Tập trung nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn tại Quảng Ngãi

(PLVN) - Dù gặp nhiều khó khăn nhưng PC Quảng Ngãi đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau khi tiếp nhận, đảm bảo cung cấp điện chất lượng, an toàn kho khách hàng.
Cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn Quảng Ngãi
Cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn Quảng Ngãi

Đến thời điểm hiện tại, PC Quảng Ngãi đã hoàn thành tiếp nhận và quản lý vận hành lưới điện hạ áp nông thôn ở 65/66 xã, thuộc các huyện Minh Long (4 xã), Nghĩa Hành (11 xã), Sơn Tịnh (15 xã), Mộ Đức (12 xã), Tư Nghĩa (12 xã), Bình Sơn (11 xã). Khối lượng tiếp nhận là 1.213,8 km đường dây hạ áp và 156.062 khách hàng. Hiện nay, còn 1 Hợp tác xã dịch vụ điện Bình Hiệp (huyện Bình Sơn) đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án tiếp nhận.

Theo PC Quảng Ngãi, vì đã trải qua một thời gian hoạt động khá lâu nên lưới điện hạ áp nông thôn khi được tiếp nhận tồn tại rất nhiều hạn chế, bất cập như: hệ thống đo đếm mất niêm chì, xiêu vẹo, hộp công tơ mất nắp. Đường dây sau công tơ dài, tiết diện dây nhỏ, nhiều mối nối; dây dẫn đi trên cây sống hoặc trụ tạm bợ, bố trí chằng chịt (nhiều hộ gia đình lắp trên 1 cột), không đủ độ cao quy định; người dân kéo điện về nơi sử dụng rất xa, chất lượng điện vừa không đảm bảo, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn điện.

Nhiều tuyến dây dẫn đường trục, nhánh rẽ được đầu tư từ thời còn hợp tác xã nên xuống cấp, tiết diện không đảm bảo, nhiều mối nối; có nơi cột điện xiêu vẹo, xuống cấp, bong tróc; cách điện hỏng; tiếp địa không có hoặc giá trị nối đất không còn đảm bảo; … mất an toàn trong vận hành và an toàn điện. Bán kính cấp điện lớn (thường > 1,2km), dây dẫn xuống cấp, tiết diện nhỏ; mật độ TBA thưa, xa khu dân cư, … dẫn đến chất lượng điện năng không đảm bảo, dây dẫn bị quá tải, tổn thất điện năng rất cao (có TBA > 18, 20%), tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra.

Theo ông Phan Vũ Đông Quân - Phó giám đốc PC Quảng Ngãi, với quan điểm “tiếp nhận đến đâu, nâng cấp, cải tạo đến đó”, ngành điện đã tập trung đầu tư nâng cấp mạng lưới điện nông thôn, làm thay đổi mạnh mẽ, đảm bảo về an toàn và chất lượng cấp điện, tạo động lực để phát triển kinh tế ở vùng nông thôn.

Theo thống kê, liên tục từ năm 2019 đến nay, PC Quảng Ngãi đã thực hiện đầu tư cải tạo lưới điện tiếp nhận với kế hoạch vốn được bố trí cụ thể. Trong đó, năm 2019 gần 8,2 tỷ đồng; năm 2020 gần 89,9 tỷ đồng. Trong năm 2021, dự kiến tiếp tục đầu tư cải tạo lưới điện tiếp nhận với tổng kế hoạch vốn hơn 47,6 tỷ đồng. Quá trình đầu tư, cải tạo có nhiều thuận lợi vì nhận được sự đồng thuận đa số từ nhân dân, chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, EVN, EVNCPC quan tâm, bố trí vốn đầu tư kịp thời để đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện tiếp nhận. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc PC Quảng Ngãi, việc nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn cũng gặp phải một số khó khăn, nhất là khối lượng đầu tư lớn trong thời gian ngắn, địa bàn trải dài nhiều huyện.

Ngoài ra, vẫn còn hộ dân cản trở, không cho thi công, đòi hỏi không đúng với quy định của pháp luật như: không cho thi công trên vị trí ranh đất nhà (đòi đền bù giá không theo quy định của nhà nước), đất ngay ranh giữa hộ hai gia đình; hộ dân không cho kéo dây ngang phần đất nhà gây khó khăn trong công tác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; đòi hỏi phải di dời đường dây trước đây thì mới cho thi công đi gần nhà.

Chính quyền địa phương một số nơi còn chưa nhiệt tình trong việc vận động, giải thích cho nhân dân lợi ích của việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện tiếp nhận. Một số công trình phải lập thủ tục xin phép thi công xây dựng từ các đơn vị quản lý đường bộ, thủy lợi, thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Hiện tại, ngành điện Quảng Ngãi đang tích cực phối hợp với chính quyền và các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận cũng như nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn. Lưới điện sau đầu tư đã hiện đại hơn về đo đếm, được quản lý và vận hành chuyên nghiệp, người dân được mua điện đúng giá Nhà nước ban hành.

Quan trọng hơn, các hộ dân nông thôn giảm được các khoản chi phí hàng năm, do không phải đóng góp cho quản lý, duy tu sửa chữa lưới điện, không phải bỏ tiền mua sắm công tơ khi có nhu cầu được cấp điện. Mặt khác, sau khi tiếp nhận, chất lượng điện đã tốt hơn, đáp ứng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở nông thôn; đồng thời giảm thiểu tình trạng tai nạn điện trong dân.

Đọc thêm