Càng các bệnh viện tuyến dưới, tỷ lệ sử dụng kháng sinh càng cao

(PLO) - Thói quen tự chữa bệnh, mua kháng sinh tự do đã kéo theo nhiều hệ lụy, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Để khắc phục tình trạng mua kháng sinh dễ như mua rau mà không cần đơn đang phổ biến hiện nay, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại các nhà thuốc. Đồng thời, bán thuốc kháng sinh theo đơn sẽ được đưa vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt GPP (nhà thuốc đạt thực hành tốt).
Càng các bệnh viện  tuyến dưới, tỷ lệ sử dụng kháng sinh càng cao

30% trẻ nhập Viện Nhi  có vi khuẩn kháng thuốc

Việt Nam hiện là một trong những nước mua, bán kháng sinh dễ dàng nhất mà không cần đơn của bác sĩ. Kháng thuốc kháng sinh không chỉ nguy hiểm đến sức khỏe mà con tổn hại về kinh tế, vấn đề này đã được các chuyên gia, ngành Y tế thông tin từ cách đây vài năm để người dân nhận thức rõ hơn, sử dụng kháng sinh đúng cách, tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn còn thờ ơ hoặc chưa hiểu nhiều về vấn đề này. Trao đổi bên lề hội thảo sơ kết giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng sinh được Bộ Y tế tổ chức mới đây, lãnh đạo nhiều bệnh viện thừa nhận vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đang xuất hiện ở nhiều bệnh viện khiến cho việc điều trị gặp khó khăn. Ở các bệnh viện tuyến dưới tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao. Các bệnh viện thuộc các trường đại học, bộ, ngành có tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh thấp hơn. 

Đề cập đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ, PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: “Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Nhi T.Ư, có đến 30% trẻ có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Ngoài các lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn, nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố, bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Do vậy, đây cũng là nguyên nhân gây tình trạng kháng thuốc cho trẻ”.

Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 70% lượng thuốc kháng sinh tại Việt Nam được dùng trong nông nghiệp (thế giới là khoảng 60%). Thuốc kháng sinh trong nông nghiệp được sử dụng liên tục, không theo hướng dẫn, sử dụng cả chất cấm và chất khuyến cáo không nên sử dụng. Đây là tình trạng báo động về dư lượng kháng sinh phát hiện trong thịt và thủy sản, là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh cho con người.

Theo các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành sau gần 10 năm theo dõi kháng thuốc, hiện gia tăng tỷ lệ kháng thuốc, đặc biệt là xuất hiện tình trạng đa kháng thuốc của một số loại vi khuẩn, hậu quả của kháng thuốc sẽ dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ lại ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao. Chưa kể nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn. “Nếu không phòng chống kháng thuốc kháng sinh thì 10-20 năm nữa sẽ không còn loại kháng sinh nào phù hợp để nhận các vi sinh vật gây bệnh nữa. Rõ ràng hậu quả nếu không được dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu nữa, tỷ lệ tử vong sẽ gia tăng”, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khuyến cáo. 

Sẽ giám sát việc bán thuốc theo đơn bằng camera

Từ lâu, Bộ Y tế đã có quy định phải bán thuốc kháng sinh theo đơn, tuy nhiên theo các chuyên gia, việc giám sát, thực hiện còn bỏ ngỏ, chưa làm triệt để và điều đó là khó khăn của ngành Y tế trong việc giám sát. Thực tế hiện nay, mới chỉ có một số đơn vị bệnh viện tỉnh hoặc một số viện ở tuyến T.Ư có labo vi sinh lâm sàng có thể giúp bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý. Các bệnh viện tuyến dưới chưa đầu tư thiết bị thì rõ ràng việc sử dụng kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ, từ đó dẫn tới việc nhiều loại kháng sinh sử dụng chưa hợp lý. Đó là chưa kể trong cộng đồng với tâm lý ngại đến bệnh viện khám bệnh, cứ nghi ngờ sốt, nhiễm khuẩn là ra hiệu thuốc tự mua thuốc, thậm chí, chưa hỏi mua thì người bán đã tư vấn dùng thuốc kháng sinh… Điều này càng khiến việc lạm dụng kháng sinh gia tăng.

Trước câu hỏi đặt ra về việc còn tồn tại kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh trong điều trị, Bộ Y tế sẽ quản lý ra sao, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Các bệnh viện thực hiện kê đơn thuốc theo đúng chỉ định, quy định, quy chế kê đơn thuốc nội trú và ngoại trú do Bộ Y tế ban hành. Hàng tuần, Hội đồng dược, thuốc của mỗi bệnh viện đều xem xét bệnh án, đơn thuốc của bác sĩ kê cho bệnh nhân xem có hợp lý hay không. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng tiến hành củng cố hệ thống vi sinh, xem xét loại vi khuẩn và loại kháng sinh sử dụng đó có phù hợp hay không, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh trong bệnh viện, bảo đảm yếu tố vệ sinh và vô trùng. Với kê đơn ngoại trú, theo ông Khuê, tới đây, các quầy thuốc, nhà thuốc sẽ phải thực hiện quản lý mua bán, sử dụng thuốc qua hệ thống công nghệ thông tin để vừa bảo đảm bán thuốc khi có đơn vừa bảo đảm nguồn thuốc chất lượng để người tiêu dùng được sử dụng thuốc có chất lượng, không quá hạn, công khai, minh bạch về giá cả.

“Khi quản lý được việc bán thuốc theo đơn, cơ quan quản lý sẽ biết đơn thuốc đó được kê ở bệnh viện nào, thuốc gì để xem xét và xử lý theo Nghị định 176 Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thực hiện theo đề án vừa phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam phải đạt 100% bán thuốc kháng sinh có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc”, ông Khuê cho biết.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sắp tới giao Cục Quản lý Dược triển khai đề án mua và bán thuốc theo đơn. Cụ thể, áp tiêu chí bán thuốc theo đơn để đánh giá Nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, lắp hệ thống camera tại các Nhà thuốc để giám sát. Mục tiêu đề án phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Đọc thêm