Thuận Thành (Bắc Ninh): Đánh thức tiềm năng phát phát triển du lịch văn hóa, tâm linh

(PLVN) - Thuận Thành (Bắc Ninh) được biết đến là vùng đất cổ của người Việt, là trung tâm Phật giáo của cả nước. Nơi đây còn có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa cùng với cơ sở hạ tầng thuận lợi dễ dàng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, tâm linh.
Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Dâu

Lợi thế phát triển du lịch văn hóa, tâm linh

Thuận Thành nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, ở phía nam tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 25 km về phía Đông. Huyện có lợi thế về tài nguyên du lịch nhân văn, vị trí địa lý, với hàng loạt di tích đền, đình, chùa nổi tiếng, nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Toàn huyện hiện nay có khoảng 126 điểm di tích. Trong đó có 75 di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận và xếp hạng, gồm 22 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 2 bảo vật quốc gia và 51 di tích cấp tỉnh.

Tiêu biểu có thể kể đến những di tích nổi tiếng như: Thành cổ Luy Lâu; Chùa Dâu – Tổ đình của Phật giáo Việt Nam (thế kỷ II – sau Công nguyên); Chùa Tổ - thờ Phật và Tổ Mẫu Man Nương sinh ra Tứ Pháp; Chùa Bút Tháp; Khu di tích Lăng mộ và Đền thờ Kinh Dương Vương… cùng nhiều lễ hội truyền thống gắn với các di tích lịch sử - văn hóa và tín ngưỡng. Bên cạnh đó, Thuận Thành đến nay vẫn giữ gìn được những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo như: Làng nghề truyền thống lâu đời tranh dân gian Đông Hồ (Song Hồ) và hát Trống quân (Ninh Xá) được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; múa rối nước thôn Đồng Ngư (Ngũ Thái); các lễ hội truyền thống như: Hội Á Lữ, Ngày giỗ thuỷ tổ dân tộc Việt Nam – Kinh Dương Vương, Hội Chùa Bút Tháp, Hội Chùa Dâu… Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện Thuận Thành phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh.

Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa của các di tích lịch sử văn hóa, Thuận Thành đã tập trung đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo. Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đều lên kế hoạch tu bổ các di tích, đảm bảo giữ nguyên vẹn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa vật thể cũng như phi vật thể.

Ông Nguyễn Đăng Quản - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Thành cho biết: “Để không lãng phí nguồn di sản văn hóa, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp như: Xây dựng website về du lịch; đưa hình ảnh các điểm di tích bằng công nghệ 3D giới thiệu trên trang thông tin điện tử huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thế mạnh, tiềm năng du lịch Thuận Thành. Nhằm tạo được điểm đến du lịch hấp dẫn, tin cậy của du khách, huyện có sự chỉ đạo sát sao trong công tác quản lý và phân công rõ trách nhiệm cho cơ quan văn hóa và địa phương nơi có di tích”.

Lễ hội Kinh Dương Vương tại Thuận Thành, Bắc Ninh

Với sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương và ý thức giữ gìn của người dân khu vực, cho đến nay các di tích luôn bảo đảm cảnh quan xanh-sạch-đẹp; có bảng giới thiệu giá trị văn hoá nghệ thuật của các di tích, bảng giá niêm yết công khai dịch vụ trông giữ xe; các biển báo chỉ dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến thăm quan… Tại các di tích quốc gia đặc biệt hoặc di tích lớn như: Chùa Dâu, Bút Tháp; Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương đều bố trí hướng dẫn viên của Ban Quản lý di tích tỉnh và huyện thường trực để đáp ứng nhu cầu giới thiệu di tích của du khách…

Chùa Dâu và hệ thống Tứ Pháp, Thành cổ Luy Lâu trở thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của Bắc Ninh

Chùa Dâu (thôn Khương Tự, xã Thanh Khương) là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam, không chỉ mang nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, điêu khắc mà còn là nơi khởi nguồn của đạo Phật ở nước ta. Nơi đây cũng là trung tâm thành cổ Luy Lâu có từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Chùa Dâu ngày nay là quần thể kiến trúc đã được tu sửa của thời Hậu Lê (vào thế kỷ XVII-XVIII). Các nhà nghiên cứu đã khẳng định chùa Dâu là “Tổ đình của Phật giáo Việt Nam” và được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Chùa Dâu là “Tổ đình của Phật giáo Việt Nam”

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia tại huyện Thuận Thành. Theo đó, huyện Thuận Thành sẽ tập trung xây dựng bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với quần thể Di tích quốc gia đặc biệt là chùa Dâu và hệ thống Tứ Pháp, Thành cổ Luy Lâu thành địa điểm giáo dục di sản. Qua đó, từng bước đưa Thuận Thành trở thành đô thị gắn với di sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, huyện Thuận Thành cũng định hướng đưa quần thể di tích này trở thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của tỉnh Bắc Ninh và vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch tại tỉnh Bắc Ninh và vùng phụ cận.

Du lịch Thuận Thành từng bước khôi phục hoạt động sau đại dịch

Trong hai năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Thuận Thành, Bắc Ninh nói riêng đều chịu tổn thất lớn. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bắc Ninh Bắc đã giảm 137 cơ sở kinh doanh du lịch, số lượng khách giảm đến gần 70%. Trước tình trạng này, Sở VHTTDL Bắc Ninh đã chủ động đề xuất một số cơ chế chính sách hỗ trợ ngành du lịch như: Đẩy mạnh tiêm vắcxin phòng, chống dịch COVID-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch; Kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; giảm các chi phí mà doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan Nhà nước. Tiếp tục hỗ trợ mức giá tiền điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất những năm tới...

Đồng thời, để phục hồi du lịch trong thời gian tới, huyện Thuận Thành tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường công tác quảng bá, triển khai chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Trước mắt sẽ tập trung vào kích cầu du lịch nội địa, phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng điểm đến, dịch vụ; phát triển các sản phẩm dịch vụ gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới, du lịch sinh thái làng quê Việt.

Khôi phục du lịch nội địa thích ứng với tình hình mới (Ảnh minh họa)

Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch của huyện Thuận Thành, Tổng cục Du lịch cũng cho rằng: Huyện có lợi thế về tài nguyên du lịch nhân văn, vị trí địa lý, cở sở hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch… Tuy nhiên, để phát triển du lịch Thuận Thành hiệu quả, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, huyện Thuận Thành cần quan tâm, chú trọng công tác phòng chống dịch COVID-19, xây dựng vùng xanh an toàn du lịch.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư khai thác du lịch tại các điểm tham quan tín ngưỡng nổi tiếng, liên kết với các địa điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là Hà Nội. Triển khai các giải pháp về xây dựng Du lịch thông minh nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phục hồi hoạt động sau những tác động xấu do dịch COVID-19 gây ra.

Có thể thấy, với tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, nơi tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, huyện Thuận Thành có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, trở thành điểm đến của du lịch văn hóa, tâm linh khu vực phía Bắc.

Đọc thêm