"Thủng túi" vì ăn chực nằm chờ khám chữa bệnh

Quá tải ở bệnh viện khiến bệnh nhân đợi chờ lâu, dẫn đến hệ quả là các chi phí gián tiếp phục vụ việc khám chữa bệnh phát sinh, "khoét" sâu thêm vào túi tiền vốn đã rất mỏng của người bệnh.

Quá tải ở bệnh viện khiến bệnh nhân đợi chờ lâu, dẫn đến hệ quả là các chi phí gián tiếp phục vụ việc khám chữa bệnh phát sinh, "khoét" sâu thêm vào túi tiền vốn đã rất mỏng của người bệnh.

Thống kê của liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam năm 2009 cho thấy chi phí thuốc men, khám và xét nghiệm chiếm 53% và chi phí quà biếu nhân viên y tế chiếm 9% tổng chi phí của một đợt khám. Ngoài ra, 38% chi phí khám chữa bệnh còn lại được gọi là chi phí gián tiếp và được "rót" vào những nhu cầu như: Đi lại, ăn uống, sinh hoạt...

Thuê phòng ngủ chờ khám với giá "chát"

Hiện nay, mỗi người đi viện thường kéo theo ít nhất 1 người nhà, thậm chí có gia đình có đến 2-3 người đi cùng để san sẻ công việc chăm sóc tại bệnh viện. Ngay cả khi bệnh nhân phải đợi khám thì người nhà vẫn cứ "khăn gói" đi theo ngay từ đầu. Vì thế, nơi ăn chốn ở là một vấn đề không nhỏ đối với gia đình các người bệnh.
Vì phải đợi chờ qua đêm, túi tiền eo hẹp nên bệnh nhân đến khám và người nhà  đành chấp nhận bạ đâu ngủ đó
Vì phải đợi chờ qua đêm, túi tiền eo hẹp nên bệnh nhân đến khám và người nhà đành chấp nhận bạ đâu ngủ đó

Trên địa bàn Hà Nội có bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai là có khu vực dành riêng cho người nhà bệnh nhân thuê với giá rẻ (10-15 ngàn đồng/đêm), thậm chí người nào nghèo quá bệnh viện sẽ miễn phí.

Nhưng không phải ai cũng thuê được những nơi như thế này vì nhu cầu quá đông mà khả năng đáp ứng quá hạn chế.

Bệnh nhân ung thư ngày càng tăng (năm 2000, tỉ lệ mắc chung của bệnh ung thư ở nam giới là 141/100.000 dân, năm 2010 đã lên đến 181/100.000 dân) nhưng các bệnh viện đủ khả năng phát hiện và điều trị ung thư gần như không có thêm. Vì thế, tại bệnh viện K, nơi toàn người nghèo nhưng mắc toàn bệnh hiểm nghèo, không khó khi bắt gặp những người từ các tỉnh xa xôi về ăn chực nằm chờ khám bệnh.

Bác Nguyễn Văn Minh, quê ở Nam Đàn, Nghệ An ra bệnh viện K để khám vì nghi ung thư phổi (bác Minh bị nghiện thuốc lá). Ngày đầu tiên chưa khám xong được vì bác Minh phải đợi từ sáng đến tối mới tới lượt. Sang tận ngày hôm sau bác Minh mới bắt đầu được xét nghiệm, sau đó lại tiếp tục là quãng thời gian chờ đợi.

"Đêm đầu tiên tôi không biết ngủ đâu. May rủi thế nào đúng lúc đang lo lắng lại gặp được một người đi khám như tôi, lại cùng quê. Ông ấy cũng đang cần thêm người để tiền thuê phòng giảm xuống", bác Minh kể lại.

Phòng bác Minh thuê nằm trong ngõ 103 phố Phủ Doãn. Phòng rộng khoảng 15m vuông. “Hai người như tôi cũng không chịu được giá này nên phải lôi kéo thêm 3 người nữa ở cùng. Cứ thấy ai nghèo nghèo khổ khổ tay xách nách mang là tôi hỏi có ở cùng không. Họ cũng mừng húm vì ra Hà Nội, không có nhà cửa, người quen thì sợ lắm” - bác nói.

Bác Tước quê Thái Bình, ở cùng phòng bác Minh vẫn chưa hết vẻ hốt hoảng khi kể lại: "Đêm trước tôi còn phải chịu mức giá thuê nhà trọ lên tới 80 ngàn/đêm. Đó là chưa kể ngày đầu lên viện lớ ngớ còn bị “cò” lừa mất 200 ngàn, chỉ để... dẫn đi tìm nhà!

