Tay không nghiên cứu công trình y học cứu hàng ngàn bệnh nhân

(PLO) - GS.TS.BS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai khiêm tốn nói:  “Chúng tôi làm đề tài chỉ muốn giúp người bệnh, mong muốn kĩ thuật được ứng dụng rộng rãi hơn, chứ không nghĩ tới chuyện nhận giải thưởng”.
GS Bình theo dõi một bệnh nhân sau khi được lọc máu liên tục đã tạm ổn định.
GS Bình theo dõi một bệnh nhân sau khi được lọc máu liên tục đã tạm ổn định.

Công trình y học “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” do ông và các cộng sự thực hiện là công trình duy nhất trong lĩnh vực y, dược vừa đạt Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2016.

Không tài liệu, không máy móc, không kinh phí

Hiện kĩ thuật lọc máu đã trở thành kĩ thuật phổ thông hiện đang được ứng dụng rộng rãi tại tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc. Nhưng ít ai biết rằng công trình này được thai nghén, hoàn thành chỉ hơn 10 năm trong hoàn cảnh như lời GS Bình nói “tay không bắt giặc” với “ba không”: Không tài liệu, không máy móc và không kinh phí.

GS Bình cho biết, trước đây khi điều trị các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn hay suy thận, suy đa tạng thì y học chủ yếu ứng dụng kĩ thuật thận nhân tạo (dùng máy móc lọc thay thế thận). Quả thận như máy lọc của cơ thể đào thải các độc tố ra ngoài, khi chiếc máy này này gặp “trục trặc” dẫn đến các bệnh lý phát sinh.

Từ những năm 1980 - 1990, người ta nhận thấy có sự liên quan giữa tác nhân gây bệnh và phản ứng cơ thể. Đồng thời các bác sĩ tìm ra quy luật mất cân bằng giữa quá trình viêm và chống viêm trong cơ thể khi mắc bệnh. Các tế bào trong cơ thể có thể bị chết một cách nhanh chóng hoặc hoại tử. Trong khi đó y học chỉ can thiệp điều trị các bệnh lý khi có triệu chứng rõ rệt. 

Sau những thành công bước đầu, GS Bình làm báo cáo chi tiết gửi cấp trên. Năm 2008 Bộ Y tế đã ban hành phác đồ lọc máu áp dụng điều trị nhiều bệnh lý trên cả nước, đưa vào danh mục BHYT chi trả. Cũng từ năm này, GS Bình và đồng nghiệp bắt đầu thực hiện đề tài cấp Nhà nước nhằm chứng minh tính hiệu quả công trình trên quy mô toàn quốc. Đề tài nhen nhóm từ năm 2002, năm 2008 triển khai chính thức, năm 2013 ứng dụng rộng rãi.  

Bởi vậy nhiều ý kiến cho rằng tại sao không can thiệp sớm hơn ở mức độ tế bào. Nói dễ hiểu là loại bỏ những tế bào mang bệnh càng sớm càng tốt. Nhưng cơ thể có hàng triệu tế bào nên rất khó sàng lọc, loại bỏ: “Lúc này người ta lại nhận thấy tất cả các chất đều lưu thông qua máu nên nghĩ đến việc lấy máu ra để xử lý”, GS Bình kể.

Đến năm 1995, các kĩ thuật y học cho phép lọc máu. Nguyên lý chung là cho máu chạy qua màng lọc để lọc lấy nước, các chất hòa tan hoặc độc tố; quá trình viêm nhiễm giảm xuống, tế bào tổn thương cũng giảm theo.

Nhưng đó là câu chuyện trên thế giới, còn ở Việt Nam khái niệm lọc máu bấy giờ vẫn còn rất xa vời. Qua các dịp tham quan, ra làm việc ở nước ngoài, các bác sĩ “thấy lờ mờ” việc ứng dụng kĩ thuật lọc máu trong hồi sức cấp cứu (HSCC), tiên phong là Nhật Bản. Nỗi trăn trở đó theo ông về nước.

Đến năm 2002 những hiểu biết “lờ mờ” về lọc máu liên tục (LMLT) rõ nét hơn. LMLT được hiểu là quá trình lọc máu diễn ra quá 12 tiếng mỗi ngày.

Đây là cách tập hợp nhiều phương thức lọc máu nhằm lọc bỏ chất độc ra khỏi máu một cách từ từ và liên tục. Màng lọc có thể lọc và hấp phụ các hóa chất trung gian tham gia vào quá trình sinh bệnh của nhiều loại bệnh như: Nhiễm khuẩn nặng, suy thận, suy đa tạng, ngộ độc.

Nhận thấy hướng đi trên mới mẻ và khả quan, BS Bình liền tổ chức nhiều cuộc họp bàn với các đồng nghiệp. Những câu hỏi “Thấy người ta làm rồi, bây giờ phải làm gì?”, “Lý thuyết lờ mờ, kĩ thuật chưa có, máy móc cũng không phải làm thế nào?” liên tục được đặt ra.

