[links()]Chín tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, chị cũng yêu thương và chăm sóc con như những người mẹ khác, nhưng rồi trong một phút cùng quẫn, bế tắc trước cuộc sống hôn nhân, chị đã uống thuốc ngủ tự tử. Trong trạng thái ngấm thuốc người mẹ sợ không ai lo cho con như mình nên đã gượng dậy rồi tự tay bóp cổ con gái để con được bên cạnh mình. Bi kịch thay, con chết còn mẹ được cứu sống, và phải đứng trước vành móng ngựa nhận án cho hành vi của một "ác mẫu".
Chị Linh luôn cúi gằm khuôn mặt nhòe lệ trong giờ nghị án |
Đứng trước vành móng ngựa, quá khứ một lần nữa ùa về đầy đớn đau và oan nghiệt, khiến nước mắt của người mẹ tội lỗi không ngừng tuôn rơi. Chẳng gì có thể bao biện cho những lỗi lầm mà chị đã gây ra với đứa con thơ dại. Chỉ có nước mắt quyện với sự ân hận, day dứt
Gái có công nhưng...
Để đến được cái đích hơn 10 năm làm chồng vợ, anh Nguyễn Trọng Trí (SN 1973) và chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1974, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) đã phải vượt qua biết bao khó khăn, rào cản. Từ một thanh niên nghiện hút, không nghề nghiệp, anh đã cai nghiện và tìm cho mình được công việc ổn định rồi xây dựng gia đình với người con gái anh yêu thương. Những tưởng hạnh phúc sẽ luôn bên cạnh hai con người ấy bởi tình yêu họ dành cho nhau quá lớn. Thế nhưng mấy ai biết được chữ ngờ.
Năm con trai lớn tròn 5 tuổi, chị phát hiện anh tiếp tục tái nghiện. Không những thế, người đàn ông mà chị hết lòng yêu thương còn có người tình.
Chị lựa lời khuyên can chồng “quay đầu là bờ” nhưng không được. Chị quyết định chia tay. Trong lúc chị thảo đơn ly hôn thì gia đình anh gặp biến cố lớn. Nhìn anh xất bất xang bang đi tìm người mẹ tâm thần đi lạc đến gầy sọp, chị thương chồng quá. Vậy là chị lại nén lòng mà giúp anh kiếm mẹ. Sau lần đó, dường như anh cảm nhận được tình cảm và sự hy sinh mà vợ dành cho mình nên hứa với chị sẽ bỏ ma túy và bồ bịch.
Để giữ chồng, chị quyết định sinh thêm một đứa con. Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì mâu thuẫn phát sinh. Số tiền lương hàng tháng anh vẫn đưa về trở nên ít ỏi với 4 miệng ăn. Nghĩ thương chồng vất vả nuôi vợ con, chị chẳng dám nói với anh lời nào mà tự mình xoay tiền chi tiêu, vay mượn chỗ này đắp đổi chỗ kia. Chị làm quần quật suốt ngày từ mờ sáng cho đến tối mịt để lo cho hai đứa nhỏ được đủ đầy. Vậy mà anh đâu hiểu cho chị.
Từ ngày bỏ “nàng tiên nâu” anh quay sang tìm rượu bia để quên đi sự cám dỗ chết người kia. Sau giờ làm anh lại cùng bạn bè bù khú và chỉ trở về nhà khi đã quắc cần câu. Mỗi lần say xỉn, về căn phòng nhỏ nơi có vợ và hai đứa con xinh đẹp anh lại thấy tù túng, ngột ngạt nên thường kiếm cớ mắng chửi chị.
Đã một mình chăm con, thiếu sự sẻ chia từ người trụ cột, giờ lại nghe anh chê bai, trách móc, chị thấy mình trở nên thừa thãi với cuộc sống của anh. Bế tắc trong tiền bạc, chán chường trong hôn nhân, chị trở nên trầm cảm . Mọi điều anh mắng mỏ đều được chị ghi nhớ rồi lấy đó làm lý do để dẫn đến quyết định nông nỗi sau này.
