Thúc đẩy đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư: Cần "cú hích"pháp luật

(PLO) - “Mô hình hợp tác công tư (PPP) đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhờ tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, về công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ các tập đoàn và công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, mô hình này đang cần một “cú hích” quan trọng, đó là hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ đảm bảo tính chất minh bạch cho hoạt động PPP”. 
Thúc đẩy đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư: Cần "cú hích"pháp luật
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch kiêm TGĐ AMD Group, một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn về quản lý và phát triển tổ chức chia sẻ với Pháp luật Việt Nam và khẳng định, khi hành lang pháp lý đầy đủ sẽ là “thời điểm vàng cho hợp tác công – tư.
PV: Thưa ông, mô hình PPP ở Việt Nam dường như vẫn còn là khái niệm mới mẻ, ông có thể chia sẻ gì về mô hình này dưới góc nhìn của một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong việc quản lý các dự án phát triển và có thế mạnh trong việc thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với các đối tác quốc tế trong các dự án đầu tư công và hợp tác công tư?
Ông Nguyễn Tiến Đức: PPP là hình thức đầu tư qua đó mà nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia dự án ký một hợp đồng đầu tư để phân chia lợi ích, rủi ro cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hay cung cấp các dịch vụ công. Lợi ích của mô hình PPP đã được ghi nhận ở nhiều nước phát triển và là xu hướng tất yếu của các nước trong đó có Việt Nam. 
Một đất nước đang đổi mới và hội nhập như chúng ta bên cạnh mô hình đầu tư công, mô hình hợp tác công- tư là xu thế tất yếu, nó góp phần thúc đẩy đầu tư công minh bạch và hiệu quả hơn. Thậm chí nó là 1 cú hích, 1 lực đẩy để đầu tư công bứt phá theo. PPP thu hút được nguồn lực từ khối tư nhân, gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực giữa tư nhân và nguồn lực công, tạo ra động cơ cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình. Hợp tác công – tư giảm được gánh nặng cũng như rủi ro đối với ngân sách.
Trong quá trình hợp tác với các đơn vị trong nước tôi nhận thấy rằng Chính phủ và các đơn vị như Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và đặc biệt là Bộ KH&ĐT đều đã nhìn ra lợi ích rất lớn của PPP. Bộ KH&ĐT đã thành lập văn phòng hợp tác công tư, Ngân hàng phát triển Châu Á cũng đang có dự án hỗ trợ Việt Nam trong mô hình PPP. Với sự hỗ trợ của ADB về vốn vay ưu đãi, chúng ta kỳ vọng sẽ xây dựng và hoàn thiện thể chế để PPP có hành lang pháp lý thực sự đủ cả về chế tài cũng như đảm bảo tính chất minh bạch trong quá trình thực hiện PPP. 
Chúng ta cần học tập kinh nghiệm của những nước đã đi trước, các nước đều có văn phòng PPP, thậm chí ở mỗi 1 tỉnh ngay từ khâu lập kế hoạch họ đã hoạch định là những dự án nào cần đưa vào danh mục kêu gọi vốn, những dự án nào cần phải được hỗ trợ đầu tư theo mô hình PPP, rất rõ ràng, các dự án PPP cũng phải đấu thầu một cách công khai, minh bạch.
PV: Chưa có một khảo sát về hiệu quả đầu tư theo mô hình PPP trong từng lĩnh vực cần PPP phải vậy không, thưa ông và dường như PPP mới chỉ hiện diện sơ khởi ở các dự án xã hội hoá mà do chính các doanh nghiệp là người đề xuất, chủ động?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Đúng là có tình trạng như vậy và thường là chỉ định thầu. Thực ra các quy định về đấu thầu ở nước ta còn nhiều bất cập, dễ xảy ra hiện tượng lách luật hay báo chí vẫn gọi là hiện tượng “thông thầu”. Thực ra đây là việc không thể tránh khỏi trong quá trình khởi tạo một mô hình mới, ta cứ hình dung giống như việc xây nhà lầu không thể tự nhiên từ bãi đất trống mà xây lên được cái nhà lầu mà phải có nền móng sau đó gây dựng, chỉnh sửa bồi đắp và xây dựng dần lên. Vì vậy, PPP phải được luật hóa, khi luật hóa nó rồi thì thực sự nó là 1 cái khi đó, một hành lang pháp lý mang tính chất đầy đủ tạo ra sự công bằng, tạo ra sự minh bạch trong quá trình triển khai dự án này. 
