Cần hỗ trợ phục hồi sản xuất để thủy sản Việt Nam 'chốt vững' ở thị trường châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủy sản Việt Nam đã “chốt” tại thị trường châu Âu, bất chấp những ảnh hưởng từ thẻ vàng IUU… Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cần cơ chế hỗ trợ để thủy sản Việt Nam phục hồi sản xuất, giữ vững thị trường này.
Cần có biện pháp hỗ trợ để thủy sản Việt Nam giữ vững thị trường EU.
Cần có biện pháp hỗ trợ để thủy sản Việt Nam giữ vững thị trường EU.

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhờ EVFTA

Châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu (XK) thủy sản lớn thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc), chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch XK thủy sản. Tuy nhiên, XK thủy sản của Việt Nam sang EU trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, nhất là từ tháng 10/2017- thời điểm Việt Nam bị Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng IUU (khai báo hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công Thương, thẻ vàng IUU là nguyên nhân chính khiến XK thủy sản sang EU sụt giảm liên tiếp trong 3 năm từ 2018-2020, cho dù những năm trước luôn ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá.

Nhưng tín hiệu vui đã đến trong 6-7 tháng vừa qua nhờ những tác động tích cực của việc thực thi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo thống kê chi tiết, các thị trường XK thuỷ sản chủ lực của Việt Nam tại EU đều đạt mức tăng trưởng tốt. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, thủy sản của Việt Nam được XK tới 25/27 thị trường thuộc EU với tổng lượng đạt 104,3 nghìn tấn, trị giá 485,3 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 20% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Một số thị trường có mức tăng tốt như Đức (chiếm 19% tổng kim ngạch XK thuỷ sản của Việt Nam sang EU) đạt 92 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2020; Italy đạt 63 triệu USD, tăng 78,7%; Pháp đạt 37 triệu USD, tăng 11,8%; Hà Lan đạt 99 triệu USD, tăng 4,8%...

Một số thị trường có kim ngạch XK nhỏ lại đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy tiềm năng XK rất lớn như: Bungari (tăng 192,7%); Estonia (tăng 153,5%); Litva (tăng 66,3%); Thuỵ Điển (tăng 63,1%)...

Đại diện Cục XNK đánh giá, đây là kết quả tương đối tích cực, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước đại dịch COVID-19, cước phí vận tải ghi nhận những mức tăng cao kỷ lục trong khi XK thủy sản Việt Nam sang thị trường EU vẫn chưa được gỡ thẻ vàng IUU. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy thủy sản Việt Nam đã “chốt vững” ở thị trường này.

Đáng chú ý là DN XNK của Việt Nam đã và đang có những thay đổi khi tích cực đẩy mạnh XK những sản phẩm thủy sản được ưu đãi từ EVFTA trong khi phía đối tác cũng ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ Việt Nam do có mức giá cạnh tranh hơn. Do đó, kỳ vọng tăng trưởng XK của thủy sản Việt Nam sang EU khá lớn.

Cần hỗ trợ phục hồi sản xuất để giữ thị trường

Do ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19, XK thủy sản trong tháng 8 sang EU giảm 32% (Hà Lan giảm gần 50%; Đức giảm 42%; Anh giảm 48%...), nhưng tính chung đến hết tháng 8, XK sang EU vẫn duy trì được mức tăng trưởng khoảng 10%.

Cục XNK cho rằng, mức XK giảm tạm thời trong 1-2 tháng là do những tác động của các biện pháp phòng dịch COVID-19. Do đó, các DN vẫn cần phải chuẩn bị sớm cho kế hoạch XK trở lại ngay khi các biện pháp phòng dịch được nới dần.

Một số thị trường lớn mà Việt Nam có thể tiếp cận để có thể đạt mục tiêu kim ngạch đã đặt ra như Italy - quốc gia tiêu thụ thủy sản lớn trong EU, nằm ở Nam Âu - khu vực đang nhập khẩu tới 82% nhu cầu từ các quốc gia ngoài EU.

Mặt hàng tốt nhất mà Việt Nam có thể tận dụng chính là cá tra khi Việt Nam là thị trường cung cấp cá da trơn lớn nhất cho EU nói chung và cho Hà Lan nói riêng với thị phần gần như tuyệt đối (chiếm hơn 97% tổng lượng cá da trơn nhập khẩu của thị trường này). Ngoài ra, những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam cần được tận dụng để XK sang thị trường EU như tôm, cá ngừ...

Đại diện Cục XNK nhận định, trong những tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ tại EU đang có xu hướng hồi phục trở lại cộng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường EU.

Tuy nhiên, diễn biến của dịch COVID-19 trong và ngoài nước cùng với những ảnh hưởng của thẻ vàng IUU sẽ tiếp tục là những yếu tố tác động lớn nhất đến XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Đặc biệt, hoạt động sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan mạnh tại hàng loạt địa phương trên cả nước. Do vậy, cần triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi và duy trì ổn định sản xuất, XK, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn và tận dụng tốt cơ hội thị trường trong thời gian tới.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm