Trà - Thuốc quý từ thiên nhiên

(PLO) - Trà là một dược liệu quý được nhiều người sử dụng, cũng là thức uống tao nhã, thể hiện nét văn hóa của người Việt.

Thưởng trà trong ngày Tết cảm thấy thư thái, thanh tao hơn, bởi không khí của mùa xuân mới, đất trời giao hòa, lòng người cũng phấn chấn hơn. Nhất là đối với những bậc cao niên thì uống trà và ngắm nhìn con cháu là điều hạnh phúc giản dị cả đời tìm kiếm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ lợi ích của trà đối với sức khỏe.

Cách đây khoảng 2.700 năm, người dân phương Đông đã phát hiện cây trà và dùng lá trà làm thuốc, vì vậy, trà không chỉ được dùng làm nước giải khát mà còn dùng trị bệnh rất hiệu quả. Trà dùng trị bệnh còn gọi trà dược. Với một thời gian dài nghiên cứu và ứng dụng cho thấy, dùng trà có khoảng 10 tác dụng như sau: hưng phấn thần kinh; lợi tiểu; phòng ngừa sâu răng; tiêu viêm, kháng khuẩn; giúp tiêu hóa; giảm đường, giảm huyết áp; giảm mỡ trong máu, giảm xơ cứng động mạch; chống suy nhược; chống giảm bức xạ; chống ung thư.

Thực tế cho thấy, trà còn ngăn ngừa sỏi mật, sỏi thận, cảm mạo, viêm khí quản, giải rượu, giải độc cho gan. Trong trà còn có rất nhiều vitamin, chất khoáng, vi lượng cần thiết có thể phòng trị được nhiều chứng bệnh khác.

Bản thảo cương mục Lý Thời Trân, đời Minh cho rằng, hỏa là nguyên nhân hàng đầu của trăm thứ bệnh, uống trà có công năng hạ hỏa. Thần nông bản thảo kinh của Tôn Hoàng Diễn, đời Thanh viết, trà có vị đắng, uống vào sáng suốt, tỉnh táo, ít ngủ, nhẹ người, sáng mắt... Vĩnh Tây Thiền sư Nhật Bản cho rằng, trà là tiên dược của dưỡng sinh, là diệu thuật của nâng cao tuổi thọ. Nhiều thầy thuốc Việt Nam còn ví trà như tiên dược của dân gian, biết dùng trà có thể cải lão hoàn đồng, trường thọ... Chúng ta biết cây trà là một cây dược liệu quý không chỉ người dân nước ta mà nhiều người trên thế giới đánh giá rất cao về cây trà.

Trà hoa cúc, táo đỏ, kỳ tử, long nhãn.

Trà hoa cúc, táo đỏ, kỳ tử, long nhãn.

 Sử dụng  trà thế nào để bảo vệ sức khỏe?

Sử dụng trà để bảo vệ sức khỏe trước tiên phải biết chọn mua trà ngon. Muốn mua được trà ngon phải nhìn sắc trà, nên chọn trà màu lục hoặc đen lục, màu bích ngọc, sắc trà phải tươi nhuận sáng sủa, cọng trà tròn trịa đều, đầu nhọn. Dùng hai ngón tay vê thấy tan thành bột, đó là trà khô mới, trà tốt. Nước trà màu xanh lục, màu bích ngọc, nếm vị trà đầu lưỡi cảm giác tươi ngọt, thơm sảng khoái, sau đó còn lưu lại vị ngọt, đó là trà tốt, thượng phẩm. Không nên chọn mua trà có màu u ám, cong thâm, gãy vỡ nát, mới cũ lẫn lộn, mất mùi. Nếu mua nhầm phải trà mốc, trà giả không những không có lợi mà còn có hại cho sức khỏe. Pha trà phải nước sôi, thời gian pha trà khoảng 3-5 phút, pha khoảng 3 lần, chất trong trà mới hòa tan hoàn hảo. Khi uống trà, nên uống trà nóng, còn giữ được hương sắc của vị trà, uống trà nóng hoạt chất của trà dễ phát tán, dễ ra mồ hôi, hạ thân nhiệt, mát người, trà nóng giúp tạng thận tăng cường bài tiết chất thải ra ngoài. Người dân thường có câu: Nhất nhật tam bôi tiểu, Bình minh nhất chén trà... Lương y bất đáo gia. Nên uống trà lúc sáng sớm mặt trời mới mọc, uống chiều tối hưng phấn thần kinh khó ngủ.

