Thủ tướng chỉ đạo: Nhập siêu năm 2010 không quá 20%

Tại công văn số 2600/TTg-KTTH, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu trong năm 2010.

Thủ tướng chỉ đạo: Nhập siêu năm 2010 không quá 20% ảnh 1
Dệt may - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Tại công văn số 2600/TTg-KTTH, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu trong năm 2010.

Theo đó, yêu cầu cơ bản là phải xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án xuất khẩu cụ thể đối với từng nhóm mặt hàng theo từng tháng, quý; phấn đấu đạt chỉ tiêu xuất khẩu của Quốc hội và kiểm soát để tỷ lệ nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010 tối đa không vượt quá 20%.

Thúc đẩy xuất khẩu biên mậu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại là những biện pháp cụ thể được Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện.

Thủ tướng lưu ý tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, cơ chế chính sách tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm chất lượng cao, tổ chức các kênh phân phối các mặt hàng thiết yếu.

Đầu quý I/2010, Bộ Công Thương phải trình Thủ tướng Chính phủ chính sách phát triển xuất khẩu cho năm 2010, quy chế xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để có thể ban hành vào quý II/2010.

Bộ Tài chính tiếp tục hướng dẫn thủ tục tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu, đồng thời chỉ đạo ngành hải quan thực hiện cải cách thủ tục để rút ngắn thời gian thông quan và thời gian quyết toán thuế, nhất là đối với nguyên liệu nhập khẩu sản xuất và gia công hàng hóa.

Để có thể triển khai đề án thí điểm "Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu" trong năm 2010, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải hoàn thành đề án này trong quý I.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đồng thời có biện pháp điều tiết việc cho vay nhập khẩu các lại mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm không thiết yếu.

Từ quý I/2010, Bộ Công Thương tiến hành quy định áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan hoặc giấy phép nhập khẩu để kiểm soát nhập khẩu các nhóm hàng gây hại cho người, môi trường và nguy cơ lây dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, quy trình thông quan đối với các nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu nhất là hàng nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh..

Trong trường hợp cần bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân và ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ từ hàng hóa nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương phải chủ động áp dụng biện pháp ngừng nhập khẩu các mặt hàng không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng theo đường biên mậu.

Thủ tướng cũng lưu ý hiện nay đang có tình trạng nhập trâu bò lậu qua các đường tiểu ngạch tại một số tỉnh có đường biên giới với nước bạn, nhất là các tỉnh biên giới phía Tây Nam. Có thời điểm, trâu bò nhập lậu lên tới hàng trăm con mỗi ngày. Hầu hết số trâu, bò nhập lậu chưa qua kiểm dịch, gây nguy cơ dịch bệnh rất lớn.

Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương được yêu cầu tổ chức nghiêm ngặt công tác kiểm dịch động thực vật nhập khẩu.

Một nhiệm vụ quan trọng khác đã được Thủ tướng nhấn mạnh là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định các nguyên tắc giám sát và chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng khuyến khích đầu tư chiều sâu tăng sản lượng và chất lượng xuất khẩu, hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất.

Theo VnMedia

Đọc thêm