Thủ tục THADS sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi người dân

Chiều qua, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi Nghị định 58/CP đã họp cho ý kiến vào dự thảo này.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/CP về thủ tục thi hành án dân sự (THADS) sẽ quy định rõ hơn quyền của người được THA, trách nhiệm của người nắm giữ thông tin, giảm tỷ lệ phải thi hành… giúp không những cơ quan THA mà doanh nghiệp, người dân thuận lợi hơn trong việc THA.

Chiều qua, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi Nghị định 58/CP đã họp cho ý kiến vào dự thảo nói trên.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính chủ trì cuộc họp
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính chủ trì cuộc họp

Thuận lợi hơn trong việc xác minh điều kiện THA

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh: dự thảo quy định rõ hơn về quyền của người được THA có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện THA và rõ hơn trách nhiệm của người yêu cầu cung cấp thông tin trong việc chứng minh mình là người được THA hoặc người được người được THA ủy quyền xác minh điều kiện THA.

Đồng thời, quy định trường hợp người được THA thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng hoặc thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì đơn yêu cầu THA không bắt buộc phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã xác minh điều kiện THA. Quy định như vậy tạo điều kiện cho những đối tượng “đặc biệt” này được THA thuận lợi nhất và thể hiện sự hỗ trợ lớn của Nhà nước với người yếu thế.

Đặc biệt, dự thảo quy định rõ hơn đối tượng và thời hạn mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các tổ chức tín dụng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải THA có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được THA hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được THA có yêu cầu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hay do trở ngại khách quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người được THA trong việc xác minh điều kiện THA.

Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban soạn thảo, đại diện Ngân hàng cho rằng họ chỉ cung cấp thông tin cho chấp hành viên mà không phải là cho người được THA.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đồng tình với ý kiến này và chỉ rõ: tổ chức tín dụng, công chứng chỉ cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật ngân hàng hay công chứng, mà không phải cung cấp thông tin cho người được THA hay người đại diện theo ủy quyền. Ngay như thừa phát lại có địa vị pháp lý ngang như chấp hành viên mà thực hiện công việc này còn khó.“Quy định như dự thảo là không ổn”, Thứ trưởng nói.

Bảo đảm quyền lợi cho người mua được tài sản đấu giá

Đây là quy định mới được bổ sung nhằm bảo đảm quyền lợi của người mua được tài sản đấu giá, người nhận tài sản để THA.

Theo đó, quy định cụ thể theo hướng cưỡng chế giao cho người trúng đấu giá mặc dù bản án, quyết định được thi hành bị đình chỉ THA, kháng nghị, sửa đổi hoặc huỷ thì cơ quan THA dân sự tiếp tục hoàn thiện thủ tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế THA để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp trình tự, thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật do có lỗi của người mua được tài sản bán đấu giá hoặc người phải THA, người được THA và người mua được tài sản bán đấu giá có thoả thuận khác.

Việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA thực hiện theo quy định về cưỡng chế THA dân sự buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản.

Quy định nói trên nhằm khắc phục tình trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều vụ sau khi đã bán đấu giá thành, người mua đã nộp tiền đầy đủ nhưng không nhận được tài sản do bản án bị kháng nghị hay sửa đổi, hủy...gây thiệt thòi cho người mua đấu giá cũng như ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.

Thu Hằng

Đọc thêm