Thôn Trung xây dựng làng văn hoá

Thôn Trung, xã Điền Xá (Nam Trực) có 400 hộ dân với gần 2000 nhân khẩu. Những năm qua, cùng với công tác xây dựng làng văn hoá, cán bộ và nhân dân thôn Trung ngoài sản xuất nông nghiệp, đã tập trung phát triển kinh tế cải thiện đời sống bằng việc phát triển nghề trồng cây cảnh, cây thế truyền thống.

Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh, cây thế tạo giá trị kinh tế cao tại gia đình ông Vũ Thường Nhuế thôn Trung, xã Điền Xá (Nam Trực).  Ảnh: Xuân Thu
Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh, cây thế tạo giá trị kinh tế cao tại gia đình ông Vũ Thường Nhuế thôn Trung, xã Điền Xá (Nam Trực).
Ảnh:  Xuân Thu

Thôn Trung, xã Điền Xá (Nam Trực) có 400 hộ dân với gần 2000 nhân khẩu. Những năm qua, cùng với công tác xây dựng làng văn hoá, cán bộ và nhân dân thôn Trung ngoài sản xuất nông nghiệp, đã tập trung phát triển kinh tế cải thiện đời sống bằng việc phát triển nghề trồng cây cảnh, cây thế truyền thống. Trong thôn hiện nay thế chỗ cho vườn tạp là những vườn cây thế, cây cảnh, vừa tạo cảnh quan sạch đẹp, vừa cho giá trị kinh tế cao. Một số người trong thôn đã trở thành những nhà kinh doanh cây cảnh có mạng lưới tiêu thụ khắp mọi miền đất nước với mức thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm như các anh: Vũ Thường Phòng, Vũ Thường Nhuế, Vũ Thường Mai, Đỗ Duy Thuỷ, Đỗ Đình Đặng... Nhờ có nghề trồng cây cảnh mà kinh tế hộ gia đình ở thôn Trung có sự thay đổi rõ rệt. Trong thôn không còn hộ đói, số hộ nghèo chỉ còn 4%, số hộ khá và giàu chiếm hơn 60%. Kinh tế ổn định, phát triển, tạo điều kiện cho người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Nhiều công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng hoàn thiện như hệ thống điện, đường, trường học..., góp phần phục vụ việc xây dựng mô hình làng văn hoá. Hầu hết đường dong ngõ xóm ở thôn Trung đã được bê tông hoá. Di tích lịch sử văn hoá của thôn được bảo tồn, tôn tạo. Cuộc vận động xây dựng làng văn hoá ở thôn Trung được triển khai với những quy định cụ thể. Trong việc cưới, việc tang, bảo đảm đúng theo nghi lễ và nếp sống văn hoá, hạn chế ăn uống linh đình.

Là một thôn có truyền thống hiếu học lâu đời, do vậy, điều mà chi bộ Đảng và nhân dân trong thôn quan tâm là chăm lo học hành cho con em. Những năm gần đây, trẻ em trong thôn đến tuổi đi học đều được đến trường. Hàng năm, tỷ lệ các cháu thi đỗ đại học, cao đẳng rất cao. Hiện trong thôn có 5/5 dòng họ đã được nhận bức trướng khuyến học, khuyến tài của UBND huyện. Thôn có trên 200 người có trình độ cao học, đại học, cao đẳng... công tác ở khắp mọi miền của đất nước. Hàng năm, thôn Trung có 90% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Trong xây dựng nếp sống văn hoá, người dân thôn Trung còn chú trọng phát huy nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử là thuần phong mỹ tục của quê hương như: Tôn trọng người già, yêu quý trẻ thơ, đoàn kết gia đình, dòng họ, gia đình hoà thuận trên kính dưới nhường, thường xuyên quan tâm đến các đối tượng gia đình chính sách, tổ chức mừng thọ các cụ cao tuổi, phụng dưỡng ông bà cha mẹ...

Ở thôn Trung, các đoàn thể hoạt động tích cực, hiệu quả. Hội Cựu chiến binh luôn gương mẫu tiên phong trong các mặt hoạt động. CLB Phụ nữ không sinh con thứ ba, CLB gia đình hạnh phúc của Chi hội Phụ nữ đã thu hút đông đảo chị em tham gia sinh hoạt theo định kỳ. Tổ công tác mặt trận của 5 xóm trong thôn tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước làng văn hoá. Các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, xoay quanh mục tiêu xây dựng nếp sống mới, con người mới, nâng cao dân trí, thi đua phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự an ninh... Phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh trong tầng lớp thanh thiếu niên.

Với những thành tích đạt được, năm 2002, thôn Trung đã được công nhận Làng văn hoá. Phát huy truyền thống, cán bộ và nhân dân thôn Trung luôn nêu cao tinh thần đoàn kết phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Minh Thuận

Đọc thêm