Thu ngân sách 7 tháng tăng 13% so với cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với cùng kỳ những năm gần đây, nhưng diễn biến thu qua các tháng lại có xu hướng giảm dần và đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay....
Số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ.
Số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ.

Điểm sáng trong ngành ngân hàng, chứng khoán

Báo cáo của Tổng cụcThuế vừa cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 7/2021 do cơ quan thuế (CQT) quản lý ước đạt 104.400 tỷ đồng, bằng 9,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung, tổng thu NSNN lũy kế 7 tháng năm 2021 do CQT quản lý ước đạt 763.805 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 22.023 tỷ đồng, bằng 94,9% so với dự toán, bằng 95% so với cùng kỳ; Thu nội địa ước đạt 741.781 tỷ đồng, bằng 67,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số thu từ thuế, phí nội địa ước đạt 590.373 tỷ đồng, bằng 66,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 118,6% so với cùng kỳ năm 2020, nếu loại trừ yếu tố gia hạn, miễn, giảm thuế thì tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá, thu NSNN trong 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó một số ngành tăng trưởng khá như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (BĐS), sản xuất lắp ráp ô tô...

Trong đó, khối các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi ở mức cao, đồng thời, các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ (dịch vụ ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn…), cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro... đã góp phần tăng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quý IV và nộp sau quyết toán của các ngân hàng tăng cao, lũy kế 7 tháng đầu năm tăng khoảng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Thị trường BĐS cũng có sự tăng trưởng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án BĐS được chuyển nhượng, làm tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng BĐS khoảng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao, theo đó, số thu thuế TNDN từ hoạt động này gấp 2,6 lần cùng kỳ, tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng là điểm sáng khi số thu 7 tháng năm 2021 gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, kinh tế những tháng cuối năm 2020 hồi phục khá, cộng với việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (đến hết ngày 31/12/2020), dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 gấp 2 lần so với cùng kỳ (theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế tiêu thụ đăc biệt trong tháng 01/2021), dẫn đến số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...

Nếu loại trừ các yếu tố chính sách gia hạn thuế và những khoản tăng thu đột biến nêu trên thì tổng thu do CQT quản lý 7 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong đó số thu từ thuế, phí nội địa tăng 2,4%.

Nhiều khó khăn…

Theo Tổng cục Thuế, số thu 7 tháng đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với mức thực hiện cùng kỳ những năm gần đây do thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt khá. Tuy nhiên, diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần và đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay, thu thuế phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6%, tháng 7 ước giảm 10,4%.

Dự báo trong những tháng cuối năm, kinh tế nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm kinh tế của cả nước; năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp, phụ thuộc lớn vào khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài, áp lực lạm phát trong trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh, đời sống một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, nếu dịch bệnh không được sớm kiểm soát sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế và thu NSNN trong thời gian tới...

Nhiều giải pháp đã được Tổng cục Thuế đưa ra quán triệt đến các Cục Thuế với quyết tâm hoàn thành dự toán ở mức cao nhất…

Đọc thêm