Agribank góp phần tạo đột phá phát triển ngành Thủy sản

(PLO) - Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức Hội nghị “Sơ kết hơn 1 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản”. Agribank là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai cho vay theo chương trình này rất hiệu quả…

Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, các ngân hàng cam kết đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay Chương trình này. Riêng 5 ngân hàng thương mại nhà nước, ngay sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, đã cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay; trong đó, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) cam kết sẵn sàng dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng cho Chương trình.

Kịp thời nắm bắt

Giữ vai trò chủ lực về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với quy mô đầu tư tín dụng nông nghiệp nông thôn nói chung và thủy hải sản nói riêng không ngừng mở rộng, tính đến 29/02/2016, nguồn vốn huy động của Agribank đã đạt hơn 800.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế 668.635  tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn là 440.736 tỷ đồng, chiếm 71% tổng dư nợ nền kinh tế. 

Đối với việc triển khai cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ, Agribank là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai cho vay. Theo đó, ngày 29/8/2014, Agribank có Quyết định 888/QĐ-NHNo-HSX ban hành quy định cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong hệ thống Agribank; tổ chức tập huấn đến tất cả các chi nhánh thuộc các tỉnh có nghề khai thác thủy sản; chỉ đạo các chi nhánh bám sát Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại các tỉnh để nắm bắt tiến độ phê duyệt chủ tàu của UBND tỉnh, chủ động tiếp cận các chủ tàu tìm hiểu và thẩm định, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tại địa phương những chủ tàu đủ năng lực vay vốn theo chương trình này.

Quá trình tiếp cận nhu cầu vay vốn từ các chủ tàu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tại địa phương, Agribank cũng kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, phối hợp với các bộ, ban, ngành tháo gỡ, đẩy mạnh cho vay, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa tàu cá do Chính phủ đề ra. 

Đạt hiệu quả cao

Tính đến 29/02/2016, Agribank đã triển khai cho vay 152 tàu, trong đó cho vay đóng mới 138 tàu và nâng cấp 14 tàu. Tổng số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng đã ký kết là 1.241,13 tỷ đồng, đã giải ngân được 768,39 tỷ đồng, đảm bảo thời gian hạ thủy. Ngoài ra, Agribank hiện đang thẩm định 65 tàu với tổng số tiền vay dự kiến 736,63 tỷ đồng. Như vậy, Agribank là ngân hàng thương mại có tổng số tàu cho vay chiếm tỷ trọng 38% tổng số tàu cho vay của toàn hệ thống ngân hàng.

Từ thực tiễn triển khai, đại diện lãnh đạo Agribank cũng nêu các kiến nghị, vướng mắc, đề xuất các giải pháp nhằm triển khai Nghị định 67 đạt kết quả cao hơn, đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nghề cá. Đó là: cần xúc tiến việc chứng nhận từng hạng mục tàu cá, đảm bảo đúng với thiết kế đã được phê duyệt, hỗ trợ ngân hàng trong việc giám sát giải ngân đúng tiến độ; nghiên cứu và đưa ra định hướng chiến lược thực hiện mô hình chuỗi sản xuất – tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất của ngư dân; nhiều khách hàng đã lựa chọn cách ứng tiền để đảm bảo tàu hạ thủy đúng thời vụ, đảm bảo doanh thu do đó Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét, cho phép những khách hàng này được hưởng cấp bù lãi suất theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như phù hợp với thực tế tại địa phương…

Với những kết quả đã đạt được, Agribank và Agribank Chi nhánh Bình Thuận cùng Cty CP Thủy sản Lý Sơn – khách hàng của Agribank – nằm trong số 10 tập thể, cá nhân được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trao tặng Bằng khen (ảnh) do có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện NĐ 67. 

Đọc thêm