Thuế môi trường phải nhằm bảo vệ môi trường

Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, sau khi chỉnh sửa đã được trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII. Trong văn bản trình lần này, Dự án Luật quy định có 8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế là xăng, dầu, mỡ nhờn, than, dung dịch HCFC, túi ny-lông thuộc diện chịu thuế, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, sau khi chỉnh sửa đã được trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII. Trong văn bản trình lần này, Dự án Luật quy định có 8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế là xăng, dầu, mỡ nhờn, than, dung dịch HCFC, túi ny-lông thuộc diện chịu thuế, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước dân, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, trong đó nổi lên vấn đề liệu dự luật đã đủ cụ thể để tồn tại độc lập không phụ thuộc vào Nghị định hướng dẫn đi kèm chưa? Dự luật đã bao quát được hết các hoạt động tác động đến môi trường của các doanh nghiệp chưa? Dự luật đã đủ sức răn đe và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường chưa? Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh, Luật Thuế bảo vệ môi trường trước hết phải nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, không lấy việc tăng thu ngân sách làm mục đích hàng đầu.

Sau gần 30 năm phát triển theo hướng công nghiệp hóa, đến nay có thể nhận rõ môi trường bị ô nhiễm, tác hại to lớn như thế nào với đời sống con người và với chính sự phát triển của nền kinh tế. Nước thải, rác bẩn, khói bụi, tiếng ồn đã từng ngày làm tổn hại môi trường sống của 87 triệu con người; tài nguyên bị cạn kiệt; dịch bệnh tăng lên nhanh chóng; an sinh xã hội bị đe dọa; giống nòi thoái hóa. Tình trạng ô nhiễm môi trường chính là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu của tình trạng tăng trưởng không vững chắc, chất lượng thấp hiện nay.

Luật Môi trường, Luật Tài nguyên, Luật Khoáng sản và Pháp lệnh Thuế môi trường đang được nâng lên thành Luật Thuế  bảo vệ môi trường chính nhằm mục đích bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người dân, không phải trước hết là tăng thu ngân sách. Vì vậy, cần có điều khoản quy định việc sử dụng thuế môi trường như thế nào, theo nhiều người, đó là cần ưu tiên phân bố số thuế này cho những doanh nghiệp, địa phương làm tốt việc bảo vệ môi trường; cho các hoạt động ngăn chặn ô nhiễm, tái tạo môi trường đã bị hủy hoại.

Về sức bao quát của Luật Thuế bảo vệ môi trường, cần mở rộng hơn nữa diện phải nộp thuế, đưa các loại phí môi trường vào diện thuế, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới nước thải, rác thải, khói, bụi, tiếng ồn, ánh sáng. Ai cũng biết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, môi trường đô thị (nước thải, rác, bụi, tiếng ồn, mùi, ánh sáng…) rất nghiêm trọng nhưng những chế tài trong Luật chưa bao gồm hết. Bên cạnh các nguồn ô nhiễm nội sinh, Luật cũng chưa bao quát được các hoạt động gây ô nhiễm trong xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. Tình trạng nhiều trường hợp nhập rác, phủ tạng động vật, giấy bẩn không có chế tài xử lý gây bức xúc trong dư luận cũng có nguồn gốc từ đây.

Một vấn đề nữa là hiệu lực của Luật đến đâu? Do các chế tài xử phạt thiếu sức răn đe (mức phạt quá thấp) hoặc thiếu các quy định cụ thể, tình trạng lách luật, coi thường luật hiện khá phổ biến. Người dân hy vọng rằng với Luật Thuế bảo vệ môi trường đang được xây dựng sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu bảo vệ môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng ở nước ta.

Phạm Vũ

Đọc thêm