Chữa bệnh ung thư bằng con đường ăn uống có đúng không?

(PLO) -Theo các bác sĩ Bệnh viện K, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư.


Chữa bệnh ung thư bằng con đường ăn uống có đúng không?

Trong thời gian gần đây, mạng xã hội Việt Nam và một số nước trên thế giới đều xôn xao về cách phòng tránh và chữa trị ung thư bằng phương pháp vô cùng đơn giản, đó chính là qua con đường ăn uống.

Nội dung của phương pháp này là "tế bào ung thư có tính axit, ăn thực phẩm có tính kiềm sẽ cô lập tế bào ung thư", và cho rằng nếu không ăn thịt, đường bột mà chỉ uống bổ sung các loại nước có tính kiềm như nước xay bằng rau, các loại củ như: carrot, củ cải, củ dền, cam, táo... thì tế bào ung thư sẽ tự chết mà không cần sự can thiệp của y học hiện đại.

Những nội dung trên được trích ra từ cuốn sách bán chạy "The pH Miracle: Balance Your Diet, Reclaim Your Health" của tác giả Robert O Young.

Cuốn sách tạm dịnh là “Phép màu pH: Cân bằng chế độ ăn, lấy lại sức khỏe” xuất bản năm 2002, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, những người theo phong trào kiềm hóa cơ thể cho rằng chỉ cần thay đổi những hoạt động hàng ngày, tư tưởng, ăn 100% thực phẩm tạo kiềm, nếu PH = 8,5, tế bào ung thư sẽ chết.

Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu hay khuyến cáo nào cho thấy sử dụng các phương pháp nêu trên có tác dụng điều trị ung thư.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K 

Cũng theo ông Thuần, vấn đề dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh có đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật, đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…

Người bệnh có thể lựa chọn chế độ ăn chay: ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc song phải đảm bảo đó là chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Vì nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt.

 

Với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn.

Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân của mình, GS Nguyễn Bá Đức - nguyên GĐ bệnh viện K Trung ương cho biết:  có nhiều người bệnh suy nghĩ rằng phải nhịn ăn để cho tế bào ung thư không phát triển, việc bỏ đói tế bào ung thư thậm chí còn làm cơ thể chúng ta suy kiệt, không đủ thể trạng đáp ứng trong quá trình điều trị. Một số người bệnh ung thư được khuyên không nên ăn đạm, chỉ được ăn gạo lứt, muối vừng. Căn bệnh hành hạ chúng ta về tinh thần, nếu bây giờ chúng ta nhịn ăn nữa thì sụp đổ cả về mặt sức khoẻ. Người bệnh sẽ chết vì bị suy nhược trước khi chết vì bệnh.

GS Nguyễn Bá Đức - nguyên GĐ bệnh viện K
GS Nguyễn Bá Đức - nguyên GĐ bệnh viện K 

“Trước tiên phải nói là chế độ ăn cho người người bệnh, có một số bệnh người ta quy định phải có chế độ ăn riêng để tránh làm cho bệnh nặng thêm hoặc ảnh hưởng đến việc điều trị. Ví dụ bệnh thận, viêm cầu thận thì phải kiêng ăn mặn vì ăn mặn giữ nước, làm thận bị phù. Tuy nhiên, không có chế độ kiêng đối với người ung thư. Có một số người bị ung thư đồng thời cũng bị một số bệnh khác thì nếu có phải kiêng thì là kiêng cho bệnh đó. Vì vậy, tôi khẳng định quan niệm nhịn ăn để cho tế bào ung thư không phát triển hoàn toàn sai lầm, không có căn cứ khoa học” – GS Đức nói.

Bản thân bệnh ung thư không phải kiêng bất cứ thực phẩm nào, ngược lại người bệnh phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức khoẻ để điều trị theo các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hay hoá trị.

Còn đối với bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hương - Bệnh viện K Trung ương nói rằng, nhiều bệnh nhân đã kiêng quá nhiều, quá mức làm cho chế độ ăn của bệnh nhân thiếu chất, căng thẳng, mất nhiều công sức chuẩn bị và lo lắng về bữa ăn.

bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hương - Bệnh viện K Trung ương
bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hương - Bệnh viện K Trung ương 

Nên tuân theo nguyên tắc: Tùy người, tùy bệnh, tùy lúc, thực hiện biện chứng để áp dụng cách ăn uống thì mới có lợi cho việc phục hồi sức khỏe và kéo dài thời gian sống của người bệnh.

Cần phải hiểu về những món, những lúc kiêng tuyệt đối và những món nên giảm nên kiêng nhưng nếu thèm thì cũng có thể ăn chút chút. Đừng biến chuyện ăn của người bệnh ung thư trở thành áp lực.

Bác sĩ Hương cũng chia sẻ thêm về chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư:

1. Ung thư không phải là một bệnh mà là tập hợp hơn 200 loại ung thư, mỗi loại lại có hàng chục phân nhóm, liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh khác nhau. Vì thế, không có một món ăn nào, một kiểu ăn nào được cho là thủ phạm gây ung thư. Vì thế cũng không nhất thiết sợ ăn, động ăn là sợ bị ung thư. Hãy ăn những món ăn tươi, sạch, phù hợp sở thích, phù hợp kinh tế của gia đình.

2. Không có một chế độ ăn hoàn hảo nào thiết kế cho tất cả bệnh nhân ung thư. Cơ bản bệnh nhân ung thư ăn uống càng gần với mọi người trong gia đình càng tốt. Không phải nhất thiết có chế độ ăn quá riêng biệt.

3. Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thành công của điều trị.

4. Không cần thiết phải ăn uống quá cầu kỳ, đặc biệt – gây tốn kém, mệt mỏi, căng thẳng cho mỗi bữa ăn.

5. Không nhất thiết bữa nào cũng phải bổ dưỡng, nhiều, ngon. Thỉnh thoảng chấp nhận cơ thể đói, ăn những món tưởng như không có giá trị nhưng ngon miệng cũng được.

6. Dinh dưỡng chưa bao giờ được coi là một phương pháp điều trị ung thư. Vì vậy, người bệnh cần tham gia điều trị bài bản bởi những phương pháp hiệu quả đã được khoa học thừa nhận./.

Đọc thêm