Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 tăng 10% so với năm 2014. Tuy nhiên trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt gần 134,6 tỷ USD, bằng 81,6% kế hoạch năm. Như vậy, để đạt được mục tiêu, bình quân 2 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu phải đạt gần 15,2 tỷ USD/tháng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh, để đạt được các mục tiêu xuất khẩu năm 2015, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thông tin thị trường cho doanh nghiệp.
PV: Thưa ông, tình hình kinh tế thế giới khó khăn đã tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước trong đó có hoạt động xuất – nhập khẩu. Ông có đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước ta trong 10 tháng năm 2015?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong 10 tháng qua, xuất khẩu của nước ta mới chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 8,5%. So với kết hoạch đặt ra cho cả năm nay là tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng 10% so với năm ngoái thì con số này chúng ta chưa đạt được, nhưng về tốc độ nhập siêu của chúng ta vẫn được kiểm soát tốt ở mức 3,1%.
Trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, giá dầu thế giới giảm sâu đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó là thị trường nông, lâm, thủy sản có giá thu mua đồng loạt giảm thấp, đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu của nước ta chỉ tăng 8,5%, mặc dù đã có sự tăng trưởng ở các nhóm ngành hàng khác.
Các nhóm hàng công nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại, máy tính… đều đạt tốc độ tăng trưởng bằng và cao hơn mục tiêu. Ví dụ như mặt hàng điện thoại xuất khẩu hơn 32 tỷ USD, dệt may có bước phát triển đạt kỳ vọng, dự kiến xuất khẩu 27-28 tỷ USD có thể đạt được…
Ngoài ra, một số mặt hàng khác da giày, túi xách vẫn có tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt như mặt hàng vali, ô dù, túi xách… là những mặt hàng từ chỗ không có tên tuổi nay đã vươn lên đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Như vậy, dù năm 2015 còn nhiều khó khăn về thị trường, giá cả, áp lực hội nhập nhưng trong 10 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt kết quả tích cực và có nhiều triển vọng ở những tháng cuối năm.
PV: Theo ông, những nguyên nhân nào đã dẫn đến việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu đối với một số nhóm hàng được coi là chủ lực của Việt Nam thời gian qua?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngoài những mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng tốt, từ đầu năm đến nay, một số ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như sản phẩm tôm, thủy sản… vẫn chịu tác động mạnh của thế giới với mức sụt giảm 9,7% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ quan, khách quan đều có, trong đó nguyên nhân khách quan là do thị trường thế giới liên tục giảm giá những mặt hàng này, áp lực cạnh tranh, thị trường do người mua quyết định, áp lực cung cầu, sản phẩm của Việt Nam chưa định hình thương hiệu, chấ lượng nên chịu nhiều thua thiệt trong xuất khẩu.
Một số ngành hàng khác cũng chưa đạt thuận lợi trong xuất khẩu đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng như sữa, bia… Tuy nhiên, trong thời gian tới, các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh sẽ phải tiếp tục được quan tâm và có cách tiếp cận thị trường bền vững hơn.
PV: Trước những thuận lợi cũng như khó khăn trong công tác xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch cụ thể gì nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đề ra đồng thời đảm bảo tính bền vững thưa ông?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian, chúng ta cần tập trung nỗ lực của toàn bộ hệ thống để khai thác tốt cơ hội thị trường. Đặc biệt cần triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 19, tạo ổn định vĩ mô, môi trường kinh doanh thông qua cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch.
Đối với những mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế như chế biến thực phẩm, hàng nông thủy sản… sẽ được dành sự ưu tiên lớn để đảm bảo đầu ra cho người nông dân, ổn định cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để bàn các giải pháp cụ thể nhằm phát triển thị trường thông qua công tác xúc tiến thương mại. Một yếu tố khác là xu thế ngày càng xuất hiện các vụ kiện trợ cấp bán phá giá, tự vệ thương mại liên quan đến nhiều mặt hàng, Bô Công Thương cùng với các doanh nghiệp cần phải tập trung giải quyết triệt để.
Có thể lấy ví dụ, đối với mặt hàng sắt thép, riêng Tôn Hoa Sen những năm qua xuất khẩu 300-400 triệu USD sản phẩm tôn lạnh sang các quốc gia Đông Nam Á, nhưng chính doanh nghiệp này hiện nay đang gặp phải mấy vụ kiện. Nhiệm vụ của Bộ Công Thương sẽ bằng các công cụ pháp lý cũng như các biện pháp trong quan hệ hợp tác để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tìm ra giải pháp.
PV: Xin cảm ơn ông!./.