Vụ nữ sinh chết thảm vì nhịn ăn: Bác sĩ nói gì?

(PLO) - Một nữ bệnh nhân 18 tuổi, nặng hơn 80kg được gia đình đưa đến khoa cấp cứu (BV Thanh Nhàn) sáng 7/7 trong tình trạng ngừng tuần hoàn, không mạch, không huyết áp và tử vong vào 15h10 phút cùng ngày. Bác sĩ (BS) phát hiện, bệnh nhân đã nhịn ăn 10 ngày...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ uống nước cầm hơi

Bệnh nhân này (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã áp dụng phương pháp nhịn ăn 12 ngày để giảm béo, “thanh lọc cơ thể” đang lưu truyền rầm rộ trên mạng internet.
Gia đình bệnh nhân (cao 1m60 và nặng hơn 80kg) này cho biết vì mặc cảm mình bị béo, cô gái áp dụng phương pháp nhịn ăn 12 ngày để thanh lọc cơ thể. Dù bị cha mẹ phản đối, cô gái đã tuyệt thực 10 ngày nay, không ăn bất cứ thực phẩm gì mà chỉ uống nước cầm hơi. Sau 10 ngày nhịn ăn, cô gái giảm được xuống còn 76kg và đến ngày thứ 10 thì xảy ra sự việc trên.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng ngừng tuần hoàn, không mạch, không huyết áp. Các bác sĩ đã ép tim, đặt nội khí quản, bệnh nhân đã thở trở lại, được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.
Tại đây, bệnh nhân luôn trong tình trạng rất nặng: Hôn mê, đồng tử giãn, gần như mất não, chỉ sống dựa hoàn toàn vào thuốc. Đến 15h10 phút cùng ngày, bệnh nhân tử vong.
Bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, khoa Cấp cứu BV Thanh Nhàn – người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân cho biết theo lời kể của gia đình thì tính từ khi bệnh nhân bị ngất ở nhà đến lúc được đưa vào viện cấp cứu mất gần 1 giờ đồng hồ.
Thông thường, nếu bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn trong khoảng 10 phút thì cơ hội cứu sống đã gần như không còn.
Nguyên nhân tự tử của cô gái được loại trừ do xét nghiệm cho thấy trong máu không có độc tố. Bệnh nhân cũng không có dấu hiệu bị suy kiệt cơ thể, không bị hạ đường huyết, có toan máu nhưng hàm lượng kali vẫn trong giới hạn bình thường.
Nguyên nhân cụ thể dẫn tới cái chết của bệnh nhân hiện bệnh viện Thanh Nhàn chưa thể kết luận.
Nhịn ăn đột ngột, kéo dài nguy hiểm đến tính mạng
PGS.TS Từ Ngữ, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết việc nhịn ăn, ăn chay là việc bình thường, nhưng chỉ là nhịn 1-2 bữa, 1-2 ngày. Còn nhịn ăn liền 12 ngày để thanh lọc cơ thể thì chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh là đúng.
Người nhịn ăn dài ngày thành công, khi ăn lại bình thường sẽ gặp vấn đề về tiêu hóa, dinh dưỡng
 Người nhịn ăn dài ngày thành công, khi ăn lại bình thường sẽ gặp vấn đề về tiêu hóa, dinh dưỡng
Phương pháp này được quảng cáo là nhịn ăn thực phẩm, uống nước chanh đường. Nếu duy trì suốt 10 ngày như thế này, đặc biệt là với người có huyết áp thấp, mắc bệnh tiểu đường hoặc thể trạng yếu thì PGS Ngữ cho là rất nguy hiểm.
“Con người chỉ nhịn thở được vài phút, nhịn uống được vài giờ và có thể nhịn ăn vài ngày. Nhưng người nào vẫn muốn nhịn ăn dài ngày theo phương pháp này thì nên tập dần dần, nếu nhịn ngay 12 ngày thì nguy hiểm là chắc chắn”, ông Ngữ nói.
Nếu nhịn ăn đột ngột theo cách mà nữ sinh trên đã làm, thì bộ phận nào của cơ thể bị yếu hơn sẽ bị tổn thương trước (nếu não yếu thì não sẽ tổn thương với những biểu hiện như mất tri thức, hôn mê …).
Hơn nữa, với người nhịn ăn dài ngày thành công, khi ăn lại bình thường sẽ gặp vấn đề về tiêu hóa, dinh dưỡng: “Muốn tiêu hóa tốt phải có các enzim, nhịn ăn lâu sẽ thiếu enzim, lúc ăn lại sẽ không thể tiêu hóa tốt được”.
Còn BS Nguyễn Thị Thế Thanh, Phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, về nguyên tắc cơ thể chỉ giảm 0,5-1kg/tháng và giảm dần. Nếu nhịn ăn, giảm cân đột ngột sẽ làm thiếu hụt năng lượng nuôi cơ thể, nuôi não.
Con người tồn tại và phát triển cần có năng lượng để chuyển hóa, nếu chỉ uống nước thì không có tinh bột, đường sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa cũng như các bộ phận khác của cơ thể.
“Đây là phương pháp phản khoa học, chưa có công trình nghiên cứu nào công nhận”, BS Thanh khẳng định.

Đọc thêm