Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng

Hơn 80 năm qua, lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh rằng, cách mạng trước hết phải có Đảng lãnh đạo. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa, cứ có Đảng là cách mạng thành công. Điểm mấu chốt là “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”. Đảng vững có nhiều yếu tố, mà một trong số đó là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng.

Hơn 80 năm qua, lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh rằng, cách mạng trước hết phải có Đảng lãnh đạo. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa, cứ có Đảng là cách mạng thành công. Điểm mấu chốt là “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”. Đảng vững có nhiều yếu tố, mà một trong số đó là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng.

Lãnh đạo thành phố tại buổi tiếp dân tại Hòa Xuân sáng ngày 5-11-2009.

Cán bộ dám nói ra ý kiến, dám phê bình

Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện và phát huy dân chủ nội bộ, vì nếu không có dân chủ nội bộ, thì sẽ làm cho “nội bộ của Đảng âm u”.

Thế nào là dân chủ nội bộ? Tức là đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo phải làm sao để cho các đảng viên và cán bộ dám nói ý kiến của mình, dám phê bình.

Hồ Chí Minh tổng kết bài học kinh nghiệm cực kỳ quý giá: “Cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.5, tr.243-244). Người lãnh đạo phải hiểu thấu rằng, trong sinh hoạt Đảng, đảng viên không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản” (Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.280).

Nếu cách lãnh đạo không được dân chủ thì vô cùng tai hại. Cán bộ, đảng viên không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Cấp trên với cấp dưới cách biệt, quần chúng với Đảng xa rời nhau.

Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến là một cách thực hành dân chủ có hiệu quả. Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra thật thà dân chủ trong Đảng.

Mối quan hệ giữa dân chủ, sáng kiến và hăng hái

Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được nhiều.

Dân chủ trong Đảng có nhiều cách. Cấp trên nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Bác Hồ gọi cách làm này “giống như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không cần ai khuyên bảo, cũng tự vội vàng đi rửa mặt”. Tất nhiên phê bình phải sáng suốt, khôn khéo, nghiêm chỉnh, rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật, mục đích là giúp đồng chí mình sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, chứ không phải để công kích, làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng.

Trong những bài học lịch sử từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô có bài học về những vi phạm nguyên tắc thực hành dân chủ trong xây dựng Đảng. Cụ thể là: “Sinh hoạt dân chủ trong Đảng không thường xuyên, công tác giám sát trong Đảng không được thực hiện nghiêm chỉnh đã tạo điều kiện cho các hoạt động tiêu cực trong Đảng phát triển. Khi thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVIII, các ủy viên trong Bộ Chính trị chỉ có khen và khen. Stalin nói: Báo cáo các đồng chí thảo luận đã bị bỏ, báo cáo mới sửa các đồng chí còn chưa xem. Sau một lát lúng túng, Beria, con người rất giỏi nịnh bợ, nói: Bản thân báo cáo này đã quá hay, tin rằng sau khi được đồng chí Stalin sửa chữa báo cáo sẽ còn tuyệt vời hơn nữa(!). Hồi ấy, trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, mọi người hầu như không nói thật.

Trên đây chỉ là một thí dụ về thói nịnh bợ, nói vuốt đuôi. Đối với những đồng chí có ý kiến bất đồng trong Đảng, Stalin đã có lúc sai lầm khi áp dụng phương thức đấu tranh tàn khốc, đấu tranh thẳng thừng, mở rộng, thậm chí là mở rộng nghiêm trọng phạm vi đối tượng bị công kích. Bởi vậy rất khó có thể nghe tiếng nói khác trong Đảng và quyền giải thích chân lý luôn bị cá nhân”(*).

Thời gian qua, không ít tổ chức cơ sở Đảng ta cũng vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm những nguyên tắc về xây dựng Đảng. Không thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, hiện tượng không nói thật, xu nịnh a dua, kéo bè kéo cánh, trù dập những người nói thẳng, ghét người chính trực... Đây là những căn bệnh mà Hồ Chí Minh đã cảnh báo khi Đảng ta vừa trở thành Đảng cầm quyền. Nó là thứ vi trùng rất độc, trở lực của sự nghiệp xây dựng Đảng cầm quyền. Mặt khác, nếu không có dân chủ trong Đảng thì cũng không thể có dân chủ trong xã hội. Bởi vì dân chủ trong Đảng là định hướng cho việc xây dựng một chế độ dân chủ triệu lần dân chủ hơn chế độ tư bản chủ nghĩa.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển cương lĩnh 1991), khi nêu các đặc trưng của xã hội Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, Đảng ta đưa “dân chủ” lên trên “công bằng”, đó là một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” để nhấn mạnh dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Đây là sự phát triển trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng. Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Đảng ta cũng nhấn mạnh việc thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chống quan liêu, bè phái, cục bộ địa phương, độc đoán, vi phạm dân chủ, dân chủ hình thức.

Nhận thức được tầm quan trọng của thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng là hết sức cần thiết, nhưng điều có ý nghĩa quyết định là biến nhận thức đó thành hành động cụ thể. Hy vọng từ nay đến Đại hội XI của Đảng và sự nghiệp xây dựng Đảng trong công cuộc đổi mới, mỗi đảng viên và cán bộ thấm nhuần và làm đúng lời dạy của Bác về thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng.

PGS.TS Bùi Đình Phong

* (http://nhandan.org.vn, 8/17/2010)

Đọc thêm