viện vì sợ tốn tiền.
Qua tìm hiểu, Hiền được biết, đa số người dân ở đây đều là dân ngụ cư nên không có hộ khẩu, bởi vậy họ cũng không thể có sổ bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe họ đều tự lo nấy và sống chết phụ thuộc vào sự may rủi của số phận. Trước thực tế này, Hiền nghĩ tủ thuốc gia đình là vật dụng hữu ích đối với người dân nơi đây, bởi vậy cô đã bàn với một số bạn trong nhóm của mình nghĩ cách hỗ trợ bà con xây dựng tủ thuốc quý giá này.
Nghĩ là làm, trước khi xây dựng tủ thuốc, Hiền vận động tổ chức một buổi tư vấn, khám sức khỏe miễn phí cho bà con với sự hỗ trợ của một số y tá, y sỹ là người nhà của các thành viên trong nhóm. Cuộc tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí mặc dù rất sơ sài nhưng đạt được thành công ngoài mong đợi. Bà con đến thăm khám rất đông, ai ai cũng rất phấn khởi.
Để có tủ thuốc, Hiền đã gom góp số tiền tiết kiệm làm thêm bấy lâu nay của mình, vận động quyên góp từ những người hảo tâm, rồi tổ chức chương trình giao lưu “Thắp sáng niềm tin” kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Và, không lâu sau đó, một tủ thuốc tình thương với những loại thuốc thông dụng như oxy già, bông băng, cao nóng, thuốc cảm, thuốc đau bụng... đã ra đời.
Duy trì và phát triển tủ thuốc, đến giờ Hiền vẫn kiên trì bỏ tiền túi, vận động xây dựng tủ thuốc. Và, vài ba tháng một lần cô lại cùng đoàn khám chữa bệnh từ thiện lặn lội xuống xóm bãi tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con rồi tổ chức những buổi liên hoan văn nghệ nhân các ngày lễ, rằm Trung thu cho thiếu nhi. Cô gái nhỏ bé với nước da bánh mật và gương mặt đôn hậu, quyết đoán đã trở thành hình ảnh rất gũi thân thương và gần gũi với người dân xóm nổi, bởi từ lâu cô đã trở thành người nhà của họ.
Lâm Quỳnh