Vụ thuốc trị ung thư hết hạn: Lỗi ở việc bệnh viện dự trù không sát với thực tế

(PLO) - Theo báo cáo của Sở Y tế Tp Hồ Chí Minh về việc tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư máu, trách nhiệm chủ yếu là do Bệnh viện (BV) Truyền máu huyết học TP.
Hình minh họa
Hình minh họa

Đây là nội dung bản báo cáo do Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh vừa giải trình với Bộ Y tế về việc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200 mg đặc trị ung thư máu.

Theo nội dung báo cáo,  Sở Y tế TP, từ lúc BV bắt đầu tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng thuốc Tasigna của công ty viện trợ đến khi hoàn tất thủ tục của chương trình hiến tặng thuốc là 13 tháng 8 ngày. (Riêng thủ tục qua lại giữa Bệnh viện và Novartis ở giai đoạn đầu mất trên 4 tháng 11 ngày)

Giai đoạn BV bổ sung giấy tờ theo yêu cầu của Cục Quản lý Dược mất 25 ngày, bổ sung giấy tờ cho Sở Y tế mất 1 tháng 7 ngày. Thời gian Sở Y tế xử lý hồ sơ mất 21 ngày, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM xử lý hồ sơ mất 3 tháng, UBND TP.HCM xử lý hết 10 ngày làm việc.

Đến ngày 14/7/2014, Cục Quản lý Dược đã có công văn đồng ý cho bệnh viện tiếp nhận số thuốc nêu trên và lúc được cấp phép thì hạn dùng của số thuốc này là gần 10 tháng, đến tháng 5/2015 thì hết hạn.

Sau hơn 1 tháng làm thủ tục, đến ngày 27/7/2014, số thuốc này đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất nhưng Hải quan Tân Sơn Nhất không cho bệnh viện nhận thuốc do hạn dùng dưới 12 tháng. Sau đó, Bệnh viện đã có công văn gửi Chi cục Hải quan và Sở Y tế để nhờ hỗ trợ.

Đến ngày 13/8/2014, số thuốc trên đã được về kho bệnh viện và còn lại 8,5 tháng sử dụng. Trước khi hết hạn khoảng 6 tháng, Bệnh viện Truyền máu huyết học đã đề nghị công ty Novartis mở rộng phạm vi chương trình đến các bệnh viện trên toàn quốc đang cùng điều trị bệnh lý CML tuy nhiên công ty không đồng ý.

Quá trình từ lúc tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng thuốc đến đến khi hoàn tất thủ tục bị kéo dài, trong khi thuốc Tasigna có hạn sử dụng ngắn.

Báo cáo nhận định: Tại thời điểm Cục quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu thuốc (tháng 7/2014), thuốc chỉ còn hạn dụng 10 tháng nhưng công ty viện trợ vẫn gửi thuốc về VN. Trách nhiệm này thuộc về công ty viện trợ và Bệnh viện. Đây là lần đầu tiên Sở giải quyết hồ sơ tiếp nhận thuốc viện trợ có điều kiện nên các chuyên viên của các phòng chức năng thuộc Sở còn lúng túng trong việc trao đổi ý kiến qua lại giữa các phòng và tham mưu cho lãnh đạo Sở, dẫn dến việc chậm xử lý hồ sơ nhận thuốc viện trợ 3 ngày.

Sở Y tế TP yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP HCM nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc lập kế hoạch dự trù số lượng thuốc đề nghị hiến tặng, không sát với thực tế sử dụng.

Sở Y tế TP HCM cũng đề nghị BV Truyền máu và Huyết học TP - ngoài việc dự trù thuốc xin viện trợ sát với thực tế sử dụng, thực hiện các hồ sơ, thủ tục phải nhanh chóng, không nên nhận các thuốc viện trợ có hạn dùng ngắn.

GĐ Sở y tế Tp cũng cho biết sau khi sự việc xảy ra, đã họp kiểm điểm trách nhiệm của Giám đốc BV Truyền máu huyết học và các cá nhân liên quan.

Đọc thêm