Hai bài thuốc “cứu nguy” cho bệnh nhân viêm âm đạo và tắc tia sữa

(PLO) - Lương y – Bác sĩ Phạm Thị Thanh Bình (SN 1954, ngụ số 32, ngách 6/6 phố Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, cựu giảng viên trường Trung cấp y học Tuệ Tĩnh, hiện công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam) chia sẻ bài thuốc chữa bệnh đới hạ (viêm âm đạo) và tắc tia sữa ở phụ nữ mới sinh.
 
Hai bài thuốc “cứu nguy” cho bệnh nhân viêm âm đạo và tắc tia sữa
Bài thuốc chữa bệnh đới hạ 
Theo Đông y, bệnh đới hạ là bệnh phụ nữ mà trong âm đạo có tiết ra một chất dịch nhờn có thể màu trắng, vàng hoặc xanh; còn Tây y thường gọi là viêm âm đạo. Đây là bệnh mà hầu như phụ nữ nào cũng sẽ mắc phải một lần trong đời, tuy bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và nặng hơn có thể gây vô sinh.
Căn cứ vào màu sắc, người ta có thể chia làm 5 loại khí hư như: Bạch đới (nước màu trắng); hoàng đới (nước vàng, dính, có mùi hôi); xích đới (nước màu đỏ nhợt, dính và đặc), thanh đới (nước màu xanh hơi xanh, dính) và hắc đới là dạng nước có màu đen. Với phụ nữ trong thời kỳ mang thai ra nhiều khí hư là trạng thái sinh lý bình thường, nếu thấy khí hư nhiều liên tục cần tìm đến bác sĩ khám. 
Ngoài ra, trẻ em tuổi dậy thì ở trước và sau kì kinh ra nhiều khí hư màu trắng là do sinh lý, nhưng nếu khí hư chuyển sang màu vàng dấu hiệu bị viêm nhiễm thì cần đi khám. 
Nguyên nhân của bệnh đới hạ do tỳ hư hoặc thấp nhiệt. Tỳ hư là do bệnh nhân ăn uống không điều độ ảnh hưởng đến tỳ vị, tỳ dương suy yếu, công năng vận hóa của tỳ bị tổn thương, chất của tỳ không đưa lên để sinh huyết, ngược lại làm thấp khí mà làm giảm xuống. Thông thường khí hư dạng này có màu trắng như nước mũi hoặc nước bọt, không có mùi hôi, loại này không phải dạng viêm nhiễm. 
Một số vị trong bài thuốc chữa bệnh đới hạ.
 Một số vị trong bài thuốc chữa bệnh đới hạ.
Bài thuốc chữa chứng tỳ hư bao gồm: Đẳng sâm (12g); Bạch truật (16g); Hoài sơn còn gọi là củ mài (16g), Sa tiền tử (12g); Thương truật (12g), Trần bì (12g); Sài hồ (12g); Bạch thược (12g); Cam thảo (6g) và hoa kinh giới sao cháy (12g). Lưu ý hoa kinh giới sao thành màu đen nhưng phải giữ nguyên hoa, không tán thành dạng bột. Tác dụng của bài thuốc này theo bác sĩ Bình là bổ tỳ, bổ khí, trừ thấp.
Tất cả các vị thuốc trên tạo thành một thang thuốc hoàn chỉnh. Cho thuốc vào nồi đổ 3 bát nước đun cạn còn 1 bát thuốc, lần 2 đun 3 bát nước cô được 1 bát thuốc, lần 3 tương tự. Bệnh nhân nên đun được bát thuốc nào thì để nguội uống luôn, nên uống thuốc trước bữa ăn khoảng 1 tiếng, ngày uống 3 lần. Bệnh nhân nên ăn trứng gà, thịt lợn, thịt gà bổ sung chất dinh dưỡng, hạn chế thức ăn có chất tanh.
Bài thuốc chữa dạng khác của bệnh “khó nói”
Ngoài ra, bệnh nhân ra nhiều khí hư còn do nguyên nhân thấp (ẩm) tà xâm nhập vào, đọng lại thành nhiệt, hoặc uất kết ở mạch đới, lấn tỳ mà hãm xuống thành chứng hoàng đới. Lúc này khí hư màu vàng, có thể kèm theo huyết, chất đặc dính có mùi hôi tanh. 
Để chữa chứng này, có bài thuốc bao gồm các vị: Hoàng bá (12g); Nhân trần (12g); Bạch linh (12g); Trư linh (12g); Chi tử (hạt dành dành) (10g); Đan bì (8g); Xa tiền tử (hạt cây mã đề) (12g); Trạch tảo (12g); Xích thược (10g); Ngưu tất (12g).  
Tất cả những vị thuốc trên kết hợp thành một thang hoàn chỉnh. Khi đun những loại thuốc có hạt như Chi tử và Xa tiền tử, bệnh nhân dùng miếng vải thô buộc lại để khi uống không phải lọc lại nhiều lần. 
Cho toàn bộ thang thuốc vào nồi đổ 3 bát nước đun còn 1 bát thuốc, lần 2 đun 3 bát nước cô cạn còn 1 bát thuốc, lần 3 tương tự. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần trước khi ăn khoảng 1 tiếng. 
