Hà Nội vào đêm mà không ngủ. Hà Nội lậm lụi bến xe, ga chợ. Hà Nội trầm tư ven hồ. Hà Nội bừng thức âm thanh bất chợt. Hãy thức cùng Hà Nội một lần đêm.
|
Ga Hà Nội. (Ảnh tư liệu) |
1. Thêm một chuyến tàu khuya nữa đến Hà Nội. Một cảm giác xa vắng. Tại ga Hà Nội, mỗi đêm có vài chục chuyến tàu đi và đến. Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội-Vinh, v.v... Ngoài cửa ga, hàng hàng xe máy chờ khách, dân Hà Nội gọi là “xe ga”. Đoàn xích lô len lén vòng ngoài. Taxi sang trọng châu đầu ngay giữa sân ga. Nhưng nhiều nhất vẫn là xe ôm. Khách ra cửa rào rào trăm lời mời chào, đón rước. “Bác lên xe em”, “Yên tâm đi, xe ngon mà”, “Bác về Khâm Thiên, hay Mơ”… rào rào đến phát hoảng. Người mang hàng lôi thôi thì chọn xích lô. Về đêm chẳng phải sợ công an huýt còi, nộp phạt. Tuy dềnh dàng một chút, nhưng yên tâm, mặc sức mà ngắm phố đêm. Thanh niên thì nhảy phóc lên xe ôm, chẳng vội mặc cả. Còn đôi nào có dáng dấp cậu mợ một chút thì vẫy taxi. Chỉ mươi phút sau, khách đã vãn, nhưng xe ôm thì vẫn còn ùn ùn chiếm lĩnh cửa ga. Tôi hỏi một người trung niên:
- Mấy giờ thì các anh về nghỉ?
- Cũng phải một hai giờ sáng. Gắng đón thêm vài chuyến khuya.
Trong số họ có người chuyên nghề xe ôm, nhưng cũng không ít người chỉ làm thêm. Trong lúc chờ đợi chuyến khách sau, họ yên ổn ngả người trên yên xe, làm một giấc ngủ tạm. Vậy mà cũng có cả tiếng ngáy ngon lành. Cuộc sống không thể đơn giản hơn thế. Tôi tiễn anh bạn phương Nam về tận Cà Mau. Còn chừng một giờ nữa tàu mới chuyển bánh. Hứa với anh một suất phở khuya, cái thú của người Nam ra Hà Nội, hai chúng tôi tìm con phố nhỏ Nam Ngư. Ở đây đã từng có quán phở Lâm nổi tiếng. Cũng đã khá khuya, nhưng trong ánh đèn sáng, tôi chợt thấy vài ba chị Tây, mấy cô cậu trẻ đang xì xụp. Người thì đã vơi, kẻ đang mới bắt đầu. Trong lúc chờ đợi, cái mùi phở như càng về đêm càng thêm quyến rũ. Lòng dạ cảm thấy bâng khuâng, không yên ổn.
- Quán này mở thâu đêm sao anh?
- Cũng không rõ, vì chưa bao giờ tôi thức đến thâu đêm. Nhưng vào cữ này thì khỏi lo. Trên mảng tường vôi cũ, tôi thấy mấy tờ báo tiếng Anh với tấm hình chụp minh họa hồi nảo hồi nào vẫn còn đó, tuy giấy má thì đã ngả vàng.
- Cũng là gà, sao thịt gà thả vào phở ngon hơn vào cháo, vào miến. Trong Nam tụi em không sành phở này.
- Phải là phở Lâm thì gà mới “dzậy”, còn phở X-xì nào đó thì chưa hẳn.
Anh bạn Cà Mau cười và hiểu, phở Lâm thuộc đẳng cấp đại gia trong làng phở gà Hà Nội, tiếng tăm vững bền xuyên suốt hai thế kỷ.
2. Người nước ngoài nào khi đặt chân đến Hà Nội cũng muốn biết phố cổ, hòa mình trong sinh hoạt phố cổ để khi trở về vương vất ít nhiều hương vị của phố. Khi trời đã dần dần tối, những chùm đèn bật sáng, Hàng Đào, Hàng Ngang lung linh như sắc kính vạn hoa. Màu xanh, hồng rực lên từ cửa hàng tơ lụa. Tiếng chuông đổ hồi từ cửa hàng đồng hồ Bảo Tín. Cũng tại đường ngang ngõ dọc này, một lần tôi tình cờ gặp vợ chồng người Âu. Họ từ Thụy Điển tới. Ông nói, vừa mới đến Hà Nội được một ngày, nghĩa là chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Vậy mà vợ chồng ông đã có mặt trên phố cổ này.
