Những chuyện hoang đường về loài cây chữa vô sinh?

(PLO) -Khắp các bản Mường từ Đà Bắc (Hòa Bình) đến các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi…có một loài cây mang cái tên hết sức đặc biệt  khiến người nghe vừa tò mò, vừa sợ hãi: cây máu người. Xung quanh loài cây có tên đặc biệt và thú vị này là những chuyện hoang đường, kỳ quặc, thậm chí ma quái…
Vỏ cây máu người (huyết đằng) khi phơi khô dùng làm thuốc trong Đông y
Vỏ cây máu người (huyết đằng) khi phơi khô dùng làm thuốc trong Đông y

Loài cây có tên kỳ lạ

Anh Bùi Văn Khê (lái xe ôm tại thị trấn Cao Phong) kể cho chúng tôi hay: “Ngày xưa, tôi lớn lên có nghe về loài cây này. Khi chặt rễ cây hay thân cây là có nhựa đỏ tươi như màu máu của mình chảy ra khiến ai mà mới gặp loài cây này lần đầu chắc chắn không khỏi khiếp vía.

Tôi nghe các bà mế người Mường kể lại rằng, ngày xưa, có một người con gái vì nhớ thương chồng ra trận không trở về đã chờ chồng, khóc cạn nước mắt. Khi biết tin chồng chết trận đã khóc cả ra máu rồi hóa thành cây cứ vươn dài bám vào cây khác sống vươn lên cao mãi để ngóng tin chồng trở về. Truyền thuyết là thế nhưng tôi chỉ nghe lại như vậy.

Sau này, khi đi rừng, có lần ngã vào một bụi cây, vì đem theo dao đi rừng, tôi thấy áo mình thấm đẫm máu đỏ. Tôi hoảng quá, nghĩ mình chắc ngã bị dao đâm vào rồi nhưng kỳ lạ là lại không thấy đau. Sờ khắp mình thì tôi thấy đúng là màu máu thật nhưng không có vết thương. Sau một hồi suy xét thì phát hiện con dao của mình đâm vào một thân cây, từ chỗ đâm này đã chảy ra màu đỏ tươi như máu mình. Hoảng quá, tôi chạy thục mạng về nhà. Từ đó mới biết là cây máu người”.

Tìm đến nhà chị Bùi Thị Hiến (xóm Trang Trong, xã Tây Phong) để hỏi về loài cây này vì chị đã từng đi rừng tìm cây máu người về bán.

Chị Hiến cho biết: “Suốt mấy ngày đi rừng chỉ ăn cơm nắm và muối lạc, chúng tôi tìm thấy khá nhiều xạ đen (loại thuốc chữa bệnh ung thư đã được công bố rộng rãi – PV) và nấm linh chi. Đến ngày thứ ba thì cả đoàn người dừng lại trước một cây cổ thụ có một cây leo quấn quanh từ gốc tới ngọn.

Cây ấy sau này chúng tôi mới biết là cây máu người. Gốc và thân cây nó to bằng bắp đùi người trưởng thành là ít nhưng hình dáng nó dẹt chứ không tròn. Dây nó leo lên tận ngọn cây xà cừ cổ thụ nên muốn lấy được toàn bộ thì phải chặt cây xà cừ mới lấy được”. 

Cây máu người khi còn non và bắt đầu sinh trưởng
Cây máu người khi còn non và bắt đầu sinh trưởng

Trong khi đó, chúng tôi tiếp tục được nghe những câu chuyện đồn thổi xung quanh loài cây có tên kỳ lạ này ở Đà Bắc.

Theo đó, mọi người khu vực giáp ranh giữa hai huyện Đà Bắc (Hòa Bình) và Thanh Sơn (Phú Thọ) lại kể rằng, từ xa xưa có loài cây ma quái chuyên hại người đi rừng nên nhựa của nó đỏ tươi như màu máu. Ai mà không để ý hay đi một mình vào rừng, khi xâm phạm khu vực đất thiêng mà loài cây này sinh trưởng sẽ bị nó dùng cành xiết đến chết.

Thậm chí, có lời đồn còn cho rằng, loài cây này được dùng làm dược liệu nhưng nếu phụ nữ đang mang thai những tháng đầu nếu dùng sẽ bị thần cây máu người đòi mất đứa con (sẩy thai)….Những chuyện ma quái và mê muội như vậy được mọi người truyền tai nhau gây hoang mang mỗi khi có người định cắt thuốc dưỡng thai từ các cơ sở khám chữa bệnh bằng thuốc đông y có vị thuốc này trong đó.

Thang thuốc gia truyền có cây máu người chữa bệnh vô sinh

Mong muốn hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện, chúng tôi tìm đến nhà lương y Võ Anh Quang (SN 1974, trú tại tổ 12, phường Tân Hòa, TP.Hòa Bình), vốn là cháu ngoại của cụ lang Quỳnh, một trong những thầy thuốc Đông y có tiếng của tỉnh Hòa Bình để biết về cây máu người.