Với bài thuốc thấp nhiệt này, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên ăn đồ mát như hoa quả, mùng tơi, rau đay, mướp; hạn chế những thức ăn cay nóng như ớt, cà phê, hạt tiêu…
Để chữa bệnh đới hạ, ngoài việc uống thuốc bệnh nhân nên kết hợp với rửa âm đạo. Chọn khoảng 15 lá trầu rửa sạch đun sôi rồi cho vài nhánh tỏi đập dập vào. Đun sôi khoảng 5 phút rồi bắc ra, để nước này nguội rồi rửa vùng âm đạo. Việc phát hiện và chữa bệnh đới hạ kịp thời rất quan trọng bởi nếu để lâu nó ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh nguyệt, thai sản và cuộc sống sinh hoạt của người phụ nữ. 
Vì vậy, để phòng bệnh đới hạ cần giữ vệ sinh vùng âm đạo sạch sẽ, ngày rửa khoảng 2 lần; có chế độ ăn uống hợp lý không bỏ bữa, đúng giờ; sử dụng nguồn nước sạch; sinh hoạt tình dục điều độ, không thấy điểm bất thường nhưng một năm nên đi kiểm tra phụ khoa toàn diện một lần. Ở độ tuổi dậy thì hoặc tiền mãn kinh ra khí hư nhiều bệnh nhân cần đi khám bác sĩ. 
Bài thuốc chữa tắc tia sữa
Theo bác sĩ Bình, sau khi sinh, sản phụ dùng kháng sinh nhiều nên thường bị viêm tuyến vú, tắc tia sữa. Triệu chứng thường gặp là sản phụ vú sưng, nóng đỏ, đau, thậm chí có cục, kèm theo sốt, tia sữa bị tắc, vắt không ra sữa. Tắc tia sữa nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến áp xe vú rất nguy hiểm. 
Nguyên nhân gây tắc tia sữa theo Đông y là do thấp nhiệt, can phong làm cho kinh lạc bị trì trệ, huyết dịch lưu thoát không tốt gây ứ đọng làm cho nhũ phong bị cương tụ, tuyến sữa ách tắc, gây đau đớn, người mẹ không ăn uống, không ngủ được, đặc biệt thiếu sữa cho em bé.
Lương y - Bác sĩ Bình và bài thuốc chữa bệnh đới hạ.
 Lương y - Bác sĩ Bình và bài thuốc chữa bệnh đới hạ.
Để chữa tắc tia sữa sản phụ dùng bài thuốc đắp tại chỗ với 100g bồ công anh tươi cộng với một nhúm muối giã nát đắp vào vú. Nếu không có bồ công anh, sản phụ có thể thay bằng lá dâm bụt trắng giã nát đắp vào vú. Sản phụ phải thường xuyên dùng hai tay day vú khoảng 5 phút và vắt đến khi sữa thành tia là được, tăng cường cho con bú. 
Ngoài ra, sản phụ kết hợp với bài thuốc gồm: Bồ công anh (20g); Kim ngân hoa (12g); Ké đầu ngựa (12g); Sinh địa (12g); Sinh địa(12g); Xuyên khung (10g); Cát cánh (12g); Quy vũ (12g); Cam thảo (6g); Gai bồ kết (12g); Mộc thông (12g); Liên kiều (12g).
Số thuốc trên, bệnh nhân cho vào nồi đổ 3 bát nước đun cạn còn 1 bát, hai lần sau đun tương tự. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống trước khi ăn 1 tiếng. Nếu uống thuốc bị đi ngoài thì sản phụ cho 3 lát gừng đun cùng. Để đề phòng bị tắc tia sữa, sản phụ cần cho con bú càng sớm càng tốt sau khi sinh; dùng khăn sạch nhúng nước ấm để lau sạch đầu vú; khi cho bé bú xong sản phụ cần lau sạch vú và vắt hết sữa thừa./.
Sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống làm thuốc Đông y, bố bà Bình là lương y Phạm Bá Quát nổi tiếng tại Hà Nội. Gia đình có 8 anh chị em nhưng chỉ có anh trai cả và bà Bình là bộc lộ đam mê nghề thuốc từ nhỏ. Sau những lần được bố chỉ dẫn cách chữa bệnh, bốc thuốc bà đều ghi chép lại cẩn thận.
Lớn lên, đam mê nghề y bà thi trường Đại học Y Hà Nội rồi về dạy ở trường Trung cấp y học cổ truyền Tuệ Tĩnh 7 năm. Theo học Tây y nhưng có thời gian rảnh là bà Bình lại đọc sách Đông y vì sợ “quên” nghề gia truyền. Sau này bà học 6 tháng chuyên về phụ khoa, rồi chuyển về Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội năm 1985.
Với bà Bình, việc kế thừa nghề thuốc gia truyền nhưng cũng cần có chọn lọc để phù hợp với từng loại bệnh, thể trạng bệnh nhân. Hiện nay đã 61 tuổi nhưng bà Bình vẫn luôn tìm tòi học hỏi kiến thức thông qua những cuốn sách y học

Đọc thêm