Xét nghiệm có thể biết bạn mắc ung thư hay không?

(PLO) - Theo PGS – TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện  MEDLATEC, một số loại ung thư có thể biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng ung thư (ung thư da, cổ tử cung, vú, trực tràng và miệng) nên có thể chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. 
Phòng thí nghiệm hiện đại của Khoa xét nghiệm BV MEDLATEC
Phòng thí nghiệm hiện đại của Khoa xét nghiệm BV MEDLATEC

Tuy nhiên, nhiều loại ung thư hầu như không biểu hiện dấu hiệu và triệu chứng trong quá trình tiến triển. Vì vậy, việc chẩn đoán ung thư cần phải dựa vào các dấu ấn ung thư, sinh học phân tử,  chẩn đoán hình ảnh và tế bào học.

Dấu ấn ung thư (hay còn gọi là dấu ấn khối u) là những chất hóa học của cơ thể, thường là các protein, được sản xuất bởi bản thân các tế bào ung thư hoặc đôi khi do cơ thể sản xuất ra để đáp ứng với sự phát triển ung thư. 

Do một số các dấu ấn ung thư có thể được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm của cơ thể như máu, nước tiểu và các mô nên chúng có thể được sử dụng cùng với các xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng khác để phát hiện và chẩn đoán một số loại ung thư, tiên lượng, theo dõi đáp ứng điều trị và phát hiện tái phát.

Cũng theo PGS Luật, có khoảng trên 20 dấu ấn ung thư  có thể được thực hiện để biết bệnh sớm.

Ví dụ, dấu ấn AFP cho chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan hoặc u tế bào mầm; CA 15-3 cho ung thư vú; NSE, ProGRP, CYFRA 21-1, SCC,… cho ung thư phổi; CA 19-9, CEA cho ung thư tụy; CA 72-4 cho ung thư dạ dày; CEA cho ung thư đại trực tràng; CA 125 cho ung thư buồng trứng, ..

Một số thay đổi trong vật chất di truyền (các đột biến DNA hoặc sự thể hiện quá mức của gen, …) có liên quan với những ung thư nhất định, đã được sử dụng như những dấu ấn ung thư để đánh giá nguy cơ, tiên lượng hoặc hướng dẫn điều trị đích. 

Một số ít dấu ấn ung thư có thể được sử dụng để sàng lọc nhằm phát hiện sớm ung thư nhưng chỉ nên thực hiện ở những người có nguy cơ. 

Với dấu ấn AFP có thể giúp sàng lọc ung thư biểu mô tế bào gan ở những nhóm đối tượng nguy cơ ung thư cao như các bệnh nhân bị viêm gan virus B, C hoặc bệnh nhân xơ gan do các nguyên nhân khác.

Dấu ấn CA 125 có thể giúp sàng lọc ung thư buồng trứng ở những người có nguy cơ ung thư cao như các bệnh nhân gia đình có người thân bị ung thư buồng trứng.

 

Qua xét nghiệm, có thể giúp sàng lọc ung thư ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như các bệnh nhân bị chửa trứng hoặc chảy máu tử cung dai dẳng.

Đàn ông có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể kết hợp với siêu âm nội soi và sinh thiết tuyến tiền liệt để biết có nguy cơ bị ung thư hay không.

Với phụ nữ, cũng có thể sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng cách quan sát trực tiếp với sự trợ giúp của kỹ thuật rửa cổ tử cung bằng acid acetic từ 3% đến 5% trong một phút và sau đó quan sát sự thay đổi màu sắc ở cổ tử cung bằng mắt thường hoặc xét nghiệm HPV ở các bệnh viện tuyến huyện, xã.

Xét nghiệm phết tế bào cũng giúp tìm tế bào ung thư cổ tử cung, các chuyên gia có thể xét nghiệm định type HPV hoặc chụp ảnh vú để phát hiện ung thư vú. Tuy nhiên, những xét nghiệm trên cần được tiến hành đúng quy trình để kết quả được chính xác.

Để đảm bảo các kết quả xét nghiệm được chính xác và xác thực, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xét nghiệm là yếu tố quyết định và bắt buộc đối với tất cả các cơ sở xét nghiệm.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189 sẽ giúp đảm bảo cung cấp kết quả xét nghiệm một cách chính xác và tin cậy, làm cơ sở để thúc đẩy việc thừa nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám và điều trị bệnh nhân.

ISO 15189 là hệ thống hướng dẫn kiểm soát toàn bộ cả 3 giai đoạn Trước, Trong, Sau của quy trình xét nghiệm và các vấn đề liên quan đến xét nghiệm, đưa cán bộ thực hiện xét nghiệm kiểm soát chất lượng theo một chu trình bắt buộc. 

Chứng chỉ này cho phép các phòng thí nghiệm được công nhận ở cấp quốc tế, nâng cao hiệu quả, đảm bảo các kết quả xét nghiệm đáng tin cậy hơn, và giúp tăng cường chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nói chung. 

Với kinh nghiệm của nhiều năm tham gia đào tạo, nghiên cứu và quản lý trực tiếp, PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ: “Quy trình xét nghiệm là quá trình xét nghiệm kể từ khi lấy mẫu theo chỉ định của người thầy thuốc qua thăm khám bệnh nhân, thực hiện xét nghiệm đến khi các kết quả được trả đến tay người thầy thuốc. 

Áp dụng quy trình chuẩn quốc tế là quan trọng và ISO 15189 là hệ thống hướng dẫn kiểm soát toàn bộ cả 3 giai đoạn của quy trình xét nghiệm và các vấn đề liên quan đến xét nghiệm, đưa cán bộ thực hiện xét nghiệm kiểm soát chất lượng theo một chu trình bắt buộc. 

Để kiểm soát được như vậy, các kỹ thuật viên phải tuân thủ quy định của ISO 15189 và xây dựng các quy trình, các yêu cầu, quy định,  hướng dẫn kèm theo phục vụ cho kiểm soát chất lượng từ giai đoạn lấy mẫu, nhận mẫu, nội kiểm, ngoại kiểm, thực hiện xét nghiệm cho tới kiểm soát kết quả xét nghiệm, lưu mẫu và hủy mẫu. 

Quy trình xét nghiệm phải được tuân thủ một cách chặt chẽ và tất cả những công việc thực hiện trên sẽ được lưu lại thành các hồ sơ, được lưu trữ lâu dài tại Khoa Xét nghiệm để tiện tra cứu, đánh giá nếu cần.  

Thông tin trên được PGS Nguyễn Nghiêm Luật cung cấp tại lễ đón nhận chứng chỉ ISO 15189 của khoa Xét nghiệm Bệnh viện MEDLATEC mới diễn ra. Chứng nhận đạt chuẩn quốc tế (ISO 15189) được trao cho bệnh viện sau gần 10 tháng thực hiện.

Khoa Xét nghiệm bệnh viện MEDLATEC hàng ngày có thể thực hiện được hàng nghìn loại xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu như đột biến gen, đột biến kháng thuốc, các dấu ấn ung thư.

Đọc thêm