Ông Hoàng Thanh Thụy - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng: Thực hiện dân chủ tốt hơn nữa
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh năm 1991 là hoàn toàn hợp lý, bởi thực tiễn của cách mạng nước ta 20 năm qua đã khác, có những vấn đề mới được phát hiện và tổng kết, nhận thức về con đường đi lên CNXH cũng có những thay đổi. Song, tinh thần nội dung của Cương lĩnh 1991 về cơ bản vẫn đúng đắn.
Không tách bạch dân - nước
|
Tuy nhiên, tôi cho rằng, xét cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn, không nên tách bạch “dân - nước” (dân giàu, nước mạnh), mà nên sửa lại là: Giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việc đặt dân chủ lên trước như thế là cần thiết. Cương lĩnh cũng đề cập: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Lênin đã nói rằng, trong CNXH, nếu không đặt dân chủ lên hàng đầu thì không thể gọi là CNXH. Song, mở rộng dân chủ thì cần có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên tất cả lĩnh vực của đời sống hằng ngày, chứ không nói suông, không hô hào suông.
Ở đặc trưng thứ tư: Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dùng từ “đậm đà” không phù hợp trong một văn kiện của Đảng. Nên sửa lại là: Có nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc (hoặc mang đậm bản sắc dân tộc).
Năng lực và tư cách của Đảng
Dự thảo Cương lĩnh 2011 đề cập đến việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, mở rộng dân chủ là đúng đắn và cần thiết. Lênin đã nói: Sự nghiệp xây dựng CNXH nhanh hay chậm, thành công đến đâu là do Đảng cầm quyền biết cách tập hợp hàng triệu triệu người đi theo con thuyền cách mạng của mình; đừng bao giờ nghĩ rằng trước đây ta đã chiến thắng đế quốc một cách vẻ vang thì sự nghiệp xây dựng CNXH sẽ không khó khăn. Thực tế, sự nghiệp này không hề đơn giản. Bởi thế, Đảng cầm quyền không nên nói quá nhiều về vai trò, quyền lực của mình, mà nên nói về năng lực và tư cách. Tôi cho rằng, vấn đề năng lực và tư cách của Đảng cầm quyền thật sự quan trọng và sâu sắc. Đảng phải trong sạch, có phẩm hạnh, để xứng đáng với niềm tin của nhân dân và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Một vấn đề quan trọng không kém trong xây dựng Đảng hiện nay là phải nâng tầm của Đảng ngang tầm trí tuệ của dân tộc trong thời đại mới để có thể lãnh đạo, dẫn dắt đất nước đi lên. Trong đó, vấn đề then chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ. Và điều cốt lõi hơn cả là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng ở tầm chiến lược, những người thực hiện Cương lĩnh, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam phải đầy đủ đức, tài. Không thể chấp nhận những đảng viên có chức, có quyền nhưng kém cỏi về phẩm chất và năng lực. Quá nhiều vụ việc tham nhũng xảy ra thời gian qua là nỗi đau không chỉ của Đảng mà còn là của cả xã hội, làm suy giảm tính chiến đấu của Đảng, suy giảm niềm tin của quần chúng vào Đảng.
Để làm được điều đó, Đảng cần nâng cao năng lực giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thay vì biến các tổ chức này thành công cụ đơn thuần nói theo, hô hào, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đương nhiên, đó là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các tổ chức này, nhưng nếu chỉ dừng lại như thế thì sẽ hạ thấp vai trò của Mặt trận và các đoàn thể. Bác Hồ đã nói: “Dân chủ, sáng kiến, thi đua, CNXH” và không có điều gì không nói với nhân dân được.
Tuy nhiên, quyền giám sát của nhân dân thực tế không được thực hiện trọn vẹn. Một số chủ trương, chính sách tác động trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân nhưng ở một số nơi, việc đưa ra lấy ý kiến chỉ là hình thức. Thực tiễn cho thấy, khi công cuộc xây dựng đất nước và CNXH càng đi vào chiều sâu thì tính dân chủ càng phải được thúc đẩy nhiều hơn, dân chủ phải đi đến hang cùng ngõ hẻm của nhân dân, nơi đâu có nhân dân thì nơi đó phải có ánh sáng của dân chủ, chứ không có vùng cấm.
TÚ PHƯƠNG (ghi)