Thực hiện quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng

 Ngày 1-9-2010, quy định xử phạt hành vi đốt đồ mã nơi công cộng, tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa và trong các lễ hội chính thức có hiệu lực. Hơn 4 tháng triển khai, nhiều bất cập nảy sinh.

Ngày 1-9-2010, quy định xử phạt hành vi đốt đồ mã nơi công cộng, tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa và trong các lễ hội chính thức có hiệu lực. Hơn 4 tháng triển khai, nhiều bất cập nảy sinh. “Khó xử phạt, biện pháp chủ yếu để hạn chế đốt đồ mã vẫn là tuyên truyền, vận động người dân…” là ý kiến chung của những người có trách nhiệm khi triển khai quy định này trong thực tiễn.

Khó xử phạt

Theo Nghị định 75/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng sẽ bị xử phạt tùy mức độ vi phạm. Khoản 3, điều 3 Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 75 nêu rõ: đồ mã là vật thể có hình người, hình động vật, nhà ở, tư liệu sản xuất, đồ dùng sinh hoạt của con người, hình khối vàng, bạc, đá quý.

Đốt đồ mã là sự biến tướng, lạm dụng tín ngưỡng, nảy sinh và phát triển khi đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Nhiều gia đình khá giả sẵn sàng bỏ ra tiền triệu mua đồ mã về đốt với quan niệm để tri ân người đã khuất. Như vậy, đốt đồ mã không chỉ là hoạt động mê tín dị đoan mà còn mang tính phô trương, lãng phí, không phù hợp với truyền thống, phong tục của dân tộc ta. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Nghị định này trong thực tiễn, các cơ quan chức năng gặp khá nhiều khó khăn.

Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) quận Ngô Quyền Vũ Thị Thu Hà cho biết, vì không có thẩm quyền xử phạt nên khi phát hiện vi phạm, phòng VHTT chỉ có thể tham mưu với UBND quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, đi kiểm tra, lập biên bản, đề nghị chủ tịch UBND quận ra quyết định xử phạt. Quy trình xử phạt trải qua quá nhiều công đoạn, thủ tục nên dù có “cây gậy” pháp lý, các cơ quan chức năng vẫn bó tay trước các vi phạm. Đến nay, trên địa bàn quận Ngô Quyền, tình trạng đốt đồ mã khá nhiều nhưng chưa có trường hợp vi phạm nào bị xử lý.  

Một bất cập nữa là đồ mã được đốt nhiều nhất trong các ngày dâng sao, giải hạn của các gia đình nên việc kiểm tra, phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn. Hiện, công tác quản lý việc đốt đồ mã được các điểm di tích, đền, chùa… triển khai hiệu quả; nhưng những vi phạm cá nhân vẫn là thách thức đối với các nhà quản lý. Cùng chung quan điểm, chị Trần Thị Hòa, Phó chánh thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các hoạt động đốt đồ mã của người dân gần như không xử phạt được vì hoạt động đó đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, “không thể nói cấm là cấm ngay được”.

Nhiều người mang đồ mã ra bờ hồ Tam Bạc đốt, gây mất mỹ quan đô thị.

Tuyên truyền, vận động phát huy tác dụng

Không thể xử phạt, biện pháp đang được các cơ quan chức năng áp dụng nhằm hạn chế tình trạng đốt đồ mã tràn lan là tuyên truyền, vận động nhân dân. Chị Hà cho biết, khi Tết ông Công, ông Táo đang đến gần, phòng VHTT quận tích cực tuyên truyền quy định cấm đốt đồ mã tới người dân qua hệ thống loa phát thanh của các phường trên địa bàn. Cuối tháng này, phòng sẽ tham mưu với UBND quận triển khai ký giao ước thi đua về vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong đó có việc hạn chế đốt đồ mã nơi công cộng. Cùng với đó, phòng VHTT quận xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn tới UBND các phường, Ban quản lý các di tích, các cơ sở thờ tự trong việc thực hiện quy định này.

Nhiều di tích lịch sử văn hóa, đền, chùa cũng tích cực tuyên truyền cho các đệ tử và nhân dân hiểu bản chất của tục đốt vàng mã. Hiện, nhiều chùa trên địa bàn thành phố không còn hiện tượng đốt đồ mã. Rõ ràng, khi người dân nhận thức được vấn đề, họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp. Tuyên truyền, vận động nhân dân vẫn là biện pháp cần được ưu tiên, quan tâm thực hiện để quy định đi vào thực tiễn. Trách nhiệm này cần sự vào cuộc của các đơn vị thuộc ngành văn hóa, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan tổ chức lễ hội và quản lý di tích lịch sử văn hóa./.

Điểm c khoản 1 điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ  500.000 đến 1 triệu đồng.

Đọc thêm