- Ông mua đồng hồ, hay một bộ đồ tằm tơ?
- Tôi không định mua gì, nhưng mua gì cũng được. Chỉ là để kỷ niệm một lần đến Hà Nội thôi.
- Ông biết đường đến khu phố này sao?
- Người Việt Nam ở nước tôi cũng nhiều rồi. Họ bảo rằng, chưa đến Hàng Ngang, Hàng Đào là coi như chưa biết Hà Nội. Hôm nay vợ chồng tôi coi như đã đến Hà Nội rồi đấy.
Hai người bạn Bắc Âu có nụ cười thật dễ mến. Tôi thú vị làm người hướng dẫn du lịch ngẫu nhiên cho ông bà Peter Person. Được biết ông bà làm việc trong hệ thống y tế tình nguyện. Ít hôm nữa họ sẽ đi Uông Bí, ở đó có bệnh viện do Thụy Điển tài trợ.
Từ Hàng Đường vắt qua Hàng Ngang, Hàng Đào vợ chồng ông bà Person đã có trong tay lỉnh kỉnh đủ thứ. Ông Phật Di-lặc bằng gỗ mít vàng óng, một chiếc mặt nạ chú tễu ngộ nghĩnh, một con ếch xanh, chỉ cần ấn nhẹ lưng là chú nhảy tưng tưng trên quãng đường đi bộ. Thứ trò chơi con trẻ này làm bà Person có vẻ khoái chí.
- Chú ếch mắt trố này thằng bé nhà tôi thích lắm đây. Có một lần xem phim Ấn Độ xong, nó hỏi, Việt Nam có ếch như Ấn Độ không hở mẹ? Tôi chỉ biết ngập ngừng. Nhưng bây giờ thì có thiệt rồi. Tối nay về tôi sẽ điện về Stokholm cho nó.
Cứ đi một đoạn bà Person lại ấn con ếch xuống mặt đường cho nó nhảy. Chúng tôi thư thái đi bên nhau trên con đường chỉ để cho người bộ hành vào buổi tối. Ngước nhìn phía trước, đã nhìn thấy thấp thoáng ánh đèn từ Bờ Hồ xanh dịu trông cứ ngỡ như sao sa mặt nước. Bà Person nói, giống như đêm Noel ở Thụy Điển. Ánh sáng huyền hoặc đủ màu sắc êm đềm phản chiếu lấp loáng từ các cửa hàng, cửa hiệu khiến bà có cảm giác đó chăng. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã đến được cuối con đường “Tơ lụa”. Trước mắt là ánh cầu vồng chiếu rọi hình cong cong chiếc cầu Thê Húc. Đúng như Phương Đình Nguyễn Văn Siêu kỳ vọng, khi xây dựng cụm kiến trúc ven hồ. Thê Húc, nghĩa là nơi hội tụ ánh hào quang. Tôi cố giải thích cho hai người khách Bắc Âu hiểu ý nghĩa của tên chiếc cầu sơn đỏ dập dờn dưới ánh trăng. Hai vợ chồng gật gật đầu, ra chiều hiểu, hiểu.
Trở về tôi tản bộ trên con đường Lý Thường Kiệt. Ban ngày thì hối hả, sôi sục là thế, nhưng đêm về, một cảm giác yên tĩnh đến se lòng. Qua đường Quang Trung, phảng phất ít nhiều hoa sữa. Chưa biết mùi hoa sữa mà hát về hoa sữa nồng nàn đến thế. Biết rồi, lòng dạ Hồng Đăng có rối bời hơn,… “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm…”. Giờ này có về nhà, e cũng khó ngủ, tôi ghé Huaman hotel trên đường Lý Thường Kiệt. Hẳn anh bạn của tôi còn phiên trực muộn. Hai chúng tôi bấm thang máy, lên tầng 20 tít tắp. Gió như tự ngàn phương thổi tới, lâng lâng như bay lên. Từ đây tôi dễ dàng nhận ra từng khóm phố. Nơi đèn xanh đèn hồng xen kẽ kia là hồ Hoàn Kiếm. Nơi lấp loáng trắng bạc như ánh sao sa, ấy là quanh mạn Hồ Tây. Và ngay bên nhịp cầu Long Biên nhấp nhô mờ tỏ hiện lên một chùm sáng, ngỡ như ánh đuốc hội làng, ấy là chợ Đầu Cầu. Vào giờ này chợ Long Biên như mới bắt đầu.
Một đêm cùng Hà Nội như được vây giữa ngàn ánh sao đang thức.
Như Nguyễn