Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Nguy cơ nhiều doanh nghiệp không đáp ứng quy định

(PLVN) - Theo Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã có hiệu lực từ  ngày 01/6/2019, doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ phải chứng minh được nguồn gốc gỗ là hợp pháp. Tuy nhiên, theo một khảo sát mới đây cho thấy hơn một nửa số DN được khảo sát có nguy cơ vi phạm các quy định này...
Hơn 60% số DN khảo sát không đáp ứng được yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ trong nước hợp pháp. Ảnh minh họa
Hơn 60% số DN khảo sát không đáp ứng được yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ trong nước hợp pháp. Ảnh minh họa

Khảo sát do Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD), Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) và Trung tâm Con người và Môi trường vùng Tây Nguyên (COPE) thực hiện với 93 DN và hộ gia đình sản xuất, chế biến gỗ tại 2 tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai, nơi có đa dạng các loại hình DN hoạt động trong ngành gỗ.

Doanh nghiệp “thờ ơ” với quy định

Kết quả khảo sát cho thấy 51% DN trả lời họ chưa bao giờ tham gia vào các sự kiện, hoạt động liên quan đến FLEGT/VPA. Đáng chú ý, hơn 60% số DN khảo sát không đáp ứng được yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ trong nước hợp pháp.

Việc tuân thủ các yêu cầu về kê khai và báo cáo kiểm soát chuỗi cung ứng cũng chưa được DN chú ý khi kết quả cho thấy chỉ có  67% số DN lưu trữ đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ, chủ yếu là các DN xuất khẩu.

Với những DN nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sau đó bán sang tay nên việc xác minh nguồn gốc rất khó. Trong số 90 DN được khảo sát, có 59 DN (66%) sử dụng gỗ nhập khẩu. Trong 59 DN này, có đến 40 DN (68%) không có chứng chỉ, chứng nhận gì đối với gỗ trong DN do họ không quan tâm hoặc do họ thấy không cần thiết phải có. Chỉ một nửa số DN này có bằng chứng truy xuất nguồn gốc gỗ nhập khẩu. Có 26% DN có hệ thống lưu trữ hồ sơ hoàn chỉnh về tất cả các hoạt động chế biến, sản xuất của DN.    

Đối với các bằng chứng về hoạt động chế biến, sản xuất của DN, chưa có nhiều DN chú tâm đến việc xây dựng hệ thống lưu trữ hồ sơ về tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đa số DN hiện tại mới lưu theo cách thụ động, chưa lưu trữ có hệ thống và rất khó để giải trình khi bị kiểm tra hoặc yêu cầu giải trình.  

Để thực hiện PVA/FLEGT, Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), trong đó, một cấu phần không thể tách rời của VNTLAS là Hệ thống phân loại DN (OCS) theo mức độ rủi ro về việc tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS. 

Tuy nhiên, chỉ có 22/90 DN đã biết về hệ thống VNTLAS. Căn cứ theo tiêu chí phân loại và tự đánh giá thì chỉ có 13/90 DN (14%) hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu của DN loại 1. Có 9 DN không đáp ứng được với các nguyên nhân như: Công việc và thị trường không ổn định, sản xuất tùy theo mùa vụ và theo đơn đặt hàng; khó kết nối và mở rộng thị trường để phát triển… 

Đáng ngại, một nửa số DN ở 2 địa phương thực hiện khảo sát lo ngại không đáp ứng được những yêu cầu đảm bảo tính hợp pháp của gỗ theo VPA/FLEGT. Và đã có 19 DN ở 2 tỉnh này từng bị xử lý hành chính (sẽ không được xếp loại I) do các vi phạm: thiếu sót một số giấy tờ và hồ sơ thủ tục, vi phạm về thời gian kê khai thuế, thiếu thủ tục hàng nhập khẩu, sai quy cách sản phẩm, giấy tờ không hợp lệ: hóa đơn, không giấy tờ… 

Tăng cường truyền thông

Theo bà Tô Kim Liên – Giám đốc CED, khi VNTLAS đi vào thực thi, toàn bộ 4.500 DN tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam hiện nay sẽ phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của pháp luật về gỗ hợp pháp dù là gỗ trong nước hay gỗ nhập khẩu.

Nhưng với nhiều DN, đặc biệt là với những DN nhỏ và siêu nhỏ đang rất khó khăn với việc tiếp cận thông tin nên việc đáp ứng tất cả các yêu cầu của pháp luật về gỗ hợp pháp sẽ là một thách thức.  

“Phần lớn DN gỗ Việt Nam đang thiếu các kênh liên lạc với khách hàng tại thị trường châu Âu, thậm chí nhiều DN không làm ăn trực tiếp với khách hàng châu Âu mà thông qua trung gian. Do đó, những yêu cầu về lâm nghiệp, về gỗ từ phía châu Âu không đến được DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ.

Điều này sẽ khiến DN gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện VPA/FLEGT. Do đó, vai trò của truyền thông đặc biệt quan trọng trong thời điểm Hiệp định bắt đầu đi vào thực thi hiện nay…” - bà Liên lưu ý.

Về phía các DN, nhiều DN cho biết họ phải tập trung vào việc sản xuất, tự thân DN không biết được lúc nào có quy định mới, hơn nữa đọc văn bản cũng khó hiểu được hết. Vì vậy, DN rất cần các cơ quan, các hiệp hội DN, các tổ chức xã hội… tạo điều kiện tham gia vào các lớp tập huấn.

Các lớp tập huấn này vừa cập nhật thông tin cho DN, vừa hướng dẫn DN thực hiện tuân thủ đúng,  nắm rõ các yêu cầu của pháp luật về nguồn gốc gỗ, để DN thực hiện tốt hơn, đẩy mạnh việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ra các thị trường trên thế giới. 

Kết quả khảo sát của 3 Trung tâm đều cho rằng cần tiếp tục tăng cường tập huấn cho các DN hiểu rõ hơn về VPA/FLEGT và dù Nghị định về VNTLAS chưa được ban hành cũng cần truyền thông trước, tập huấn trước để DN nắm được những yêu cầu cơ bản nhất mà DN cần thực hiện, cần đáp ứng, để khi VNTLAS chính thức vận hành, DN đã sẵn sàng tuân thủ. Đồng thời cần tăng cường việc hợp tác và trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan, các hiệp hội, các tổ chức xã hội nhằm mục đích cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả cho DN...

Đọc thêm