“Chưa bao giờ Rock phát triển đến thế. Rock show, Rock band, Rocker mọc ra như nấm. Tuy nhiên, để đạt tới độ chuyên nghiệp thì vẫn còn nhiều điều phải bàn” - Trần Lập, Thủ lĩnh của nhóm nhạc Bức Tường nêu quan điểm.
Là một người đã gắn bó với nhạc Rock Việt rất lâu năm, Trần Lập cho rằng Rock ở Việt Nam ngày nay nhìn chung phát triển hơn trước cả về cả chất lẫn lượng nhưng còn phải lưu tâm ở ba điều: Thứ nhất là sự phát triển này tuy mạnh nhưng vẫn chưa cân với các dòng nhạc phổ thông; thứ hai là còn lạc hậu so với khu vực và thế giới; thứ ba là sự am tường của khán giả về Rock đã tăng lên rất nhanh khiến cho đòi hỏi ngày một cao.
|
Trần Lập luôn hết mình trên sân khấu |
* Rock có phải loại nhạc kích động, làm máu người ta “sôi” lên, làm người ta phát cuồng bởi tiết tấu và âm lượng như phần lớn mọi người vẫn nghĩ?
- Chỉ đúng một phần thôi, đừng đổ oan cho Rock! Nó chỉ là âm nhạc của sự phơi bày bức xúc, của sự thật mà thôi. Phóng viên điều tra để phơi bày sự thật - Rock cũng vậy. Chỉ có điều thay bằng viết - họ hát! Người ta thường chỉ nhìn bề ngoài chứ ít ai thử tìm hiểu xem dân chơi nhạc Rock sáng tác và hát về cái gì.
Những người lợi dụng Rock để có những hành động quá khích chính là những người không cảm nhận được nét sâu sắc của dòng nhạc này. Rock có nhiều dòng, nhiều phân nhánh ví như Beatles hay Queen... Ai mà sôi máu để làm gì chứ, họ chỉ có thấy phấn chấn và tích cực, yêu đời và tâm hồn sâu sắc hơn mà thôi. Có những dòng rất điên rồ, thậm chí có những dòng cực kỳ bệnh hoạn thì cũng hiếm có ai ở Việt Nam theo đuổi. Thứ nhạc kích động làm máu sôi lên chỉ có những dòng không phải Rock như House, Train..., dễ dùng “phụ gia” để tự kích, bản thân nghe nhạc nặng như dân Rock cũng đâu có mấy người ưa.
* Nhiều bậc phụ huynh cấm đoán con em mình đam mê Rock vì cho rằng các Rockfan tuổi teen quá phô trương về sự ... Rock của mình bằng cách ăn mặc lập dị, sinh hoạt khác người...
- Ngôn từ của Rock mộc mạc, thẳng thắn, chân thành và xuất phát từ quan điểm cá nhân, không màu mè không tô vẽ, không đạo đức giả. Nhạc Rock phản ánh những bức xúc của tuổi trẻ, phê phán các định kiến xã hội... Cho nên không lạ là khá đông thanh niên yêu thích thể loại nhạc này. Tôi đồ rằng cũng không không ít bậc phụ huynh đồng tình với việc con em họ đam mê Rock bởi một Rockfan chân chính được định nghĩa là tính cách cũng như nhạc Rock vậy. Tức là không phô trương, không đau đáu việc phải thể hiện chất “Rock” của mình ở mọi nơi mọi lúc.
Rockfan chân chính không hẳn phải là người có nhiều kiến thức về nhạc Rock, nhưng cảm nhận được nội dung những gì mình nghe. Giới trẻ yêu Rock ở Việt Nam đang tìm đến những bản Rock Việt đúng chất Rock, không khuôn sáo, rỗng tuếch như nhiều thể loại “nhạc trẻ” khác đang thịnh hành.
|
* Năm 2010 đã bước sang quý 4, anh nói gì về sự phát triển của Rock Việt trong năm vừa qua?
- Chưa bao giờ Rock phát triển đến thế. Rock show, Rock band, Rocker mọc ra như nấm. Tuy nhiên, để đạt tới độ chuyên nghiệp thì vẫn còn nhiều điều phải bàn. “Khoảng lặng” sau những “ồn ào” là điều cần thiết cho một ai đó hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Giới nghệ đang có nhiều mâu thuẫn não trạng mà chưa đủ dũng cảm thoát ra và đang khá hèn để bảo vệ cái đúng. Phải nói thế này, người hoạt động chuyên nghiệp thì làm tới nơi tới trốn và biết tiết chế lúc nào phù hợp khả năng thì mới nhận làm.
Nhưng dân chuyên ở Việt Nam thì nghĩ là không làm đều thì không có thu nhập, mai một danh tiếng nếu không được nhắc tới. Vấn đề lại là nếu họ bị dùng quá nhiều, quá đều, tuổi thọ nghề nghiệp sẽ ngắn lại là cái chắc. Ai cũng nghĩ mình cần “làm cái gì đó thật chất lượng” nhưng phần đông hành động thì toàn ngược lại, chẳng tiết chế tần suất gì sất! Rock sẽ khởi sắc và rồi lại trở về điểm khởi động âu cũng còn là rõ sắc thái và không lờ nhờ, nó chỉ thực sự “ồn ào” vào cái lúc cần thiết để giải nhiệt âm nhạc là tốt rồi.
* Theo anh, đâu là hành trang quý nhất của các Rocker Việt?
Đam mê là thứ hành trang quý nhất. Hầu hết Rocker Việt Nam hiện nay đều chỉ chơi Rock để thoả mãn niềm đam mê của bản thân, họ đều không sống được bằng thu nhập từ tác phẩm của mình. Một số làm nhạc công cho các quán bar và tụ điểm nhạc trẻ. Còn lại ai cũng có một nghề khác: Kiến trúc sư, họa sĩ, kỹ sư công nghệ thông tin... và chơi nhạc Rock chỉ là “chuyện chơi”.
Vì vậy, ở bên ngoài sàn diễn, Rocker Việt Nam cũng chỉ là những thanh niên bình thường, có công việc, sự nghiệp riêng, và làm việc trong mọi lĩnh vực của xã hội. Họ không có lý do gì để lập dị, quái đản như một số người lầm tưởng.
Phương châm sống của các Rocker Việt Nam hầu như giống nhau: Chơi nhạc đến khi cuộc sống còn “cho phép”. Nhiều Rocker đàn anh bỏ dở “sự nghiệp chơi Rock” của mình để dành thời gian phải trang trải cuộc sống: Lập gia đình, chạy chọt miếng cơm manh áo hay cao hơn là lao vào kinh doanh, hoặc tạo dựng sự nghiệp ở lĩnh vực chuyên môn. Nhưng họ đều không tiếc nuối “sự nghiệp Rock” của mình, bởi niềm đam mê vẫn còn đó, và vẫn có thể tiếp tục nó khi có điều kiện. Nhìn chung, các Rocker Việt Nam vẫn còn rất xa lạ với nền công nghệ lăng xê, biểu diễn và chưa quan tâm đến lợi nhuận thu về từ nhạc Rock.
* Cảm ơn Trần Lập về những chia sẻ thú vị, chúc anh và nhóm nhạc Bức Tường gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!
Thu Hồng (thực hiện)