Muốn cưỡng chế, phải xin ý kiến Trưởng ban Chỉ đạo THADS

(PLO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 135 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, sửa  tên gọi Nghị định 61 là Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Muốn cưỡng chế, phải xin ý kiến Trưởng ban Chỉ đạo THADS
Nghị định mới quy định chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.
Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin nếu có; chi phí cho người làm chứng, người tham gia (Nghị định 61 quy định đây là tiền bồi dưỡng - PV) hoặc chi phí khác nếu có.
Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại. Theo đó, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại là nhân viên Văn phòng Thừa phát lại giúp Thừa phát lại thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại ngoài việc phải có đủ các tiêu chuẩn (là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; không có tiền án; không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật) còn phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên. 
Về thẩm quyền, phạm vi tống đạt: Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của cơ quan THADS. 
Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của Tòa án, cơ quan THADS, Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác. Thừa phát lại có quyền thực hiện việc tống đạt các văn bản nêu trên của Tòa án và cơ quan THADS ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Riêng quy định về việc tống đạt, Nghị định 135 quy định, một cơ quan THADS hoặc một Tòa án chỉ được ký hợp đồng tống đạt với một Văn phòng Thừa phát lại. Một Văn phòng Thừa phát lại có quyền ký hợp đồng tống đạt với nhiều cơ quan THADS hoặc nhiều Tòa án trên địa bàn tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Đặc biệt, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần huy động lực lượng bảo vệ theo hướng đề cao vai trò của Ban Chỉ đạo THADS. Cụ thể, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng ban Chỉ đạo THADS cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo THADS, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục THADS kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục THADS xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án.
Nghị định 135/CP nói trên có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2013.