Quá trình hoàn thiện về thể chế sẽ là cơ sở quan trọng để hình thành và phát triển và bộ máy, thiết chế tổ chức cũng như đội ngũ cán bộ có năng lực, đủ tầm để hoạch định, lựa chọn, quản lý và vận hành mô hình cũng như vậy. Có thể nghiên cứu mô hình văn phòng PPP ở cấp tỉnh. Mô hình đấu thầu tập trung cần được tổ chức triển khai và những dự án cũng cần phải được đấu thầu chung để đảm bảo, tức là những đơn vị làm nhiệm vụ tổ chức đấu thầu phải có những người đủ năng lực để làm việc, phải nhìn được, đánh giá được hiệu quả của dự án. Phải trả lời được câu hỏi: bây giờ mà đầu tư công thì hiệu quả kinh tế là như thế nào, so sánh giữa sử dung đầu tư công và đầu tư theo hình thức kiểu PPP hiệu quả kinh tế khác nhau như thế nào, phải làm được rất tốt từ khâu kế hoạch thì tính khả thi của dự án mới cao.
PV: Và còn phải có phản biện trước khi các dự án này được thông qua nữa, PPP có làm chuyển biến được những lãng phí trong đầu tư mà mô hình đầu tư công đang gặp phải, đó là đầu tư tràn lan và thiếu phản biện, thiếu minh bạch, ông có nghĩ như vậy không?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Thực ra không phải hoàn toàn không có phản biện, việc đánh giá thực trạng rồi sau đó đưa ra các kịch bản và sau đó đề xuất lựa chọn kịch bản đều đã được thực hiện. Các dự án theo mô hình đầu tư công hay hợp tác công tư có sử dụng vốn vay của nước ngoài, họ đều yêu cầu chúng ta phải làm như thế. Ví dụ dự án thủy điện bao giờ cũng phải có cái báo cáo tiền khả thi, rồi báo cáo khả thi, làm rất kỹ, bao giờ cũng có các báo cáo đánh giá tác động,. 
Các dự án sử dụng vốn ngân sách, theo quy định của pháp luật của mình thì những quy trình trên đều phải làm, tuy nhiên trên thực tế cũng có nhưng ququá trình triển khai thì chưa được bài bản, chất lượng chưa cao. Nếu như đẩy được mô hình PPP thì đó là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh đầu tư công của chúng ta vừa rồi không hiệu quả. Ví như một số các dự án BOT trong giao thông, BOT là một mô hình rất văn minh và hiệu quả ở nhiều nước nhưng quá trình BOT như thế nào để thực sự văn minh trong bối cảnh ở nước ta hiện nay còn là một câu chuyện dài. Nói cách khác là mô hình chuẩn nhưng còn cần cách thức vận hành chuẩn. 
Điều này rất quan trọng. BOT ở nước ta thời gian qua đã giải quyết, đã đáp ứng được một số yêu cầu, điển hình là các dự án giao thông đã được đẩy nhanh, bộ mặt giao thông đã có sự thay đổi đáng kể. Thế nhưng tại sao sau một thời gian vận hành ta nhìn thấy BOT có những lỗ hổng? bởi vì thông thường các dự án đó doanh nghiệp họ đề xuất, khi họ đề xuất như thế thì họ luôn luôn tìm cách nào có lợi nhất cho họ, chẳng ai đề xuất những cái không mang lại cho mình cái lợi nhất . 
Cầu Bình Triệu (TP.HCM) là một trong những công trình mang dấu ấn công-tư. Ảnh: MH
 Cầu Bình Triệu (TP.HCM) là một trong những công trình mang dấu ấn công-tư. Ảnh: MH
Ví dụ như dự án đổi đất lấy hạ tầng để họ làm 1 con đường, doanh nghiệp sẽ chọn khu đất để đề nghị nhà nước giao, khi xây dựng xây dựng dự toán con đường để đổi thì đương nhiên họ xây dựng dự toán sẽ cao lên và giao quỹ đất được hưởng khi chưa có con đường thì để lấy dự toán sẽ thấp thì giá giảm xuống chính. Đây chính là nguyên nhân tạo ra lợi ích nhóm, tạo ra kẽ hở và từ cái đó xảy ra cái việc cạnh tranh không lành mạnh thay vì việc phải đấu thầu ở các nước thì doanh nghiệp Việt Nam đề xuất bây giờ tôi đi chạy dự án BT thì đúng hơn hay chạy dự án BOT. Cơ chế đấu thầu bây giờ thậm chí rất nhiều gói thầu to, lẽ ra phải đấu thầu tập trung chọn ra có năng lực thì bên dự án họ xé lẻ các gói thầu ra để dễ làm, dễ sinh dư địa. 
Nhiều địa phương tạo ra các “rào cản” trong đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo ý chí của họ chứ không xem xét đến hiệu quả dự án. Điển hình có chủ đầu tư đưa ra tiêu chí là nhà thầu phải đóng bảo hiểm tại địa phương! Hay phổ biến là họ công bố thông tin đấu thầu không đúng quy trình, luật quy định thông báo thầu tối thiểu trước 30 ngày nhưng họ chỉ thông báo trước 15 ngày khiến các nhà thầu không phải là nhà thầu địa phương, không phải “sân sau” rất khó hoàn thiện hồ sơ. Khi nhà thầu phát hiện ra, khiếu nại thì họ sửa sai, không phát hiện ra thì coi như là họ khép hồ sơ. Chuyện đó xảy ra rất nhiều ở các địa phương.