“Trong cái khó ló cái khôn”, các BS tự vạch ra “chiến lược” cụ thể: Một mặt tự thu thập và đọc tài liệu để nắm vững lý thuyết. Đồng thời mỗi BS phải tận dụng tất cả quan hệ cá nhân, nhờ đồng nghiệp có điều kiện ra nước ngoài học tập truyền dạy kĩ thuật. Còn máy móc, cũng nhờ mối quan hệ cá nhân mà họ đã mượn được máy lọc máu của một bệnh viện ở Thái Lan.

Động lực thôi thúc sớm hoàn thành công trình

Khi có tương đối đủ các điều kiện, GS Bình đem ý tưởng trình bày với ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và nhận được những lời động viên. Nhưng cái khó nữa là vật tư thực hiện lọc máu ở đâu? Trong khi danh mục các thiết bị như bộ lọc chưa có trong danh mục thiết bị y tế Việt Nam. Ông cam kết với cấp trên sẽ “tự huy động vật tư, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm”.

“Chúng tôi phải thuyết phục gia đình các bệnh nhân tự bỏ tiền mua vật tư để được áp dụng kĩ thuật mới”. Nhờ vậy mà trong ba năm từ 2002 đến 2005, nhóm BS đã triển khai kĩ thuật lọc máu liên tục đối với gần 40 ca bệnh, phần lớn bệnh nhân đều thuyên giảm, quá trình viêm giảm xuống.

Một kỷ niệm buồn xảy ra, cũng là động lực thôi thúc ông hoàn thành sớm công trình. Chuyện diễn ra vào dịp giáp Tết Nguyên đán năm 2004, GS Bình tiếp nhận và điều trị cho ba thành viên trong gia đình thầy giáo trẻ ở ngoại thành Hà Nội.

“Anh thầy giáo trước hôm cưới vợ hai ngày đã giết con gà rù đem bỏ tủ lạnh chờ đến đám cưới để ăn. Sau đám cưới bốn hôm, thầy giáo cùng anh và em trai nhập viện với những biểu hiện như sốt cao, hôn mê nhưng các bệnh viện đều không chẩn đoán ra bệnh”, ông kể. 

Bộ Y tế rồi tổ chức WHO sau đó vào cuộc, mời chuyên gia từ Hồng Kông sang hội chẩn, kết luận ba anh em thầy giáo bị cúm A H5N1: “Chúng tôi cho thở máy, bơm ôxy nhưng không hữu ích. Lượng ôxy trong máu cứ thế tụt giảm.

Chỉ trong mười ngày, ba anh em khỏe mạnh lần lượt tử vong. Nhìn họ chết trước mắt khiến tôi bị ám ảnh, thôi thúc bản thân suy nghĩ tìm ra cách gì đó cứu các bệnh nhân khác”, GS Bình tiếp lời.

Sau đó không lâu, Khoa HSCC lại tiếp nhận một bệnh nhân quê Vĩnh Phúc có biểu hiện cúm A H5N1. Êkip bác sĩ đã dùng phương pháp lọc máu kết hợp các phương pháp khác như thở ôxy, dùng kháng sinh và đã cứu sống được bệnh nhân.

Việc cứu sống bệnh nhân quê Vĩnh Phúc kể trên giúp các BS tìm ra hướng điều trị mới. Nhiều tháng sau đó, nhóm BS tiến hành phương pháp lọc máu đối với 300 trường hợp người bệnh đến từ 18 tỉnh/thành nghi nhiễm cúm (sau này xác định có 8 trường hợp nhiễm cúm A H5N1).

Kết quả xét nghiệm nhận thấy lọc máu đã làm giảm tổn thương trên cơ thể, từ đó giúp quá trình điều trị dễ dàng hơn và các bệnh nhân được cứu sống. Đây là bước đệm để kĩ thuật lọc máu trong HSCC được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị chính thức sau này.

Đến nay, kĩ thuật lọc máu liên tục đã được xây dựng hệ thống quy trình hoàn chỉnh và triển khai tại gần 30 bệnh viện trên cả nước, ứng dụng cho khoảng 9000 bệnh nhân từ năm 2008 đến nay với giá thành chỉ bằng 1/5-1/10 chi phí điều trị tương đương ở các nước trên thế giới; giảm tỷ lệ tử vong của một số bệnh như của suy gan cấp từ 50% xuống còn 10-12%.; kéo giảm tỷ lệ tử vong do ngộ độc từ 85% xuống 65%; tỉ lệ bệnh nhân nhiễm trùng nặng tử vong trước đây khoảng 65%, nhờ lọc máu đã giảm xuống 45%. 

Đọc thêm