Thực hư việc uống nước lá tía tô giúp hạ sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, “nếu việc nấu nước lá tía tô, rau diếp cá làm cho bà con tinh thần yên tâm hơn, tốt hơn thì cứ làm, không gây tổn hại gì cả ” .
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)

Trước phản ánh về việc nhiều người cho rằng nấu nước lá tía tô hay rau diếp cá sẽ giảm sốt và hạ sốt trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, hiện nay chưa có khuyến cáo nào về việc nấu nước lá tía tô hay lá diếp cá để giảm hạ sốt trước và sau khi tiêm vaccine.

Tuy nhiên, ông Nhung cũng cho rằng, nếu việc này làm cho bà con yên tâm hơn, tinh thần tốt hơn thì cứ làm. "Uống lá tía tô để phòng phản ứng phụ tôi nghĩ cũng không gây tổn hại gì, không có vấn đề gì phải cấm", ông Nhung nói và nhấn mạnh. "Khoa học đã chứng minh việc vaccine là an toàn và nếu có xảy ra sốt, phản vệ quá mức bình thường thì được ứng cứu một cách kịp thời. Hiện nay bệnh viện Phổi Trung ương tiến hành tiêm gần 30.000 người nhưng chỉ có 9 đến 10 trường hợp phản vệ đều được cấp cứu nhanh chóng, kể cả những phản ứng muộn".

Tiêm trộn vaccine COVID-19 là an toàn

Bệnh viện phổi Trung ương là một trong những bệnh viện đầu tiên tiến hành tiêm trộn vaccine, có những người tiêm mũi 1 là AstraZeneca, mũi 2 là Pfizer.

Về vấn đề này, ông Nhung cho hay, Bộ Y tế cho biết việc tiêm trộn có thể được mặc dù chưa có bằng chứng hoàn toàn khách quan hay thử nghiệm lâm sàng lớn.

Ông Nhung thông tin thêm, tại một số nước phát triển cũng đã đăng những bài báo trên tạp chí có uy tín cho thấy tính an toàn, hiệu quả tiêm trộn vaccine có thể tương đương, thậm chí tốt hơn. "Tiêm như vậy cũng là cung cấp bằng chứng thực tiễn, chỉ có 2 yếu tố là có hiệu quả và an toàn hay không, thì trả lời là có an toàn", ông Nhung nói.

Cũng theo Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, toàn bộ số lượng người tiêm, hỗn hợp hay đơn lẻ tại bệnh viện hầu hết không có phản ứng nặng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kết quả ban đầu. Về mặt lý thuyết, đa dạng kháng nguyên có thể có những hiệu quả cao hơn nhưng việc này lại đòi hỏi những nghiên cứu khác.

Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, cần thấy hiệu quả việc tiêm vaccine là phòng được lây nhiễm virus hoặc có lây nhiễm thì không diễn biến nặng. Đây là điều cốt lõi chúng ta mong đợi.

Vì vậy, theo Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, tiếp cận được vaccine nào là chúng ta phải nhanh chóng tiếp cận, đừng so sánh cái này tốt cái kia không tốt. Chính phủ và Bộ Y tế đã và đang rất nỗ lực tiếp cận vaccine đã được phê duyệt.

"Cá nhân tôi luôn nói với người trong gia đình, đồng nghiệp và tất cả người dân, khi nước ta được tiếp cận, tiếp nhận được nhiều nguồn vaccine và ngày càng nhiều người dân được tiêm vaccine là may mắn", ông Nhung chia sẻ. "Hiện nay bệnh viện Phổi Trung ương cũng chưa tiêm được nhiều. Chưa có trường hợp nào tiêm xong phản ứng nặng phải cấp cứu, có 1 trường hợp là nhân viên của Bệnh viện biểu hiện chóng mặt, tăng huyết áp. Còn lại hoàn toàn an toàn”.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, điều quan trọng nhất của tiêm vaccine là phải khám sàng lọc. Khi tiêm phổ rộng trên phạm vi toàn quốc thì phải thực hiện quy trình hết sức nghiêm ngặt, tiêm tại những điểm đủ năng lực, 3 cụm xã sẽ có 1 tổ cấp cứu, xe cứu thương, điều dưỡng với đội ngũ tốt, nhanh nhẹn và đầy đủ kỹ năng để cấp cứu tại chỗ.

"Làm theo từng cụm 1 rất tốt, nếu dàn trải ra tất cả các xã thì đối với mô hình hiện nay chưa thể ứng cứu kịp thời được. Tuyến tỉnh cũng sẽ phải hỗ trợ. Đây chính là mặt kỹ thuật cũng như việc sử dụng nguồn lực sao cho an toàn nhất", ông Nhung nêu thêm.

Đọc thêm