Các nhà khoa học Mỹ vừa bổ sung thêm điểm mới cho thuyết tương đối của nhà bác học Albert Einstein.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 11/3 đã khẳng định, thuyết khoa học này đúng tuyệt đối trong vũ trụ.
Theo nhà khoa học Reinabelle Reyes (ĐH Princeton), trưởng nhóm nghiên cứu, đây là lần thử nghiệm đầu tiên với những tiêu chuẩn khắt khe nhất đối với thuyết tương đối ở bên ngoài hệ Mặt Trời với khoảng cách 3,5 tỷ năm ánh sáng từ Trái Đất.
Họ đã phân tích các dữ liệu thu được từ 70.000 thiên hà với 3 cách đo khác nhau.
Thứ nhất, đo độ cong của ánh sáng của một thiên hà khi bị khối lượng vật chất của thiên hà khác bẻ cong. Thứ hai, đo tốc độ của thiên hà này để biết cách thức chúng chuyển động lại gần nhau và rời xa nhau.
Thứ ba, đo mật độ của các thiên hà theo những khoảng cách khác nhau.
Tất cả các số đo nói trên lập thành hệ thống thử nghiệm thuyết tương đối trên vũ trụ và hoàn toàn độc lập với những số liệu được tính toán theo thuyết tương đối.
Kết quả cho thấy thuyết tương đối hoàn toàn nhất quán với các dữ liệu quan sát được trên vũ trụ. Điều này khẳng định, dù trong không gian cực lớn như vũ trụ, phương trình của thuyết tương đối vẫn hoàn toàn đúng khi tính toán để dự báo chính xác cách thức các vật thể vô cùng lớn như thiên hà tác động lẫn nhau trong vũ trụ.
Thuyết tương đối được Einstein công bố lần đầu tiên năm 1915 và đã gây chấn động giới khoa học. Thuyết này bao gồm 2 lý thuyết vật lý: thuyết tương đối hẹp và thuyết tương đối rộng.
Nguồn: Đất Việt