Việt Nam sắp tự sản xuất vắc xin 6 trong 1

(PLO) - Tại hội thảo khoa học “Vắc xin Việt Nam – phát triển và hội nhập”, GS.TS.Nguyễn Thanh Long -Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong 39 quốc gia có nền sản xuất vắc xin tiên tiến, chúng ta cũng đã chủ động phòng, chống, thanh toán được nhiều dịch bệnh góp phần thay đổi căn bản mô hình bệnh tật của Việt Nam.
Việt Nam sắp tự sản xuất  vắc xin 6 trong 1
Hiện, chúng ta có 4 công ty sản xuất vắc xin, giúp chúng ta tự túc được 10 loại và tiếp tục sản xuất nhiều loại vắc xin nữa. Cuối năm 2017, vắc xin sởi - rubella do Việt Nam sản xuất sẽ ra lò. Việt Nam cũng là 1 trong 4 nước nghiên cứu sản xuất thành công vắc xin Rota virút; vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván cũng đã và đang được nghiên cứu, sản xuất… 
Đặc biệt, trước sự khan hiếm của loại vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 thời gian vừa qua gây rất nhiều hệ lụy đối với người dân và xã hội, Bộ Y tế đã chỉ đạo các công ty sản xuất vắc xin nghiên cứu sản xuất vắc xin 6 trong 1, với mục tiêu cuối năm 2017, đầu năm 2018 sẽ sản xuất được vắc xin và đến năm 2020 vắc xin thành phẩm sẽ được đưa ra thị trường, với chất lượng không thua kém gì vắc xin nhập khẩu. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2020 chúng ta sẽ sản xuất được 10 loại vắc xin đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 
TS Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, Việt Nam được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý vắc xin đạt chuẩn quốc tế (NRA). Từ đó, cánh cửa xuất khẩu vắc xin cũng đã mở ra. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết hiện nay là phải nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất, cạnh tranh của các công ty vắc xin. Cùng với đó phải đánh giá trình độ khoa học, công nghệ cũng như những khó khăn, thách thức của chương trình sản phẩm quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển cho phù hợp. 
Liên quan đến việc lợi dụng tình trạng khan hiếm loại vắc xin này, một số tư thương, công ty đã lừa đảo, môi giới để trục lợi, Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận tình trạng đó là có thật và người dân phải hết sức cảnh giác để tránh bị lừa, cũng như không nên tin tưởng vào các loại vắc xin “trôi nổi”, “xách tay” khác. 
Theo ông Long cho biết, tình trạng khan hiếm vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 không chỉ ở Việt Nam mà là của chung nhiều nước và tình trạng này sẽ kéo dài đến hết năm 2016. Để có đủ nguồn vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng làm việc với các công ty cung cấp vắc xin để thương thảo, điều phối cung cấp hàng; đồng thời tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong việc tích cực đưa con em đi tiêm chủng, tránh nguy cơ bùng phát các dịch bệnh có thể xảy ra do lơ là, bỏ sót các mũi tiêm. 
Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo kiểm nghiệm xong 40.000 liều vắc xin 5 trong 1, 160.000 liều vắc xin 5 trong 1 nữa cũng sắp về đến Việt Nam. Để tránh tình trạng “ém hàng”, “găm hàng”, Bộ Y tế sẽ kiểm nghiệm và phân phối nghiêm ngặt theo một quy trình chặt chẽ. Về giá cả, đại diện Bộ Y tế khẳng định giá vắc xin gần như tương đồng, cộng thêm một số chi phí khác, giá tùy loại có thể đội lên một chút nhưng chênh lệch không đáng kể. 
Nhằm hạn chế tình trạng khan hiếm để nâng giá vắc xin này, Bộ Y tế đã chỉ đạo thanh, kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ các điểm tiêm chủng dịch vụ lẫn trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm khắc để răn đe. Vụ trục lợi vừa xảy ra ở Công ty cổ phần vật tư tiêu hao Y tế Sài Gòn, Bộ đã chỉ đạo Sở y tế TP HCM kịp thời kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc.  

Đọc thêm