Theo Luật Bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu được thực hiện từ ngày 1-1-2009. Như vậy, từ 1-1-2010, người lao động bị mất việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng. Tuy nhiên, quá trình triển khai loại hình bảo hiểm này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
|
Người lao động đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hải Phòng Ảnh: Minh Hải |
Chính sách mới về an sinh xã hội
Bảo hiểm tai nạn là chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội nhằm bảo đảm cuộc sống của người lao động khi bị mất việc làm. Sau hơn 2 năm triển khai, Hải Phòng có 2314 người được hưởng chính sách này với số tiền 4,1 tỷ đồng. Ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, người lao động còn được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm, cấp thẻ BHYT…
Để chính sách an sinh này đến được với các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động, Bảo hiểm Xã hội thành phố, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức 19 đợt tập huấn tại 14 quận, huyện và các đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, 2 cơ quan này xây dựng quy trình phối hợp thực hiện giải quyết và chi BHTN: Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bảo hiểm Xã hội thu và chi chế độ BHTN.
Bảo hiểm Xã hội thành phố chỉ đạo BHXH các quận, huyện thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN, thực hiện quy định về thủ tục, quy trình tham gia đóng, chi trả các chế độ BHTN theo quy định của pháp luật; cấp sổ BHXH cho người lao động tham gia BHTN, cấp thẻ BHYT khi người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; phối hợp với Sở Lao động- Thương binh Xã hội và các đơn vị liên quan giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện BHTN.
“Nhảy việc” để được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Sau những vướng mắc về chốt sổ BHXH; lý do chính đáng người lao động từ chối việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu trong thời gian đầu triển khai BHTN được giải quyết kịp thời, cơ quan BHXH tiếp tục gặp một số vướng mắc khác trong quá trình thu và chi BHTN cho người lao động.
Trong cuộc làm việc gần đây với Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, lãnh đạo BHXH thành phố phản ánh: các văn bản quy định về đối tượng tham gia BHTN đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa rõ ràng. Hiện các đơn vị gặp khó khăn trong việc phân biệt những người phải tham gia BHTN và không phải tham gia BHTN (ví dụ, các chức danh như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, kế toán trưởng, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp…). Một số đơn vị sự nghiệp như trường học, bệnh viện chưa tham gia BHTN năm 2009 do chưa được ngân sách cấp 1%. Các cán bộ, công chức thuộc các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước theo quy định là có hợp đồng làm việc nhưng đến nay hầu hết đơn vị chưa ký kết với người lao động nên việc thu BHTN và chuyển 1% ngân sách Nhà nước sang BHXH thành phố dây dưa, chậm trễ.
Mặt khác, sự tăng giảm lao động ở các doanh nghiệp rất lớn, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và ngành da giày, may mặc. Có một thực tế là người lao động làm đơn đề nghị chủ sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng chế độ thất nghiệp, sau đó lại làm đơn xin việc ở doanh nghiệp khác. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tăng lao động ở doanh nghiệp này nhưng giảm lao động ở doanh nghiệp khác, gây khó khăn trong công tác kiểm soát người đang hưởng trợ cấp BHTN, đồng thời làm tăng khối lượng công việc đối với cán bộ ngành bảo hiểm, trong khi biên chế của ngành chưa được bổ sung kịp thời.
Tính đến ngày 31-12-2010, Hải Phòng có 3078 đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp với 229.349 lao động. Tổng số tiền thu được từ bảo hiểm thất nghiệp là 104,2 tỷ đồng. |
Để tháo gỡ những vướng mắc này, thành phố sớm chỉ đạo việc ký hợp đồng làm việc giữa các đơn vị sự nghiệp Nhà nước với người lao động theo đúng quy định; duyệt dự toán bổ sung cấp 1% kinh phí BHTN (năm 2009, 2010) theo quy định, đưa chính sách BHTN vào cuộc sống, giảm khó khăn cho người lao động.
Thanh Thủy