Giết con vì... thương
Ngày 3/6/2012, anh đi nhậu về và lại chửi mắng chị. Buồn bã, chị nảy sinh ý định tự tử nên viết một lá thư tuyệt mệnh để lại cho gia đình. Sau đó chị đến hiệu thuốc tây mua hai lọ thuốc trị bệnh cảm. Nhưng khi nhìn thấy hai đứa con thơ dại, chị tạm thời quên đi ý định của mình. Đến tối ngày 5/6/2012, anh Trí lại trở về nhà trong bộ dạng say xỉn. Nhìn thấy cha bước vào phòng, bé út đã khóc thét vì sợ. Chỉ có thế mà anh đã bảo: “Đi thì thôi, về thấy mặt là thấy phát chán”, chị tủi thân khóc. Nhìn thấy chồng thản nhiên nằm ngủ bỏ mặc vợ ôm con ngồi khóc, chị cảm thấy cái chết sẽ giải thoát cho chuỗi ngày mệt mỏi này.
"Bị cáo hối hận lắm. Đã nhiều lần bị cáo muốn được chết theo con nhưng rồi hình ảnh đứa con trai cầm tay bị cáo van nài “Mẹ ơi, mẹ đừng chết nữa mẹ!" đã khiến bị cáo từ bỏ ý định. Bị cáo nào muốn giết con mà chỉ nghĩ để con lại không ai chăm sóc thì tội cho bé quá. Dù có nói thế nào thì bị cáo cũng không thể bao biện cho hành vi của mình. Nhưng bản án mà luật pháp đưa ra dẫu bao nhiêu năm cũng không bằng bản án lương tâm sẽ dằn vặt bị cáo suốt cuộc đời.” – nước mắt giàn dụa, vừa nói bị cáo vừa khóc nấc. |
Sau khi cho con gái uống hai viên thuốc cảm để bé không thức dậy đòi mẹ, chị đặt con lên giường rồi uống hết 2 lọ thuốc đã mua. Với hơn 300 viên thuốc cảm và 2 vỉ thuốc an thần, chị nhanh chóng rơi vào trạng thái vô thức. Trong lúc lơ mơ, chị vẫn suy nghĩ về đứa con gái tội nghiệp của mình. Tình thương như bóp thắt ruột gan. “Liệu mình đi rồi có ai chăm con, lo cho con như mình hay không?” - chị thầm nghĩ. Như người mất hết lý trí, chị nhỏm dậy, ghì chặt chân con và đưa tay bóp cổ bé, với suy nghĩ sẽ có mẹ, có con ở bên kia thế giới.
Đến khi thấy con không cử động nữa thì chị mới buông tay nằm xuống bên cạnh mà không còn biết gì nữa. Gần nửa đêm, nghe tiếng vợ rên la, mê sảng, anh Trí mới tỉnh giấc chạy đến. Nhìn thấy vợ đang vật vã còn con gái tím tái, anh chỉ biết kêu cứu và cùng mọi người đưa cả hai đi cấp cứu. Tuy nhiên bé gái đã tử vong trước khi đến bệnh viện còn chị Linh thì may mắn được cứu sống.
Nước mắt chẳng xóa nhòa tội lỗi
Chỉ mới thấy thấp thoáng bóng người thân nơi cửa phòng xử, nước mắt chị đã ứa ra . Cảm giác đớn đau, tội lỗi với cô con gái tội nghiệp, với chồng con và gia đình vẫn luôn chèn chặt trái tim của người phụ nữ. Mỗi bước đi một giọt nước mắt lại rơi như hòng cuốn trôi hết những dằn vặt trong lòng người mẹ tội lỗi.