Ở được 3 hôm, tiền thuê nhà đã lên tới mất 240 ngàn. Quay đi quay lại có khi chỉ khám xong thôi cũng đã mất cả một khoản không nhỏ, có khi lên tới cả triệu bạc. Thế này mà ở đây cả năm trời thì có khi phải về bán nhà ở quê để ra đây thuê trọ” - bác Tước vừa kể lại vừa rùng mình.

Còn với ai không có đủ khả năng thuê nhà thì chỉ còn cách ngủ tạm bợ ở hành lang, vỉa hè trong bệnh viện!

Ăn uống tạm bợ, vạ vật đợi chờ

Đi kèm với việc phải thuê nhà giá đắt chờ khám bệnh là các khoản sinh hoạt phí khác phát sinh như ăn uống, đi lại...Cứ từ 10h đến 11h trưa, trước khu vực cổng Bệnh viện K. phía đường Quán Sứ và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) lại xuất hiện 4 đến 5 hàng cơm di động, bán ngay tại khu vực vỉa hè mà khách hàng chủ yếu là những người thân đi kèm người nhà đến khám tại bệnh viện.

Đa số những người mua cơm đều là người dân từ các tỉnh lẻ, kể cả người đi khám bệnh. Mục tiêu lớn nhất khi ăn một bữa cơm của những người dân nghèo này là phải vừa no nhưng lại vừa rẻ nhất.
Mua cơm từ những người bán cơm rong ăn cho qua ngày
Mua cơm từ những người bán cơm rong ăn cho qua ngày
"Ăn trong các quán cơm gần bệnh viện đắt lắm, toàn 15 ngàn đồng/suất. Ăn ở đây, ai mà "sang" thì ăn suất 10 ngàn, không thi ăn suất 7 ngàn/bữa là đủ rồi", chị Hiền, quê ở Lý Nhân, Hà Nam đưa chồng đi khám ở bệnh viện K cho biết. Ngày nào chị Hiền cũng ăn một bữa cơm và một bữa bánh, nhường phần cho chồng. Mỗi bữa, chị đều bắt anh Thành - chồng mình - ăn suất cơm 10 ngàn với lý do "là bệnh nhân thì phải ăn ngon hơn". Anh Thành đã lên viện được 2 ngày nay, đang được xét nghiệm và đợi bác sỹ đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Chị Hiền cho biết có nhiều khả năng anh bị ung thư gan. Mỗi ngày trôi qua là chị Hiền tiêu mất khoảng 100 ngàn cho cả tiền ăn, tiền nước uống, tiền thuê phòng ngủ. "Nếu bệnh viện ngay gần nhà thì tôi đỡ bao nhiêu. Nhưng lên đây đông quá, vừa xa vừa phải chờ lâu, tốn kém lắm", chị than thở.
Những con số "ấn tượng" về tình trạng quá tải tại Bệnh viện Nhi Trung ương

(Số liệu tháng 11/2009, trong đề tài Xây dựng công cụ giám sát, ghi nhận ý kiến của cha mẹ và người chăm sóc trẻ ốm tại khoa Khám bệnh - BV Nhi TW của ThS YTCC Đỗ Mạnh Hùng):

- Tại khoa khám bệnh của bệnh viện Nhi Trung ương, hàng ngày có khoảng 1.500 đến 2.000 bệnh nhi đến khám bệnh, kèm theo khoảng 3.000 người nhà đi theo.

- Khảo sát 50 bậc cha mẹ đưa con đi khám tại bệnh viện Nhi TW thì có tới 46 người cho biết họ rất mong muốn có được những thuận lợi về các dịch vụ trong bệnh viện, đặc biệt là việc không phải chờ đợi lâu để lấy kết quả xét nghiệm, X-quang, siêu âm, ...

- Thời gian từ khi làm thủ tục đến khi được khám là 1h25 phút.

- Thời gian từ khi được chỉ định đến khi có được kết quả xét nghiệm là 4h15’.

Trong đó: Để được chỉ định xét nghiệm: mất 10 phút, từ lúc làm thủ tục xét nghiệm - đợi xét nghiệm - được xét nghiệm: mất 55 phút, đợi kết quả xét nghiệm mất 2h30’ (lâu nhất), Có kết quả rồi quay lại chờ gặp bác sỹ mất 40 phút.    
Theo Ngọc Anh
VietNamNet

Đọc thêm