PV: BOT có kẽ hở và nhiều khiếm khuyết như vậy thì mô hình PPP có khắc phục được triệt để những bất cập đó không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Tôi không nghĩ BOT có nhiều khiếm khuyết, như tôi đã nói, bản thân BT hay BOT không có khuyết điểm, vấn đề nằm ở chỗ các quy trình thủ tục và cách thức vận hành trên thực tế. Không phải BT hay BOT có kẽ hở như thế thì chúng ta gạt bỏ BOT, vấn đề là cần khắc phục khi nhìn thấy khiếm khuyết. Bây giờ ta phải quay trở lại việc phải có hành lang pháp lý cho nó, phải được luật hóa cụ thể, phải có danh mục các dự án, dự án nào là dự án BT, dự án nào là BOT, dự án nào là PPP rồi công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có đủ khả năng để đảm bảo khi nhà thầu thực hiện dự án sẽ mang lại những hiệu quả, lợi ích gì cho xã hội nói chung và cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động việc ấy nói riêng. 
PV: Như vậy có nghĩa chúng ta cần sớm thúc đẩy việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho PPP ?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Đúng vậy. PPP được tổ chức thí điểm tại Việt Nam từ ngày 15/11/201, đến nay hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động PPP vẫn chỉ có: Quyết định 71/2010/QĐ- TTg ngày 09/11/2010 về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, Hợp đồng xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao. 
Tôi được biết từ năm 2013 Bộ KH&ĐT đã soạn thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư và tới nay dự thảo đã được góp ý, chỉnh sửa tương đối hoàn thiện để sớm có thể ban hành. Tôi cho rằng đây chính là khởi điểm tốt để hoàn thiện hành lang pháp lý cho mô hình PPP.
PV: Để hấp thụ vốn từ hình thức đầu tư theo mô hình PPP theo ông các địa phương và các doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì ngay ở thời điểm này?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Khi đã có hành lang pháp lý thì chúng ta cần phải có được bộ máy và con người. Bộ máy ở đây không phải là thành lập mới những bộ phận PPP và đội ngũ nhân sự làm PPP mới mà vẫn là con người hiện đang làm công việc cũ trong các dự án tương tự nhưng là BT hoặc BOT nhưng được tổ chức lại. Việc quy định rõ phân định trách nhiệm và quyền hạn của văn phòng PPP, của các cá nhân, tổ chức liên quan là cơ sở quan trọng để mô hình hoạt động hiệu quả, minh bạch. 
Tiếp đó là đội ngũ cán bộ cần được nâng cao. Thứ nhất về tổ chức con người, thứ hai là nhận thức cũng như về trình độ chuyên môn cũng cần phải được nâng cao cho họ để đủ khả năng làm việc đó. Còn với các doanh nghiệp, tôi nghĩ và thấy họ rất nhanh nhậy, pháp luật quy định như nào thì doanh nghiệp sẽ làm sao để thực hiện tốt nhất. Tuy nhiên doanh nghiệp có thể tìm cách tối đa hóa và phải "chơi luật chơi chung" trên sân chơi chung, đó cũng là quy luật tự nhiên của thị trường và thị trường sẽ điều chỉnh. Khi hoạt động đầu tư theo hình thức đấu thầu, công khai minh bạch, chọn để chia theo lực thì doanh nghiệp phải tự điều chỉnh để tham gia vào cuộc chơi.... 
Bên cạnh sự “vào cuộc” của địa phương và doanh nghiệp, tôi cho rằng PPP còn cần có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp và đồng thuận của các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Trên nền tảng mối quan hệ này Chính phủ có thể mở rộng phát triển nền kinh tế, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, bình đẳng và lớn mạnh, điều này phù hợp với xu thế chung của khu vực cũng như thế giới, phù hợp với cơ cấu phân bổ vốn của các nhà tài trợ quốc tế, nó giúp chúng ta hấp thụ vốn từ nước ngoài dễ dàng và minh bạch, uy tín hơn.
Xin cảm ơn ông!
 Hợp tác công tư PPP (Public – Private – Partnership) là mô hình khá mới ở nước ta. Theo khảo sát của TP Hồ Chí Minh, chỉ riêng khu vực phía Nam, hàng loạt dự án trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật, năng lượng đang chờ cơ chế của Nhà nước và nguồn vốn của tư nhân như dự án khu đô thị Thủ Thiêm; dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài, tỉnh lộ 10B và tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh); dự án cầu Kinh Thanh Đa (quận Bình Thạnh), cầu Rạch Tra (huyện Hóc Môn, Củ Chi)…

Đọc thêm