Có thể nói, uống trà vừa giải khát vừa là thú vui tao nhã nhưng muốn uống trà phòng trị bệnh (bảo kiện sức khỏe), thứ nhất phải biết chọn trà, thứ hai phải pha trà đúng cách, thứ ba thời gian uống trà, hơn nữa uống trà hợp với tuổi tác, bệnh tật, sức khỏe mỗi người.

Việt Nam có rất nhiều trà ngon, trà quý như trà tuyết Hoàng Liên Sơn, trà Thái Nguyên, trà Ô Long Bảo Lộc, Lâm Đồng, trà tuyết có thể gọi quốc trà... (người dân nước ta rất thích uống trà xanh, trà xanh cũng có tác dụng tương tự trà khô nhưng trà xanh mát hơn).

Phối hợp trà với các vị thuốc như thế nào để tăng thêm hiệu quả?

    Theo Đông y, trà có tác dụng hưng phấn, trừ phiền não (sảng khoái, bớt lo âu), giáng hỏa, thanh nhiệt, trừ thấp, tiêu thực... và các chứng bệnh liên quan đến mạch máu, các bệnh ung thư... Dựa theo công năng của trà, các thầy thuốc Đông y phối hợp với một số dược liệu để tăng thêm hiệu quả phòng trị.

    Trà gia vị nhị sen: Tác dụng thanh tâm, bổ thận, cố tinh... trị thận hư sinh mộng tinh tiết tinh...

    Trà gia tâm sen: Tác dụng thanh tâm giải nhiệt... trị tâm phiền mất ngủ, sốt cao mê sảng, thổ huyết...

    Trà gia vị hoa cúc, cẩu kỷ: Tác dụng trị đau đầu, chóng mặt, hạ huyết áp, sáng mắt, mất ngủ...

    Trà gia vị gương sen: Tác dụng tiêu ứ cầm huyết... trị đại tiểu tiện ra máu và các chứng xuất huyết...

    Trà kết hợp lá sen, sơn tra, ý dĩ: Tác dụng hành thủy, cầm máu, giảm mập, giảm mỡ máu...

    Trà gia vị nhân trần, thảo quyết minh, cam thảo: Tác dụng  mát gan, lợi mật, chữa sỏi gan sỏi mật...

    Trà kết hợp gừng, vỏ quýt: Tác dụng trị ho tiêu viêm, đau bụng lạnh,  tiêu chảy, cảm ho...

    Trà bát tiên: Trà kết hợp lục đậu, tiểu hồi, cơm cháy (đây là bài trà bát tiên quan ngự y chế cho Từ Hy Thái Hậu uống). Tác dụng bổ tỳ vị, thơm người, kéo dài tuổi thanh xuân... Nói chung, trà phối hợp với dược liệu khác tăng hiệu quả trị bệnh rất cao. Nên chọn dược liệu dễ kiếm, không làm mất hương vị của trà là tốt nhất, hiện nay, có tới 50 loại trà bảo kiện sức khỏe.

    Ai không nên uống trà?

    Như chúng ta đã biết, trà có rất nhiều công hiệu như làm cho tinh thần phấn chấn, tiêu trừ mệt nhọc, ngăn ngừa được một số bệnh tật, tuy nhiên, trong trà có chất cafein, chất này có tác dụng hưng phấn thần kinh có thể làm cho tim đập nhanh. Vì vậy, những trường hợp sau đây không nên dùng trà: người suy nhược thần kinh không nên uống trà dễ làm mất ngủ; người có tiền sử tim đập nhanh, thần kinh uống trà dễ làm tim đập nhanh; người tỳ vị hư nhược uống trà gây kích thích đường ruột khiến tỳ vị không được thư giãn, nghỉ ngơi, làm tỳ vị yếu thêm; người đang đói bụng không nên uống trà đặc gây xót bụng; phụ nữ có thai, trong trà có cafein, không có lợi cho thai nhi...; người bệnh trĩ, táo bón không nên uống vì trong trà có chất tanin dễ làm táo bón thêm...

    Tóm lại, trà cũng như vị thuốc quý khác, biết sử dụng trà là một dược liệu quý phòng bệnh chữa bệnh cho con người, nếu không biết sử dụng trà cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Đọc thêm