Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hải Phòng: Nên có chính sách ưu đãi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản

Trên địa bàn thành phố hiện có 284 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4,3 tỷ USD. Các nhà đầu tư đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, quy mô vốn đầu tư thu hút chưa đều đối với mỗi quốc gia

Trên địa bàn thành phố hiện có 284 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4,3 tỷ USD. Các nhà đầu tư đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, quy mô vốn đầu tư thu hút chưa đều đối với mỗi quốc gia, khu vực. Cơ cấu vốn đầu tư vào từng lĩnh vực lại càng trênh lệnh hơn...

Hàn Quốc và Nhật Bản đứng đầu

Tính đến đầu tháng 7, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc có 33 dự án, với vốn đăng ký hơn 903 triệu USD, chiếm gần 21% tổng vốn FDI và đứng đầu về quy mô vốn tại Hải Phòng.  Dự án lớn nhất là Khu tổ hợp nghỉ dưỡng và sân gôn Sông Giá với tổng mức đầu tư hai giai đoạn khoảng 582 triệu USD. Các nhà đầu tư đến từ đất nước hoa anh đào với 69 dự án, trong đó có 12 doanh nghiệp liên doanh, còn lại là 100% vốn nước ngoài, đứng đầu về số dự án trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hải Phòng. Các dự án FDI Nhật Bản có tổng vốn đăng ký đầu tư 859,6 triệu USD, chiếm khoảng 20% tổng vốn FDI và đứng thứ hai về quy mô vốn đăng ký tại Hải Phòng. Các nhà đầu tư Nhật Bản chủ yếu vào KCN với 51 dự án, khoảng 75% vốn đầu tư. Một số dự án lớn của Nhật Bản là Toyoda Gosei, Toyota Boshoku, Yazaki, Pioneer…

Gia công sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH GE (Khu công nghiệp NO-mu-ra Hải phòng)
Gia công sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH GE (Khu công nghiệp NO-mu-ra Hải phòng)

Đứng thứ 3 là các nhà đầu tư đến từ Đài Loan với 36 dự án và hơn 646 triệu USD vốn đầu tư. Các nhà đầu tư Hồng Kông đứng thứ 4 với 27 dự án và gần 369 triệu USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc đứng thứ 5 với 37 dự án và gần 352 triệu USD. Tiếp đến là Xin-ga-po với 15 dự án và hơn 229 triệu USD, Bỉ với 3 dự án và hơn 226 triệu USD, Hoa Kỳ với 11 dự án và gần 211 triệu USD. Các dự án FDI còn lại rải rác ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Ố-xtrây-li-a, Anh, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Ma-lai-xi-a, Nga, Ấn độ, Thái Lan, Séc…

Nhìn chung, các dự án đến từ các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân cơ bản đúng tiến độ. Quá trình đầu tư, các chủ đầu tư tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các dự án FDI cấu thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế thành phố và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội thành phố. Tuy nhiên, cơ cấu trên cho thấy, Hải Phòng chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến của các nước châu Âu và Mỹ, nơi có  thị trường tiềm năng rộng lớn. Trong khi đó, số các doanh nghiệp làm gia công, nhất là giày dép, dệt may cho các thị trường này rất lớn.  

Công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn

Trong tổng vốn FDI đầu tư vào thành phố, nguồn vốn đầu tư những năm trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, nay tập trung vào bất động sản như phát triển hạ tầng KCN, xây dựng khu đô thị, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ. Theo cơ cấu vốn FDI năm 2009 do Cục Thống kê thành phố công bố, nguồn vốn FDI lớn nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm tới gần 52% tổng vốn đầu tư; tiếp đến là kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn chiếm khoảng 21%; lĩnh vực văn hóa- thể thao chiếm gần 16%; thương nghiệp và khách sạn, nhà hàng chiếm 10%…Các lĩnh vực khác là công nghiệp điện, nước, vận tải, kho bãi, giáo dục- đào tạo, y tế. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản rất cần vốn đầu tư hầu như không thu hút được dự án nào, chỉ có một dự án với số vốn đăng ký rất khiêm tốn đang còn hiệu lực nhưng cũng chuẩn bị làm thủ tục giải thể.

Nhìn vào cơ cấu đầu tư FDI Nhật Bản, Hàn Quốc là các quốc gia có số vốn đầu tư chiếm tới 40% tổng vốn FDI tại Hải Phòng, những năm qua chủ yếu cũng chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, bất động sản…Ví dụ, Nhật Bản đầu tư vào công nghiệp chiếm tới 91% tổng vốn đầu tư. Các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm lớn nhất đến các dự án bất động sản, các lĩnh vực khác là dịch vụ, đóng tàu, công nghiệp…

Thực trạng trên cho thấy, với các chính sách ưu đãi thu hút FDI vào nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn thành phố như các lĩnh vực khác thì chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Bởi lẽ, đây là các lĩnh vực có nhiều rủi ro, phụ thuộc vào thời tiết, lợi nhuận đem lại không cao. Để thúc đẩy nông nghiệp, thủy sản phát triển, thành phố cần có những ưu đãi riêng, cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư nói chung và đầu tư FDI nói riêng. Có như vậy, mới tạo được bước đột phá cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp và thủy sản trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư từ các nước phát triển như Mỹ, EU cũng cần có sự nhìn nhận, đánh giá lại nguyên nhân chưa được như mong muốn để có những biện pháp thu hút hiệu quả hơn trong thời gian tới.

 Mai Hương

Đọc thêm