Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh, việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
|
Toàn cảnh Hội thảo. |
Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian qua, để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật, tập trung vào 3 định hướng lớn gồm: nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật liên quan.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe tin rằng Hội thảo sẽ góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam nói chung và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trong cộng đồng quốc tế.
|
Bà Ann Mawe - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho biết việc có Chương trình Hành động Quốc gia cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một bên tham gia có trách nhiệm trên thị trường toàn cầu, đồng thời chứng minh cho các quốc gia trong và ngoài khu vực về định hướng phát triển bền vững, toàn diện của mình.
|
Bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia ý kiến vào Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.