Tòa tuyên án 8 năm, chị Linh ôm mặt rời phòng xử |
Trả lời HĐXX, không một lời khai nào của chị không kèm theo tiếng nấc. Chị và chồng đã đến với nhau dù cho gia đình ra sức cấm cản. Và cũng chính vì thế cho nên dù có đến 5 chị em gái trong nhà mà chị vẫn không dám hé răng nửa lời tâm sự về những bế tắc mình đang gặp phải.
Bởi vậy hàng xóm láng giềng đến những người thân đều nghĩ vợ chồng anh chị hạnh phúc. Thế nhưng “sống trong chăn mới biết chăn có rận”. Đến khi những uất ức lên đến đỉnh điểm, chị chỉ biết chọn cái chết để giải thoát.
Tuy nhiên, việc chị viện lý do quá thương con để rồi sát hại đứa trẻ mới 30 tháng tuổi thì không thể nào tha thứ. Điều đau lòng là người mẹ còn sống nhưng đứa trẻ đã mãi mãi ra đi. Nghe những lời vị chủ tọa phân tích, người phụ nữ khóc nấc giãi bày nỗi lòng của mình:
“Bị cáo hối hận lắm. Đã nhiều lần bị cáo muốn được chết theo con nhưng rồi hình ảnh đứa con trai cầm tay bị cáo van nài “Mẹ ơi, mẹ đừng chết nữa mẹ!" đã khiến bị cáo từ bỏ ý định. Bị cáo nào muốn giết con mà chỉ nghĩ để con lại không ai chăm sóc thì tội cho bé quá. Dù có nói thế nào thì bị cáo cũng không thể bao biện cho hành vi của mình. Nhưng thưa HĐXX, bản án mà luật pháp đưa ra dẫu bao nhiêu năm cũng không bằng bản án lương tâm sẽ dằn vặt bị cáo suốt cuộc đời.” – nước mắt giàn dụa, vừa nói bị cáo vừa khóc nấc.
Sau lưng chị, đôi mắt của những người thân có mặt trong phòng xử cũng đỏ hoe, sụt sùi theo tâm sự của Linh.
Mặc dù rất đau khổ khi vợ là hung thủ, con là nạn nhân nhưng anh Trí thừa nhận những việc làm sai trái của mình trong hôn nhân đã đẩy bị cáo đến bờ vực tuyệt vọng. Anh đến tòa chỉ mong tòa xem xét cho vợ được hưởng mức án khoan hồng để sớm về cùng anh chăm sóc đứa con lớn, nghe thế chị Linh lại khóc.
Giờ nghị án, bị cáo đã trải lòng nỗi đau mà bao ngày qua chị vẫn ôm trọn. Chị chẳng nhớ mình đã làm những gì với cô con gái. Khi được cứu sống, nằm trong bệnh viện, chị cũng không hề hay biết con mình đã chết.
Ngay lúc tỉnh dậy, chị đã hỏi người thân về con gái của mình. Nghe mọi người bảo “bé đang được chăm sóc ở nơi khác”, chị đã thở phào nhẹ nhõm. Hơn một tuần nằm viện, chị vẫn đinh ninh con còn sống dù linh cảm của người mẹ lại cho chị một cảm giác bất an.
Đến lúc về nhà, biết được sự thật chị chẳng thiết sống. Lúc chị chỉ nghĩ đến cái chết thì cậu con trai lại đưa tay cầu xin chị hãy ở lại bên nó. Đến giờ phút này, chị xác định dù có phải nhận sự trừng phạt như thế nào đi nữa, chị cũng sẽ cố gắng chấp hành án rồi về chăm sóc con trai. Tuy nhiên bản án mà lương tâm dành cho chị sẽ là bản án suốt đời
Sau khi đã lên án, phê phán hành vi sai trái của người chồng trong cuộc sống, Hội đồng xét xử dù đã cân nhắc, lượng định cho bị cáo, nhưng vẫn phải tuyên mức án 8 năm tù về tội “Giết người” đối với Nguyễn Thị Mỹ Linh.
Hương Ngọc