Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đồng hành cùng người dân: “Đoàn kết để phá vỡ chuỗi lây truyền COVID -19”

(PLVN) - Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết hiện vẫn đang đồng hành trên mọi nẻo đường chống dịch covid 19. Bệnh viện vừa duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng theo hướng dẫn, vừa triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm. 
Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đồng hành cùng người dân: “Đoàn kết để phá vỡ chuỗi lây truyền COVID -19”

Hiện vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã được Việt Nam nhập về. Lô vắc xin có 117.600 liều đầu tiên theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều Astrazeneca đã ký với Bộ Y tế và Hệ thống tiêm chủng VNVC.  Như vậy, ngoài 4 đơn vị trong nước đang "chạy đua" sản xuất vắc xin, Việt Nam chính thức có vắc xin nhập khẩu sau nhiều tháng nỗ lực đàm phán.

Bộ Y tế đang tiếp tục xúc tiến việc nhập các vắc xin phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất khác theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng và đúng theo thứ tự ưu tiên. Lô vắc xin này do Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh đai dịch COVID-19 diễn biến phức tạ và đây là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tiêm vaccine này cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch.

Virus SARS-CoV-2 lây theo giọt bắn, do đó, đây vẫn luôn là các biện pháp phòng dịch hữu hiệu đầu tiên. Chúng ta phải hiểu rõ vaccine khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay và đặc biệt chúng ta còn phòng ngừa biến chủng virus, hướng tới miễn dịch cộng đồng với 70% dân số. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo để triển khai vaccine COVID-19 sản xuất trong nước. Theo đó, sẽ rút ngắn các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo các khâu an toàn và hiệu quả trong sản xuất, phát triển vaccine.

So với lần trước, đợt dịch này chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chủ động, bình tĩnh ứng phó, không lơ là mất cảnh giác, nhưng cũng không lo lắng thái quá, không hoảng loạn.

Kinh nghiệm cho thấy ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành y tế trong việc truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị, thì sự đồng lòng ủng hộ của người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống trong cộng đồng là điều kiện quan trọng hàng đầu để kịp thời khống chế dịch bệnh.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh hiện vẫn đang đồng hành trên mọi nẻo đường chống dịch covid 19. Bệnh viện duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng theo hướng dẫn tại Công văn 1385/BCĐQG; đánh giá lại theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn ban hành tại Quyết định số 3088/QĐ-BYT và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch COVID-19 ban hành tại Quyết định số 4999/QĐ-BYT; cập nhật kết quả trên phần mềm trực tuyến, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại và tiếp tục rà soát, củng cố thực hiện thật nghiêm các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh đã ban hành tại Quyết định số 5188/QĐ-BYT. Nghiêm túc triển khai “Thông điệp 5K”; thực hiện xử phạt người không đeo khẩu trang.

Triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm. Cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế. Rà soát các trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, thực hiện việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối đa 03 tháng).

Chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh theo hướng dẫn tại Công văn số 5268//BYT-KCB để phát hiện sớm và ngăn ngừa, cách ly triệt để, tuyệt đối không để dịch COVID-19 lây lan trong bệnh viện; lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên người bệnh nội trú trong bệnh viện, ưu tiên các đối tượng có nguy cơ cao (áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp với đánh giá nguy cơ).

Cuộc chiến chống covid 19 còn dài và có lẽ con người sẽ phải thích nghi và sống chung với dịch Covid 19 và xác định phòng là chính, vấn đề đặt ra cho chúng ta là không nên lệ thuộc nhiều vào vắc xin và vào tây y, mà phải kết hợp với đông y bằng cách nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Bệnh Covid-19 rất có thể không tự hết mà con người cần học cách để chung sống và tự bảo vệ mình trước sự tấn công của dịch bệnh. Theo quan điểm của y học cổ truyền, bệnh do n-CoV có rất nhiều điểm chung với ôn bệnh mô tả trong y văn cổ, bệnh gây ra bởi tà khí xâm phạm cơ thể, chính khí không đủ khỏe mạnh, tà khí xâm phạm và làm rối loạn công năng các tạng phủ, rối loạn cân bằng âm dương mà thành bệnh. Theo đó, y học cổ truyền có nhiều phương pháp để dự phòng và điều trị bệnh, tất cả đều tập trung với mục đích đánh đuổi tà khí và nâng cao chính khí, điều chỉnh cân bằng âm dương.

Tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bên cạnh những phương pháp phòng chống dịch được y tế dự phòng quy định, bệnh viện đã triển khai các phương pháp phòng và điều trị bệnh đặc thù của y học cổ truyền, ví dụ như: Gói thuốc xông khử khuẩn không khí (trừ tà khí), các bài thuốc uống trong (bổ chính khí),... Các phương pháp này đã và đang góp phần vào sự thành công trong việc phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện.

 Ban giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam cũng cho biết, Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 hằng năm là dịp để mọi người tri ân, tôn vinh những đóng góp của thầy thuốc cho việc chăm sóc sức khỏe người dân.Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên cả nước còn diễn biến phức tạp, để tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc không tổ chức lễ kỷ niệm 66 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh sẽ không tổ chức các sự kiện chúc mừng Ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay. Ban giám đốc và tập thể người lao động của Học viện y dược học Tuệ Tĩnh xin trân trọng cảm ơn những lời chúc mừng từ các cá nhân, tổ chức, đơn vị luôn quan tâm, ủng hộ Học viện.

Cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 vẫn đang vô cùng cam go đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Còn đối với riêng ngành y tế, y học hiện đại và y học cổ truyền vẫn đang phối hợp và đồng hành cùng nhau với mong muốn tìm ra một phác đồ điều trị hiệu quả nhất – chìa khóa để chiến thắng đại dịch Covid-19.

Đọc thêm