Rút ngắn thời gian, quy trình
Rõ ràng, Thông tư đã “thoáng” hơn khi quy định thời gian xét tặng và công bố danh hiệu NSƯT, NSND là 2 năm/lần vào dịp Quốc khánh 2/9. NSND Phạm Anh Phương - GĐ Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN - cho rằng, khoảng cách này là hợp lý, vì việc xét danh hiệu bên lĩnh vực giáo dục, y tế cũng được tiến hành 2 năm/lần.
|
Nhiều người tiếc cho trường hợp của Cao Chí Thành
|
Năm 2005, Quy định tạm thời về Điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được ban hành. Theo quy định này, việc xét danh hiệu phải được tiến hành theo 4 cấp: Đơn vị nghệ thuật, cấp cơ sở (Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, thành phố, Cục NTBD, Cục Điện ảnh...), cấp Bộ (bộ, ngành, tỉnh...), cấp quốc gia. Riêng ở cấp quốc gia tiến hành theo 2 bước: Hội đồng chuyên ngành và Hội đồng quốc gia... Có lẽ, cũng vì phải trải qua nhiều cấp như vậy nên đợt xét tặng danh hiệu năm 2005 đã kéo dài gần hai năm, đến tận năm 2007 mới chính thức được Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng danh hiệu.
Theo Thông tư mới, quy trình xét tặng này chỉ còn 3 cấp: Cấp cơ sở, cấp Bộ (ngành, tỉnh) và cấp Nhà nước.
Như thông tin TT&VH đã phản ánh, điểm mới nhất của Thông tư này là việc quy định về đặc cách phong danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp lớn của quốc tế hoặc có thành tích nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng cao ở cấp quốc gia. Dư luận đã từng nuối tiếc cho trường hợp của Cao Chí Thành - nghệ sĩ ballet đầu tiên của VN giành được giải tư tại cuộc thi ballet danh giá Helsinky song chưa được xét tặng danh hiệu vì thiếu tuổi nghề. NSND Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL cho biết: “Trường hợp như Cao Chí Thành lặp lại thì có thể sẽ được đặc cách NSƯT, hoặc xuất hiện những tài năng xuất chúng như Đặng Thái Sơn có thể được đặc cách danh hiệu NSND với điều kiện đạt 100% số phiếu đồng thuận của tất cả các hội đồng”.
Ít nhất phải đoạt 2 giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế
Lấy HCV hội diễn để xét liệu có “chuẩn”?
Về nghệ thuật biểu diễn, Thông tư 06 lấy HCV của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn xét tặng danh hiệu. Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo tổng kết công tác tổ chức Liên hoan, Hội thi, Hội diễn vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 7, nhiều đại biểu đồng quan điểm nên không tổ chức các liên hoan, hội diễn vì hoạt động này mang tính phong trào, không thiết thực. Vậy việc lấy HCV tại các Hội diễn có thực sự“chuẩn”? Trả lời câu hỏi này, NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL, khẳng định: “Liên hoan, Hội diễn không thể bỏ được. Đây là hoạt động đánh giá chất lượng nghệ thuật chuyên nghiệp, nếu không được tổ chức sẽ “quần chúng hóa” nền nghệ thuật chuyên nghiệp. Sắp tới, Bộ sẽ xây dựng quy hoạch về Liên hoan, Hội diễn, tiến tới tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng, concours mang tầm quốc tế tại VN”. |
Trước kia, thành tích của nghệ sĩ căn cứ vào: “giải thưởng chính thức (giải Vàng hoặc Bạc) tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực hoặc quốc tế và các Hội văn học nghệ thuật trung ương”. Như vậy, các HCV, HCB tại LHP truyền hình toàn quốc, giải Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc... cũng được công nhận để xét tặng.
Song, lần này, Thông tư quy định rất rõ thế nào là Giải Vàng quốc gia. Đó là “giải Bông sen Vàng và Huy chương Vàng toàn quốc (do đặc trưng của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, do các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật có quy mô và tiêu chí khác nhau nên về nghệ thuật điện ảnh, truyền hình lấy giải Bông sen Vàng của LHP quốc gia làm chuẩn, về nghệ thuật biểu diễn lấy HCV của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn)”. Tuy vậy, cũng có một số trường hợp được “quy đổi” theo quyết định của các Hội đồng.
Bên cạnh đó, Thông tư 06 cũng nâng mức tiêu chuẩn xét tặng từ “ít nhất 2 giải thưởng (Vàng hoặc Bạc)” lên thành “nhiều giải Vàng và Bạc, trong đó có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế”. Riêng trường hợp xét tặng danh hiệu NSND vẫn phải tiếp tục giành được 2 giải Vàng trong vòng ít nhất 5 năm tính từ khi được phong danh hiệu NSƯT.