Bất ngờ với con số lợi nhuận trước thuế dự kiến của TTC Sugar

(PLVN) - Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar, mã: SBT) mới đây công bố dự kiến kết quả kinh doanh quý 3 niên độ 18-19, tạo nhiều bất ngờ cho thị trường.
Một trong những nông trường mía lớn của TTC Sugar
Một trong những nông trường mía lớn của TTC Sugar

Quý 3 lợi nhuận bứt phá

Kết quả kinh doanh quý 3 niên độ 18 - 19 của công ty tạo nhiều bất ngờ cho thị trường với những số liệu bứt phá toàn diện so với 6 tháng đầu niên độ nhờ vào những nỗ lực vượt bậc trong bối cảnh các tín hiệu khả quan về ngành đường ngày một rõ nét. Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2019 tăng 20% lên 13,38 UScent/lb, phục hồi từ mức thấp nhất trong 5 tháng gần nhất.

SBT ước tính sản lượng đường tiêu thụ quý 3 niên độ 18-19 tăng hơn 35% so với cùng kỳ, với hơn 163.000 tấn đường thành phẩm. Doanh thu thuần (DTT) ước đạt 2.404 tỷ đồng, đặc biệt lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 81% so với cùng kỳ và tăng ấn tượng 349% so với 6 tháng đầu niên độ, đạt 287 tỷ đồng.

Nguyên nhân của sự bứt phá này chủ yếu là do giá vốn hàng bán đã được công ty giảm mạnh thông qua việc tận dụng hiệu quả cũng như tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, bên cạnh đó chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng được điều tiết tốt hơn.

Bám sát với chiến lược mở rộng thị phần của mình, với đối tượng khách hàng mục tiêu của SBT là các doanh nghiệp SME, quý 3 sản lượng tăng trưởng 31% so với cùng kỳ. Kênh tiêu dùng và kênh thương mại cũng lần lượt tăng trưởng 53% và 171% về sản lượng so với cùng kỳ.

Như vậy, lũy kế 9 tháng, kết quả kinh doanh của SBT đã khởi sắc trở lại với gần 550.000 tấn đường được bán ra, đạt 65% kế hoạch, DTT 8.062 tỷ đồng, 70% kế hoạch và LNTT sẽ không thấp hơn 350 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp quý 3 cải thiện vượt bậc khi đạt 14%, tăng mạnh 180% so với bình quân 5% của lũy kế 6 tháng.

Năng suất mía được nâng cao từ 63 tấn/ha lên 69 tấn/ha, sản lượng đường tồn kho với giá vốn cao đã tiêu thụ hết, đồng thời sản lượng đường mới với việc kiểm soát tốt chi phí nguyên liệu đầu vào đã giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện tích cực và bứt phá trở lại.

Kiên định với câu chuyện mở rộng thị phần, SBT liên tục triển khai các phương án từ R&D sản phẩm mới đến hợp tác đầu tư cộng hưởng để đa dạng hóa nguồn thu bền vững trong nhiều năm; trong ngắn hạn SBT kỳ vọng LNTT 18-19 sẽ vượt kế hoạch.

Gần đây nhất, việc tiếp quản 16.000ha vùng nguyên liệu mới tại Campuchia cũng đã mở rộng tổng diện tích khai thác của SBT lên đến hơn 70.000 hecta tại 3 nước Đông Dương và dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng đột phá cho SBT trong trung và dài hạn.

Các công ty chứng khoán vững tin vào SBT

HSC, một trong những CTCK hàng đầu trên thị trường hiện nay cũng vừa cập nhật báo cáo phân tích về cổ phiếu SBT cho nhà đầu tư vào ngày 26/3. Tuy đây là thời điểm kết quả kinh doanh 6 tháng đầu niên độ không được như kỳ vọng nhưng HSC vẫn có cái nhìn tương đối lạc quan về hoạt động sản xuất kinh doanh của SBT.

Theo HSC, dự kiến DTT sẽ đạt 10.610 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ, LNST của cổ đông công ty mẹ là 518 tỷ đồng với giả định sản lượng tiêu thụ 750 ngàn tấn, tăng 31% cùng kỳ.

Cho niên độ 19-20, HSC cũng dự báo DTT đạt 11.954 tỷ đồng, tăng trưởng 13% và LNTT là 740 tỷ đồng, tăng 12% với dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ đạt 820.000 tấn, tăng 9% cùng kỳ, giá bán đường trung bình 13.250 đồng/kg, tăng 4% do thị trường đường thế giới dự kiến vào xu hướng tăng trong năm 2020 và giá đường Việt Nam theo đó sẽ tăng 4%.

Giá mía cũng được dự báo giảm 4% so với niên độ 18-19 còn 700.000 đồng/tấn; bởi HSC đánh giá trên cơ sở hội nhập ATIGA, chỉ có những nhà máy sở hữu công suất lớn như SBT đang sở hữu mới có khả năng tồn tại và cạnh tranh sòng phẳng với đường Thái Lan. Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 12% trong niên độ 19-20 nhờ giá đầu vào giảm và giá bán bình quân tăng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự kiến là 578 tỷ đồng với EPS cơ bản gần 1.000 đồng, tăng 10%. 

Về vấn đề phát hành cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi, HSC cũng đã cập nhật việc SBT nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho đợt phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài với tổng trị giá là 60 triệu USD tương đương 1.334 tỷ đồng. Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn tất sớm trong niên độ 18-19 để cấu trúc lại các khoản vay và giảm chi phí lãi vay đáng kể cho SBT, phục vụ phát triển bền vững những năm về sau.

Khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng cổ phiếu SBT

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuy có dấu hiệu đi ngang trong những phiên gần đây nhưng điểm sáng vẫn là việc mua ròng tích cực của khối ngoại từ đầu năm đến 3/4/2019 là 79 triệu cổ phiếu tương đương 3.948 tỷ đồng, đặc biệt là hoạt động khá sôi nổi đến từ các Quỹ ETF uy tín, một phần từ kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market).

Trong kỳ rà soát tháng 1 và tháng 3, SBT vẫn tiếp tục được duy trì trong các rổ ETF quan trọng. Với vị thế dẫn đầu ngành và được xem là một trong những mặt hàng nhu yếu phẩm với thị phần chiếm lĩnh, đa dạng xuất khẩu và dư địa tăng trưởng khả quan, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2019, V.N.M ETF - một trong những Quỹ ETF quan trọng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã mua ròng gần 3,5 triệu cổ phiếu, tăng mức sở hữu cổ phiếu SBT từ 10,1 triệu lên mức 13,6 triệu.

Ngoài ra DB XTRACKER FTSE VN SWAP UCITS ETF cũng tăng mức sở hữu SBT lên 4,4 triệu từ mức 4,1 triệu; iShares MSCI Frontier 100 ETF tăng lên 883 nghìn từ 811 nghìn. Hiện nay, tổng số lượng cổ phần SBT mà 5 Quỹ ETF lớn là V.N.M ETF, DB XTRACKER FTSE VN SWAP UCITS ETF, VFMVN30 ETF, iShare MSCI Frontier 100 ETF và SSIAM VNX50 ETF FUND đang nắm giữ là hơn 21,1 triệu cổ phiếu SBT, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2019. 

Đọc thêm