Tiếp chúng tôi niềm nở, lương y Quang cho biết: “Đã từ rất lâu, từ khi bà ngoại tôi còn sống đi hái thuốc gặp các thầy lang, bà Mế người Mường đã nghe về tên loài cây này là cây máu người nhưng thực chất tên gọi đó là do trực hình mà thôi.

Bà con hay cả các thầy thuốc địa phương gọi tên cây theo những gì mình nhìn thấy và quan sát được, còn thực chất nó là một loài cây đặc trưng của họ đậu, còn có tên gọi khác là cây huyết đằng”. 

Lương y Quang cho rằng, tên là máu người vì màu sắc đỏ tươi của nó như màu máu nhưng sẫm và không hề bị cứng lại như nhựa của nhiều loài cây khác.

“Huyết là máu, đằng là dây leo, cây máu người thực chất là một loại cây có tên trong Đông y, có tác dụng bổ máu, chữa đau xương, đau mình mẩy, chấn thương tụ máu, thông kinh và rất tốt cho các sản phụ trước và sau khi sinh.

Ngoài ra, cây này có trong các thang thuốc giúp người mệt mỏi vì thiếu máu sẽ điều hòa được cơ thể và làm tan các triệu chứng do bệnh thiếu máu gây ra. Nhiều năm làm nghề bốc thuốc Đông y, tôi chưa bao giờ nghe những câu chuyện thất thiệt do cây máu người gây ra cả. Những lời đồn thổi là ác ý và hoàn toàn không có cơ sở”.

Khi trao đổi về các thang thuốc chữa bệnh của gia đình qua nhiều đời nay liên quan tới cây máu người, lương y Quang cho hay: “Về nguyên bản, cây máu người hay huyết đằng là thành phần không thể thiếu trong thang thuốc gia truyền của gia đình tôi chữa bệnh vô sinh đã bao năm qua.

Bên cạnh các loại thuốc khác như nhân trần, ích mẫu, lục chạc, máu chó…thì huyết đằng giữ vai trò quan trọng, là vị thuốc có ý nghĩa lớn trong việc chữa bệnh vô sinh”.

Theo đó, một toa thuốc gồm nhiều thang uống liên tục trong vòng 3 tháng đối với các trường hợp vô sinh do kích thước trứng của người phụ nữ không đạt sẽ có tác dụng giúp trứng đạt kích thước theo quy định là 22 – 23mm để thụ thai.

Cần nghiên cứu về loài cây đặc biệt

Tiếp tục tìm hiểu về cây máu người, chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Đinh Thị Phiển (Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hòa Bình, Giám đốc Công ty y dược học Hòa Bình).

Bà Phiển cho hay: “Tôi đã nghe nhiều về loài cây này và đúng là nó có tên khác là cây huyết đằng. Hiện nay vườn thuốc của chúng tôi có trồng một ít cây máu người nhưng tuổi đời còn non và đang trong quá trình phát triển. Nếu ai muốn đặt mua chắc chắn phải đặt hàng từ trước và phải đợi tương đối lâu mới có được.

Trong khi đó, ở ngoài chợ hay thậm chí các chợ lâm, nông sản có người bán nhưng thường là hàng nhái và không phải cây máu người. Họ đánh lừa những ai cả tin và chưa bao giờ nhìn thấy thực sự cây máu người như thế nào mà thôi”.

Bà Phiển cho biết thêm, sắp tới Hội Đông y tỉnh Hòa Bình sẽ họp để triển khai đề tài nghiên cứu về loài cây thuốc dân gian này. Đồng thời, Hội sẽ kiến nghị cây máu người chính là cây huyết đằng nhưng là cách gọi dân gian của đồng bào Mường tại Hòa Bình.

Bà Đinh Thị Phiển trò chuyện với phóng viên
Bà Đinh Thị Phiển trò chuyện với phóng viên

Theo cách lý giải của bà Phiển, nếu đề tài này được triển khai, cây huyết đằng mà khoa học nhắc đến ở Hòa Bình chỉ có thể là cây máu người chứ không phải là cây máu chó hay các loại cây có tính chất tương tự (nhựa đỏ, có tác dụng bổ máu).

Như vậy, xuất phát từ một loại dược liệu quý nay bị con người khai thác bừa bãi mà trở nên khan hiếm, cây máu người hay còn gọi là huyết đằng thực chất có tác dụng rất tốt trong khai thác dược liệu chữa bệnh của Đông y.

Những câu chuyện hoang đường, không có thực hoặc do tâm lý của những người thấy hiện tượng lạ (chảy nhựa như máu) nên đã thêu dệt thành những chuyện không đâu đã được lý giải.

Hy vọng sau câu chuyện này, bà con nhân dân hoàn toàn có thể tin tưởng dùng thuốc Đông y trong việc chữa bệnh mà không sợ bất kỳ thông tin thất thiệt nào liên quan đến cây máu người nữa.

Đọc thêm